Thống đốc Nguyễn Thị Hồng “phản biện” nhận xét về bất cập của chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan của Quốc hội chỉ ra một số hạn chế trong điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc đánh giá này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp sáng 16/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một số nhận xét về bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ mới nhìn ở góc độ riêng lẻ.

Trước đó, như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, tại báo cáo thẩm tra giữa kỳ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra không ít hạn chế, bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa.

Trong đó có nội dung phản ánh nhiều ý kiến nhận định, việc quá chú trọng kiềm chế lạm phát cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao, đặc biệt là cuối năm 2022, đầu năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm là những bất cập trong công tác điều hành cần rút kinh nghiệm.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích, ý kiến nêu trên là nhìn từ góc độ riêng lẻ, còn việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước theo tinh thần bám sát yêu cầu của Quốc hội và trên cục diện tổng thể của nền kinh tế, là phải giảm lãi suất, đảm bảo ổn định tiền tệ, ngoại hối và hoạt động hệ thống ngân hàng.

Vì thế, những tháng cuối 2022, khi nhiều nước có mặt bằng lãi suất cao, xét thấy năm 2022 có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội, nên những tháng đầu năm vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành. Nhưng tới tháng 10/2022, sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB xảy ra, nên Ngân hàng Nhà nước tập trung ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ như sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới, nên mọi biện pháp lúc này ưu tiên ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ hệ thống.

Lúc đó các tổ chức tín dụng cũng căng thẳng tín dụng, một số tổ chức tín dụng bị thiếu dự trữ bắt buộc, nguy cơ mất khả năng chi trả hiện hữu, bà Hồng cho hay.

Vì thế, theo Thống đốc, tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, vì lúc đó các ngân hàng phải tập trung đáp ứng khả năng yêu cầu chi trả của người dân, với tác động tâm lý người dân họ rút tiền gửi từ ngân hàng nhỏ để chuyển sang ngân hàng lớn. Tới tháng 11, thanh khoản cải thiện dần, và đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, bà Hồng giải thích.

Thống đốc cũng cho rằng, khi thị trường xuất hiện hiện tượng rút tiền hàng loạt, thì tâm lý kỳ vọng của thị trường tiền tệ, ngoại hối rất căng thẳng, tỷ giá đã có lúc tăng 10%. Lúc đó, ổn định tỷ giá chỉ có thể dùng biện pháp như can thiệp ngoại tệ, điều chỉnh tăng lãi suất và hạn chế thanh khoản.

“Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện cả 3 biện pháp này, tức là vừa can thiệp, vừa tăng lãi suất 2 lần vào tháng 9 và 10, đồng thời chưa điều chỉnh tín dụng. Việc này đã giúp ổn định tỷ giá trở lại, cả năm 2022 tăng trên 3%”, Thống đốc nói.

Về nhận định “lạm phát thấp, lãi suất cao là nghịch lý, thể hiện bất cập trong điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, bởi ý kiến này chỉ nhìn ở góc độ lạm phát và lãi suất. Còn điều hành lãi suất, các công cụ chính sách tiền tệ phải căn cứ vào mục tiêu lạm phát, dự báo xu hướng lạm phát thế giới, trong nước và yêu cầu ổn định tỷ giá, an toàn hệ thống. Những nhiệm vụ này không thể hy sinh nhiệm vụ nào, mà phải đảm bảo hài hoà, linh hoạt trong điều hành. Nếu xu hướng lạm phát bùng lên, thì chính sách tiền tệ có nhiệm vụ phòng ngừa, chuẩn bị xu hướng thắt chặt.

Nữ thống đốc cũng nhắc lại dự báo cuối năm 2021, Mỹ và một số nước đánh giá lạm phát chỉ tạm thời, chính sách tiền tệ của họ chưa thắt chặt. Nhưng tới năm 2022, lạm phát bùng lên, họ buộc phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh, mạnh, nên tác động tới các nền kinh tế toàn cầu. Tức là, điều hành không thể chủ quan với lạm phát. Như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều dựa vào chỉ báo lạm phát để quyết định điều chỉnh tăng lãi suất hay không.

Chúng ta phải nhìn về xu hướng phía trước, chứ không phải là chúng ta chỉ nhìn lạm phát thời gian qua thấp, mà chính sách lãi suất, tiền tệ không phải lo lắng" gì, bà Hồng nói.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, lạm phát có xu hướng đảo ngược, từ tháng 7-9 đã tăng lên, và lạm phát cơ bản tăng 4,49% trong 9 tháng đầu năm. Bà Hồng cho rằng, đây cũng là vấn đề cần lưu ý trong điều hành chính sách tiền tệ.

Liên quan tới xứ lỷ ngân hàng yếu kém, theo ý kiến thẩm tra là còn chậm, Thống đốc nói, đây là việc khó, cần thời gian. Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước đã trình xin cấp có thẩm quyền chủ trương cấp có thẩm quyền các ngân hàng yếu kém.

Trong điều kiện bình thường xử lý ngân hàng yếu kém đã khó, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước ở giai đoạn nửa nhiệm kỳ, việc cơ cấu lại và xử lý các ngân hàng yếu kém đang trong giai đoạn hoàn tất, bà Hồng cho biết.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục