Dư nợ tái cơ cấu cho khách hàng tại TP.HCM trong 9 tháng đầu năm đạt 36.543 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM thông tin, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP.HCM đã có 29.726 khách hàng, doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, với tổng dư nợ đạt 36.543 tỷ đồng, chiếm 38% so với cả nước.
Dư nợ tái cơ cấu cho khách hàng tại TP.HCM trong 9 tháng đầu năm đạt 36.543 tỷ đồng

Theo ông Lệnh, chính sách lãi suất thấp đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính, về chi phí vốn, giúp doanh nghiệp giữ ổn định và giảm giá thành, tiêu thụ sản phẩm để cạnh tranh và phát triển.

Đến nay, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đã trở lại như giai đoạn trước dịch (là giai đoạn lãi suất duy trì sự ổn định bền vững và tốt nhất đối với nền kinh tế trong cả vai trò giữ ổn định tiền tệ và vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế).

Trong khi đó, chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lập dòng tiền để tăng trưởng và phát triển.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP.HCM đã có 29.726 khách hàng, doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, với tổng dư nợ đạt 36.543 tỷ đồng, chiếm 38% so với cả nước.

Trong đó, thực hiện giải ngân gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ với tổng dư nợ đạt 23.225 tỷ đồng, chiếm 42% so với cả nước cho 392 khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành, lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Đồng thời, giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản và thủy sản trên địa bàn đạt 243 tỷ đồng, cho 109 khách hàng, với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn cho vay của tổ chức tín dụng từ 1-2%/năm.

Tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất không quá 4%/năm cho 5 nhóm ngành lĩnh vực: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với tổng dư nợ đạt 188.000 tỷ đồng cho 17.827 khách hàng, doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lệnh, các ngân hàng trên địa bàn cũng thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng vốn cho doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội thành phố.

Trong đó, doanh số cho vay chương trình bình ổn thị trường đạt 7.639 tỷ đồng, cho 27 doanh nghiệp tham gia chương trình (gồm doanh nghiệp sản xuất hàng bình ổn và doanh nghiệp cung ứng, phân phối sản phẩm); cho vay doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất đạt 204.043 tỷ đồng, với 3.823 khách hàng vay vốn; cho vay kích cầu đầu tư đạt 870 tỷ đồng, với 22 khách hàng vay vốn.

"Đây là các chương trình ưu đãi về lãi suất, về tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ trực tiếp và mang lại lợi ích, hiệu quả cho doanh nghiệp, qua đó thực hiện được mục tiêu và ý nghĩa của mỗi chương trình đối với sự phát triển kinh tế xã hội thành phố", ông Lệnh nói.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục