Sau phiên bán tháo hôm thứ Năm, phố Wall đã hồi phục trong phiên cuối tuần, khi dữ liệu GDP của Mỹ được điều chỉnh tăng thêm 0,5% trong quý II. Như vậy, tăng trưởng GDP của Mỹ đã có mức tăng mạnh nhất 2 năm rưỡi. Tuy nhiên, với phiên giảm mạnh hôm thứ Năm cùng các phiên giảm mạnh đầu tuần, phố Wall vẫn có tuần giảm điểm.
Trong khi đó, chỉ số USD lại tăng cao chạm mức cao 4 năm mới tại mức 85,655, bất chấp nhiều cảnh báo của các chuyên gia cảnh báo về một cuộc tăng quá nỏng của đồng bạc xanh.
Kết thúc phiên 26/9, chỉ số Dow Jones tăng 167,35 điểm (+0,99%), lên 17.113,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,89 điểm (+0,86%), lên 1.982,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 45,45 điểm (+1,02%), lên 4.512,19 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,96%, chỉ số S&P 500 giảm 1,37%, chỉ số Nasdaq giảm 1,48%.
Chứng khoán châu Âu cũng phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần nhờ vào sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh khi giới đầu tư kỳ vọng các ngân hàng châu Âu sẽ được hưởng lợi nhờ chính sách tiền tệ lỏng lẻo của ECB. Dù hồi phục lại trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên giảm mạnh đầu tuần, nhất là phiên lao dốc theo phố Wall hôm thứ Năm, chứng khoán châu Âu cũng có tuần giảm mạnh.
Kết thúc phiên 26/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,68 điểm (+0,15%), lên 6.649,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 19,46 điểm (-0,20%), xuống 9.490,55 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 39,47 điểm (+0,91%), lên 4.394,74 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,76%, chỉ số DAX giảm 3,15%, chỉ số CAC40 giảm 1,49%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á lại chịu ảnh hưởng nặng nề với phiên bán tháo hôm thứ Năm của phố Wall. Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh giảm trở lại từ mức cao, còn chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng. Trong tuần, chứng khoán Hồng Kông là thị trường chịu thiệt hại nặng nhất khi giảm hơn 2,5%, mức giảm hàng tuần lớn nhất trong 6 tháng. Trong khi phiên giảm mạnh cuối tuần khiến chứng khoán Nhật Bản không còn giữ được mức tăng trong tuần trước phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 26/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 144,28 điểm (-0,88%), xuống 16.229,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 89,72 điểm (-0,38%), xuống 23.678,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 2,61 điểm (+0,11%), lên 2.347,72 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,56%, chỉ số Hang Seng giảm 2,58%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng nhẹ 0,78%.
Giá vàng giảm trở lại khi đồng USD tăng mạnh sau dữ liệu GDP tích cực của Mỹ. Trong tuần này, giá vàng đã có sự hồi phục nhẹ nhờ những phiên tăng điểm do lo ngại cuộc không kích của Mỹ vào IS trên lãnh thổ Syria.
Kết thúc phiên 26/9, giá vàng giao ngay giảm 2,5 USD (-0,21%), xuống 1.219,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 đứng ở 1.215,4 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,26%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm nhẹ 0,1%.
Giá dầu thô tăng mạnh trở lại sau khi GDP của Mỹ được điều chỉnh tăng mạnh trong quý II, trong khi đó, giá dầu thô Brent đứng yên khi nhu cầu giảm từ Trung Quốc và châu Âu, bù đắp cho lo ngại về nguồn cung từ Trung Đông.
Kết thúc phiên 26/9, giá dầu thô Mỹ tăng 1,01 USD (+1,08%), lên 93,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent đứng yên ở mức 97 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,22%, trong khi giá dầu thô Brent lại giảm 1,41%.