Giới đầu tư phố Wall hồ hởi trong nửa đầu phiên giao dịch cuối tuần khi người dân Scotland lựa chọn tiếp tục ở lại với Vương quốc Anh, tránh một cuộc bất ổn tài chính có thể xảy ra.
Alibaba cũng có phiên ra mắt ấn tượng sau đợt IPO thành công vượt mong đợt ngày trước đó. Trong phiên giao dịch cuối tuần trên sàn chứng khoán New York, cổ phiếu Alibaba có lúc tăng lên sát mốc 100 USD/cổ phiếu từ mức giá 68 USD/USD khi IPO trước khi đóng cửa tăng 38%, đứng ở mức 93,89 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu này chưa được tính trong thành phần của S&P 500 nên không có tác động đến các chỉ số.
Trong khi đó, các cổ phiếu công nghệ khác như Oracle, Yahoo giảm mạnh đã khiến phố Wall quay đầu giảm điểm, ngoại trừ Dow Jones vẫn cầm cự được sắc xanh nhạt và có phiên thứ 2 liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử.
Kết thúc phiên 19/9, chỉ số Dow Jones tăng 13,75 điểm (+0,08%), lên 17.279,74 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,96 điểm (-0,05%), xuống 2.010,40 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 13,64 điểm (-0,30%), xuống 4.579,79 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,72%, chỉ số S&P 500 tăng 1,25% và chỉ số Nasdaq tăng 0,27%.
Sau khi kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Scotland được công bố với việc đa số người dân của xứ này ủng hộ tiếp tục ở lại với Vương quốc Liên hiệp Anh sau 307 năm chung sống, đồng bảng Anh đã vọt tăng mạnh trở lại, lên mức cao nhất 2 năm so với đồng USD.
Không chỉ đồng bảng Anh, chứng khoán châu Âu cũng vọt tăng mạnh, lên mức cao nhất 6 năm. Tuy nhiên, cũng giống phố Wall, ngoại trừ chứng khoán Anh, các thị trường chính khác của châu Âu cũng dần hạ nhiệt về cuối phiên, trong đó, chứng khoán Pháp quay đầu giảm điểm khi giới đầu tư lo ngại Pháp sẽ bị hạ bậc tín nhiệm
Kết thúc phiên 19/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 18,63 điểm (+0,27%), lên 6.837,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 1,13 điểm (+0,01%), lên 9.799,26 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 3,48 điểm (-0,08%), xuống 4.461,22 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,45%, chỉ số DAX tăng 1,53% và chỉ số CAC40 tăng 0,44%.
Sau khi Scotland ở lại với Vương quốc Anh, đồng yên Nhật giảm mạnh so với đồng bảng Anh và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp thiên về xuất khẩu của Nhật Bản và qua đó giúp TTCK nước này tăng mạnh, lên cao nhất 7 năm trong phiên cuối tuần. Ngoài thông tin từ bên ngoài, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng phản ứng tích cực với chương trình cải cách lương hưu của Thủ tướng Shizo Abe.
Chứng khoán Hồng Kông cũng được hưởng lợi từ việc chàn sàn thành công của Alibaba trên sàn New York và cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland với thắng lợi thuộc về phe phải đối ly khai.
Kết thúc phiên 19/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 253,60 điểm (+1,58%), lên 16.321,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 137,44 điểm (+0,57%), lên 24.306,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 13,52 điểm (+0,58%), lên 2.329,45 điểm. Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,34%, chỉ số Hang Seng giảm 1,18% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,11%.
Trong tuần này, giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng do áp lực của đồng USD tăng mạnh và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của kim loại quý này.
Kết thúc phiên 19/9, giá vàng giao ngay giảm 8,60 USD (-0,7%), xuống 1.216,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 10,3 USD (-0,84%), xuống 1.216,6 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,99%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,21%. Sự sụt giảm giá vàng trong tuần này đúng với dự đoán của đa số giới phân tích, môi giới, đầu tư được khảo sát cuối tuần trước.
Trong cuộc thăm dò tuần này của Kitco, có 24 người trong số 37 người được khảo sát trả lời về xu hướng của giá vàng tuần tới. Trong đó, chỉ có 7 người lạc quan về xu hướng tăng của giá vàng, cao hơn con số 5 người của tuần trước, trong khi có 13 người dự đoán giá vàng sẽ giảm, thấp hơn 5 người của tuần trước và 4 người cho rằng giá kim loại quý sẽ đi ngang. Tham gia cuộc khảo sát thị trường bao gồm các đại lý vàng, ngân hàng đầu tư, nhà đầu tư vàng tương lai và các nhà phân tích kỹ thuật.
Cũng giống như giá vàng, giá dầu cũng chịu áp lực lớn khi đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, trong tuần qua, giá loại nhiên liệu này đã có những phiên hồi mạnh nhờ thông tin OPEC sẽ cắt giảm sản lượng và lực cầu kỹ thuật, giúp giá dầu hồi trở lại.
Kết thúc phiên 19/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,66 USD (-0,71%), xuống 92,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,69 USD (+0,70%), lên 98,39 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng nhẹ 0,15%, trong khi giá dầu thô Brent hồi mạnh 1,32%.