Mỹ không kích IS trên lãnh thổ Syria, giới đầu tư thêm lo lắng

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Ba sau khi Mỹ đã bắt đầu không kích phiến quân Nhà nước hồi giáo cực đoan (IS) trên lãnh thổ Syria.
Phố Wall có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp trong tuần - Ảnh: Reuters Phố Wall có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp trong tuần - Ảnh: Reuters

Sáng sớm ngày 23/9 theo giờ Việt Nam, Mỹ và đồng minh đã tiến hành các đợt không kích nhằm vào các mục tiêu của IS trên lãnh thổ Syria. Khác với cuộc không kích ở Iraq trước đây, cuộc tấn công lần này có quy mô hơn khi Mỹ dùng cả tên lửa Tomahawk mở bàn cho cuộc tấn công, cùng với đó là sự tham gia của các vũ khí hiện đại như oanh tạc cơ B-1, chiến đấu cơ F-16, F-18, bay không người lái Predator và đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu tiên chiến đấu cơ tàng hình F-22  tham gia chiến đấu.

Trước đó, Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad cho biết, Syria hoan nghênh các cuộc tấn công phiên quân IS, nhưng những cuộc không kích và tấn công IS trên lãnh thổ Syria mà không có sự đồng ý của nước này là vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như xâm phạm chủ quyền của Syria.

Như vậy, cuộc không kích IS của Mỹ và các đồng minh trên lãnh thổ Syria, một mặt đem lại sự hân hoan cho nhiều người, mặt khác cũng đem lại những nỗi lo cho các nhà đầu tư về một cuộc khủng hoảng địa chính trị mới.

Chính vì vậy, cùng với các thông tin kinh tế không tích cực, những lo lắng trên khiến phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch thứ Ba và là phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp trong tuần này của chứng khoán Mỹ.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Dow Jones giảm 116,81 điểm (-0,68%), xuống 17.055,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,52 điểm (-0,58%), xuống 1.982,77 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 19 điểm (-0,42%), xuống 4.508,69 điểm.

Giới đầu tư châu Âu cũng có những mối lo giống với nhà đầu tư phố Wall về cuộc chiến của Mỹ và các đồng minh chống lại IS. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn chịu tác động tiêu cực từ dữ liệu kinh tế kém khả quan từ Pháp và Đức. Trong đó, chỉ số PMI tổng hợp của Pháp trong tháng 8 giảm xuống 49,1 từ mức 49,5 trong tháng 7, trong khi sản xuất của Đức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 6/2013.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 97,55 điểm (-1,44%), xuống 6.676,08 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 154,51 điểm (-1,58%), xuống 9.595,03 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 83,20 điểm (-1,87%), xuống 4.359,35 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, do chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch trong phiên thứ Ba, nên mọi diễn biến chính đều dồn về chứng khoán Hồng Kông. Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm mạnh và xuống mức thấp nhất 2 tháng do tác động từ cổ phiếu lớn của các doanh nghiệp đại lục niêm yết trên sàn này. Trong khi đó, chứng khoán tại Trung Quốc đại lục lại hồi phục trở lại sau khi dữ liệu sơ bộ cho thấy chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 8 của Trung Quốc tăng lên mức 50,5 từ mức 50,2 trong tháng 7.

Kết thúc phiên 23/9, Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 118,42 điểm (-0,49%), xuống 23.837,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 19,85 điểm (+0,87%), lên 2.309,72 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.

Tưởng chừng vàng đã hết chỗ bấu víu với các căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là tại Ukraine đã hạ nhiệt sau khi Chính phủ Ukraine rút các vũ khí hạng nặng khỏi miền Đồng, thì cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh trên lãnh thổ Syria nhắm với IS khiến vàng tìm được chỗ tựa để tăng trở lại.

Kết thúc phiên 23/9, giá vàng giao ngay tăng 8,1 USD (+0,67%), lên 1.222,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 4,1 USD (+0,34%), lên 1.222,0 USD/ounce.

Cuộc chiến chống IS của Mỹ và các đồng minh trên lãnh thổ Syria khiến những lo ngại tăng lên và giúp giá dầu thô phục hồi trở lại. Trong khi đó, đà giảm của giá dầu thô Brent cũng đã được hãm lại.

Kết thúc phiên 23/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,69 USD (+0,75%), lên 91,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,12 USD (-0,12%), xuống 96,85 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục