Sau phiên khởi sắc trước đó, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng khi mở cửa phiên giao dịch thứ Năm sau biên bản cuộc họp tháng trước của Fed được công bố. Biên bản cuộc họp cho thấy, các thành viên của Fed đồng ý rằng, việc tăng lãi suất nữa trong năm nay gần như chắc chắn, nhưng cũng đánh dấu một loạt các vấn đề bắt đầu cân nhắc về quan điểm của họ về nền kinh tế, cho thấy mức tăng lãi suất có thể chậm hơn thời gian tới.
Điều này cũng đã được thể hiện trong bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong ngày thứ Tư tại Câu lạc bộ Kinh tế New York.
Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu, các chỉ số quay đầu giảm điểm do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính. Ngoài ra, sự thận trọng của nhà đầu tư trước thềm cuộc họp G20 mà tâm điểm là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khiến phố Wall không duy trì được đà tăng. Ông Trump hôm thứ Năm đã đưa ra những phát biểu nước đôi về cuộc chiến thương mại này.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm theo lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ sau phát biểu của ông Powell.
Kết thúc phiên 29/11, chỉ số Dow Jones giảm 27,59 điểm (-0,11%), xuống 25.338,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,03 điểm (-0,22%), xuống 2.737,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 18,51 điểm (-0,25%), xuống 7.273,08 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại đảo chiều tăng điểm nhẹ trong phiên thứ Năm khi phản ứng tích cực với phát biểu trong ngày trước đó của ông Powell. Phát biểu của người đứng đầu Fed đã góp phần bù đắp cho những lo ngại về sự không chắc chắn trong việc giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Kết thúc phiên 29/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 34,43 điểm (+0,49%), lên 7.038,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 0,65 điểm (-0,01%), xuống 11.298,23 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,01 điểm (+0,46%), lên 5.006,25 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, dư âm của chứng khoán Mỹ tối hôm trước đó sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell giúp chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giảm trở lại khi nhà đầu tư thận trọng trước Hội nghị thượng đỉnh G20, nơi ông Trump và ông Tập gặp nhau để bàn về căng thẳng thương mại giữa 2 nước.
Kết thúc phiên 29/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 85,58 điểm (+0,39%), lên 22.262,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 34,29 điểm (-1,32%), xuống 2.567,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 231,53 điểm (-0,87%), xuống 26.451,03 điểm.
Giá vàng lình xình quanh ngưỡng 1.225 USD/ounce trong suốt phiên thứ Năm rồi hạ nhiệt nhẹ trong những phút cuối phiên, nhưng vẫn duy trì được phiên tăng thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 29/11, giá vàng giao ngay tăng 3,2 USD (+0,26%), lên 1.223,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 0,5 USD/ounce (+0,04%), lên 1.224,1 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô đã hồi phục trở lại, lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên trước đó trong phiên thứ Năm khi có thông tin cho rằng, Nga đồng ý với OPEC về việc cắt giảm thêm sản lượng trong cuộc họp tuần tới.
Kết thúc phiên 29/11, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,16 USD (+2,3%), lên 51,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,75 USD (+1,3%), lên 59,51 USD/thùng.