Sáu giải pháp thúc đẩy tín dụng tại khu vực Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng tại khu vực Tây Nguyên đến 30/9/2023 đạt khoảng trên 508 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối 2022 và chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Hội nghị. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 20/10/2023, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, Tây Nguyên có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của khu vực Tây Nguyên, những năm qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực.

“Với những giải pháp triển khai quyết liệt và nỗ lực của NHNN và ngành Ngân hàng thời gian qua, tín dụng tại khu vực Tây Nguyên đến 30/9/2023 đạt khoảng trên 508 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối 2022 (toàn quốc cuối tháng 9 tăng 6,92%) và chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế”, bà Giang thông tin.

Trong đó, theo bà Giang, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt hơn 297 nghìn tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022 (tăng trưởng của toàn quốc là 4,37%), chiếm tỷ trọng trên 58% tổng dư nợ của khu vực.

Đáng chú ý, tín dụng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của vùng có mức tăng trưởng tốt, 2/3 mặt hàng thế mạnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ 2022 (cà phê và cao su), trong đó dư nợ cho vay cà phê đạt trên 76 nghìn tỷ đồng, tăng 7,06% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 giảm 2,4%).

“Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tập trung nguồn lực tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn khu vực Tây Nguyên. Đến 30/9/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai hơn 20 chương trình tín dụng tại khu vực Tây Nguyên, với tổng dư nợ đạt gần 27 nghìn tỷ đồng, tăng 10,13% so với năm 2022 (toàn quốc tăng 9,5%). Ngoài ra, ngành Ngân hàng còn tích cực đầu tư cho vay các dự án trọng điểm, công trình cấp bách để phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Tây Nguyên”, bà Giang nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Giang, việc đầu tư tín dụng nói chung và tại khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với không ít những khó khăn trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

“Điều này đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng”, bà Giang nhận định.

Bên cạnh đó, theo bà Giang, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.

“Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...), TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống”, bà Giang nói.

Đáng chú ý, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đang phải đối mặt với không ít thách thức, như hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp, trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới... Nguy cơ đứt gẫy chuỗi giá trị sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu các mặt hàng nông sản luôn tiềm ẩn và gây rủi ro ách tắc, tồn ứ nông sản trong lưu thông.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Bà Giang nhấn mạnh: "Vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính sách về liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công - tư, chính sách phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng".

Từ tình hình thực tế nêu trên, để phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Nguyên trong thời gian, bà Giang cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp tín dụng cụ thể:

Một là, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo TCTD tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...). Kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân...

Bốn là, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.

Năm là, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Sáu là, củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục