Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, vàng hết chỗ bấu víu

(ĐTCK) Thông tin kém khả quan từ Mỹ và Trung Quốc khiến chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần mới, trong khi địa chính trị yêu ắng sau điểm nóng Ukraine khiến vàng hết chỗ bấu víu để tăng giá.
Dữ liệu nhà ở và thông tin từ Trung Quốc khiến phố Wall giảm mạnh phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters Dữ liệu nhà ở và thông tin từ Trung Quốc khiến phố Wall giảm mạnh phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán nhà của Mỹ trong tháng 8 giảm 1,8%, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 1% đưa ra cuối tuần trước. Điều này cho thấy thị trường nhà ở của Mỹ đang trở lại với những khó khăn của mình sau những tín hiệu tích cực trước đó.

Chỉ số nhà ở là một trong những yếu tố quan trọng với nền kinh tế Mỹ, vì vậy, việc chỉ số này yếu kém cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn những khó khăn.

Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn thế hai thế giới, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei cho biết, nước này sẽ không có thay đổi đáng kể về chính sách kinh tế của mình vì bất kỳ một chỉ số kinh tế. Điều này có nghĩa, Trung Quốc sẽ không đưa ra các giải pháp kích thích kinh tế trước các dữ liệu kinh tế yếu kém mới công bố gần đây như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.

Các thông tin trên khiến phố Wall giảm điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong đó, S&P 500 có phiên giảm điểm tồi tệ nhất từ đầu tháng 8.

Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Dow Jones giảm 107,06 điểm (-0,62%), xuống 17.172,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,11 điểm (-0,80%), xuống 1.994,29 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 52,10 điểm (-1,14%), xuống 4.527,69 điểm.

Thông tin từ Mỹ và Trung Quốc cũng có tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán châu Âu, đặc biệt là phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei như dội một gáo nước lạnh vào kỳ vọng của nhà đầu tư châu Âu. Đồng loạt các thị trường chính của khu vực này đều mất điểm trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 22/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 64,29 điểm (-0,94%), xuống 6.773,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 49,72 điểm (-0,51%), xuống 9.749,54 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 18,67 điểm (-0,42%), xuống 4.442,55 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng có phiên giảm điểm tồi tệ ngay trong ngày giao dịch đầu tiên của tuần mới với những thông tin không mấy tích cực từ Trung Quốc. Như đã đề cập ở trên, bất chấp những dữ liệu yếu kém được công bố gần đây như sản lượng công nghiệp, chỉ số PMI…, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra thông điệp là không có chính sách kích thích kinh tế. Chính kỳ vọng về khả năng Chính phủ sẽ có giải pháp kích thích kinh tế đã giúp chứng khoán Trung Quốc có những phiên tăng điểm bất chấp dữ liệu kinh tế được công bố không khả quan. Do vậy, sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei, chứng khoán châu Á, đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã rủ nhau lao dốc.

Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 115,27 điểm (-0,71%), xuống 16.205,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 350,67 điểm (-1,44%), xuống 23.955,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 39,59 điểm (-1,70%), xuống 2.289,87 điểm.

Giá vàng mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới trên thị trường châu Á tiếp tục giảm giá và lùi về mức thấp nhất 9 tháng. Sau đó, khi bước vào thị trường Âu, Mỹ, giá kim loại quý này đã hồi trở lại, đặc biệt là khi vừa bước vào thị trường Mỹ, giá vàng vọt qua mức 1.220 USD/ounce khi dữ liệu nhà ở yếu kém của Mỹ được công bố. Thông tin về việc Trung Quốc không đưa ra gói kích thích kinh tế, đã tác động lớn đến các thị trường hàng hóa, trong đó có thị trường vàng.

Bên cạnh đó, các căng thẳng địa chính trị hiện cũng khá yên ắng, khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng cũng giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm, cùng với lực bán kỹ thuật khiến giá vàng đảo chiều giảm trở lại.

Kết thúc phiên 22/9, giá vàng giao ngay giảm 1,4 USD (-0,12%), xuống 1.214,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 1,3 USD (+0,11%), lên 1.217,9 USD/ounce.

Thông tin không mấy khả quan từ Trung Quốc, một trong những quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, cùng với nhu cầu yếu từ châu Âu, trong khi nguồn cung dồi dào khiến giá dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới sau 1 tuần hồi nhẹ.

Kết thúc phiên 22/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,89 USD (-0,97%), xuống 91,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,42 USD (-1,46%), xuống 96,97 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục