Phố Wall mở cửa phiên giao dịch thứ Sáu (30/11) cũng lình xình quanh tham chiếu trong suốt phiên sáng và sang đầu phiên chiều khi nhà đầu tư thận trọng trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 tại Agrentina.
Tuy nhiên, sau đó, các chỉ số chính của phố Wall đã tăng mạnh trong nửa cuối phiên chiều khi nhà đầu tư kỳ vọng 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được thỏa thuận để xoa dịu căng thẳng thương mại
Thực tế 2 bên sau đó đã đạt được thỏa thuận tạm đình chiến thương mại trong 90 ngày để mở đường cho các cuộc đàm phán.
Theo đó, Mỹ sẽ không tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc từ 1/1/2019 như đe dọa ban đầu, còn Trung Quốc sẽ tăng cường mua nông sản từ Mỹ.
Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Dow Jones tăng 199,62 điểm (+0,79%), lên 25.538,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,41 điểm (+0,82%), lên 2.760,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 57,45 điểm (+0,79%), lên 7.330,54 điểm.
Phiên tăng điểm tích cực cuối tuần đã góp phần giúp phố Wall có tuần tăng điểm mạnh nhất trong 7 năm. Cụ thể, trong tuần cuối tháng 11, Dow Jones tăng 5,16%, S&P 500 tăng 4,85% và Nasdaq tăng 5,64%. Tuần tăng điểm này giúp phố Wall lấy lại cả vốn lấn lãi của tuần giảm điểm trước đó và giúp phố Wall tăng điểm trở lại trong tháng 11 sau tháng giảm mạnh trước đó. Cụ thể, trong tháng 11, Dow Jones tăng 1,68%, S&P 500 tăng 1,79% và Nasdaq tăng 0,34%.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực cũng lình xình khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi các cuộc gặp mặt quan trọng tại G20, cũng như dữ liệu kém khả quan của Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Đức. Theo đó, báo cáo tăng trưởng nhà máy của Trung Quốc hôm thứ Sáu ở mức yếu nhất 2 năm.
Kết thúc phiên 30/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 58,71 điểm (-0,83%), xuống 6.980,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 40,99 điểm (-0,36%), xuống 11.257,24 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 2,32 điểm (-0,05%), xuống 5.003,92 điểm.
Phiên giảm điểm cuối tuần chỉ khiến lấy bớt số điểm tăng trước đó của chứng khoán châu Âu, chứ không cản bước được chứng khoán khu vực này có tuần hồi phục sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,39%, chỉ số DAX tăng 0,58% và chỉ số Nasdaq tăng 1,15%.
Dù vậy, chứng khoán châu Âu vẫn có tháng giảm thứ 2 liên tiếp trong quý IV với mức giảm lần lượt của các chỉ số là 2,07%, 1,66% và 1,76%. Tổng mức giảm trong 2 tháng của các chỉ số chính chứng khoán châu Âu từ 7-10%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đều có sắc xanh trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng mức tăng không mạnh khi nhà đầu tư thận trọng chờ cuộc họp G20 tại Agrentina, mà trọng tâm là cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập.
Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 88,46 điểm (+0,40%), lên 22.351,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,74 điểm (+0,81%), lên 2.588,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 55,72 điểm (+0,21%), lên 26.506,75 điểm.
Những phiên tăng mạnh liên tiếp giúp chứng khoán Nhật Bản có tuần hồi phục tích cực lên mức cao nhất 3 tháng sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó. Trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc cũng nhanh chóng trở lại sau tuần điều chỉnh trước. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,92%, chỉ số Hang Seng tăng 2,23% và Shanghai Composite tăng 0,34%.
Trong tháng 11, chỉ số Nikkei 225 hồi phục 1,96% sau tháng giảm 9,12% trước đó, chỉ số Hang Seng cũng hồi phục 6,11% sau khi mất 10,11% trong tháng 10 và cũng chấm dứt chuỗi 6 tháng giảm liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite lại tiếp tục giảm nhẹ 0,56% sau khi đã mất 7,75% trong tháng 10.
Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng khiến giá vàng lình xình trong biên độ hẹp trong phiên giao dịch cuối tuần qua và đón cửa giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 30/11, giá vàng giao ngay giảm 1,8 USD (-0,15%), xuống 1.222,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 3,9 USD/ounce (-0,32%), xuống 1.220,2 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay chỉ giảm nhẹ 0,02% và giá vàng tương lai giảm 0,26%. Dù mức giảm rất khiêm tốn, nhưng cũng chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp của giá vàng.
Giới đầu tư đã có cái nhìn tích cực trở lại với xu hướng của giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, theo khảo sát, trong 16 chuyên gia trả lời cuộc khảo sát tuần này, có 11 người, chiếm 69% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn con số 50% trong tuần trước, trong khi đó chỉ có 1 người, chiếm 6% dự báo giá vàng giảm, thấp hơn so với con số 19% của tuần trước và 4 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 25%.
Tương tự, trong 476 người tham gia cuộc khỏa sát trực tuyến, có 269 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ tăng, thấp hơn chút ít so với con số 59% của tuần trước; 122 lượt, chiếm 26% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn con số 23% của tuần trước và 85 lượt người, chiếm 18% dự báo giá vàng đi ngang.
Trong khi đó, sau phiên hồi phục khá tốt hôm thứ Năm sau thông tin Nga đồng ý với Ả Rập Xê út về việc cắt giảm thêm sản lượng, giá dầu thô đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần do lo ngại về sức cầu sau dữ liệu kinh tế kém tích cực từ Trung Quốc.
Kết thúc phiên 30/11, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,52 USD (-1,02%), xuống 50,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,80 USD (-1,36%), xuống 58,71 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ hồi phục 1,01%, chấm dứt chuỗi 7 tuần giảm liên tiếp, trong khi giá dầu thô Brent tiếp tục giảm 0,15%. Tuần hồi phục cuối tháng cũng đã giúp giá dầu thô Mỹ có mức tăng nhẹ 0,66% trong tháng 11 và là tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Tương tự, giá dầu thô Brent cũng có mức tăng nhẹ 0,43% trong tháng 11.