Tín dụng kỳ vọng cuối năm nay, đầu năm tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), triển vọng kinh tế khởi sắc hơn sẽ tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng cuối năm nay cũng như đầu năm tới, nhất là khi thanh khoản của các ngân hàng đang dồi dào.
Kinh tế tăng trưởng trở lại, nhu cầu tín dụng sẽ gia tăng Kinh tế tăng trưởng trở lại, nhu cầu tín dụng sẽ gia tăng

Tăng trưởng tín dụng của OCB đến thời điểm này đạt mức bao nhiêu và khả năng có thực hiện được mục tiêu đề ra cho năm 2023?

Đến cuối tháng 9/2023, tăng trưởng dư nợ tín dụng của OCB đạt khoảng 11% trong tổng “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp năm nay và chúng tôi đang từng bước hoàn thành mục tiêu đề ra cho cả năm (tăng khoảng 13 - 14%). Quý cuối năm, nhu cầu vốn cao hơn, đồng thời mặt bằng lãi suất hiện đã giảm nhiều so với trước. Nhu cầu vốn của khách hàng bắt đầu cải thiện, nhất là lĩnh vực bán lẻ.

Nhận định của ông về lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Theo tôi, mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm trong thời gian từ nay đến cuối năm, song mức giảm sẽ không nhiều như trước và tùy thuộc vào tín hiệu của thị trường. Mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) hiện đã ngang bằng với thời kỳ trước dịch Covid-19. Trong đó, lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp giảm khá sâu so với cuối năm 2022 (giảm 3 - 4%/năm). Hiện lãi suất cho vay vốn lưu động khách hàng doanh nghiệp chỉ khoảng 7 - 8%/năm, còn vay trung và dài hạn khoảng 8 - 9%/năm. Tuy lãi suất giảm, nhưng hoạt động doanh nghiệp và thị trường đầu ra của sản phẩm thu hẹp nên nhu cầu vốn chưa thể tăng cao.

Có nghĩa là việc kích cầu tín dụng trong bối cảnh hiện nay không dễ dàng?

Doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất - kinh doanh thì họ mới vay vốn ngân hàng. Do đó, lãi suất giảm là một yếu tố tác động lên cầu tín dụng, nhưng còn nhiều yếu tố khác, chứ không chỉ phụ thuộc vào ngân hàng và doanh nghiệp. Do đó, chưa hẳn khi ngân hàng cho vay vốn giá rẻ, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, mà quan trọng là đầu ra của sản phẩm, hàng hóa sản xuất tiêu thụ được thì cầu vốn mới tăng.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, biến động khó lường, các doanh nghiệp chủ động giảm nhu cầu vay nợ, nhằm giảm gánh nặng tài chính, dự phòng trường hợp thị trường có biến động xấu. Điều đó cho thấy sự trưởng thành của các doanh nghiệp, tránh nguy cơ không trả được nợ dẫn tới đổ vỡ. Nhà đầu tư cũng thận trọng trong việc chọn kênh đầu tư và giảm phụ thuộc vào vốn vay.

Với lĩnh vực xuất khẩu thì thế nào và đánh giá của ông trong quý còn lại của năm nay ra sao?

Xuất khẩu tính đến nay tương đối tốt, nhưng không được như kỳ vọng. Bởi lẽ, các thị trường trên thế giới vẫn còn không ít khó khăn như châu Âu, Mỹ có sức mua kém, ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, thị trường Trung Quốc “nửa mở, nửa đóng”... nên mức độ cải thiện chậm. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, ngành nghề tăng trưởng âm trong nửa đầu năm nay đã bắt đầu cải thiện và tăng trưởng dương trở lại.

OCB sẽ làm gì để đẩy mạnh tín dụng trong thời gian tới, hoàn thành mục tiêu cũng như sử dụng hết room tín dụng được cấp?

Bối cảnh thị trường có khó khăn, nhưng doanh nghiệp cũng như ngân hàng vẫn có thể tìm được “ngách” để tăng trưởng.

Bối cảnh chung của thị trường là có khó khăn, nhưng không phải tất cả đều khó, mà tùy thuộc vào bản thân từng doanh nghiệp cũng như mỗi ngân hàng. Tôi cho rằng, bối cảnh thị trường dù có khó khăn, nhưng doanh nghiệp và ngân hàng vẫn có thể tìm được “ngách” để tăng trưởng.

OCB luôn đồng hành với khách hàng, cả khi thị trường khó khăn hay thuận lợi. Vì thế, trong thời gian qua, dù thị trường khó khăn, nhưng hoạt động cho vay sản xuất - kinh doanh của toàn bộ khối bán lẻ tăng trưởng tích cực, mỗi tháng giải ngân 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Hoặc trong lĩnh vực xây dựng, dù thị trường bất động sản trầm lắng, nhưng với các nhà thầu nhỏ lẻ như công trình làm đường, các dự án đầu tư công, cầu cống... vẫn hoạt động tích cực và chúng tôi từng bước đồng hành với họ để giải ngân vốn.

Tín dụng ngành ngân hàng thời gian qua tăng chậm, trong khi huy động vốn gia tăng, dẫn đến tình trạng “thừa” tiền hiện nay?

Tôi cho rằng, tình trạng thừa tiền chưa hẳn đúng, nhưng thanh khoản dồi dào là rất tốt cho hệ thống ngân hàng. Nhìn lại cuối năm ngoái, khi thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng, nếu không có sự chèo lái của nhà điều hành thì các ngân hàng sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ, rủi ro lớn nhất trong hoạt động ngân hàng chính là rủi ro về thanh khoản. Nếu mất thanh khoản sẽ dẫn đến suy sụp và khó tránh khỏi đổ vỡ.

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm hiện nay, dòng tiền vẫn chảy vào ngân hàng được xem là tín hiệu tích cực, giúp ngân hàng chuẩn bị tốt thanh khoản để đón chờ cơ hội giải ngân, đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng khi kinh tế tăng trưởng trở lại.

Thực tế, ngành ngân hàng bao giờ cũng phải có sự chuẩn bị trước nên dù thanh khoản đang dồi dào nhưng các ngân hàng vẫn tích cực huy động vốn để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn gia tăng. Thanh khoản dồi dào hiện nay là điều kiện tốt cho các ngân hàng trong việc cung ứng vốn.

Như vậy, kinh tế đang dần tốt lên và nhu cầu tín dụng cuối năm nay sẽ tăng?

Theo tôi, kinh tế đang dần tốt lên và khả năng cuối năm nay hoặc đầu năm tới, cầu vốn của khách hàng sẽ tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi nhiều hay ít còn phụ thuộc vào các yếu tố như sức cầu tiêu dùng của thị trường, xuất khẩu tăng, giá dầu ổn định... và điều này cũng phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Còn nếu chỉ nhìn vào các yếu tố trong nước thì có nhiều tín hiệu khả quan. Chẳng hạn, đầu tư công bắt đầu phát huy tác dụng kích thích tăng trưởng, lạm phát ở mức thấp, lãi suất giảm, tỷ giá được kiểm soát, Chính phủ có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh..., nên kỳ vọng kinh tế sớm hồi phục.

Theo ông, ngành ngân hàng có chịu áp lực nợ xấu trong giai đoạn hiện nay cũng như cuối năm?

Tại OCB, nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát và bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Đến hết quý III/2023, nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát dưới mức 2%. Đáng chú ý, nhu cầu cơ cấu nợ của khách hàng không nhiều, vì để được cơ cấu nợ, khách hàng phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Mặt khác, với các khách hàng có điều kiện trả nợ, họ không muốn cơ cấu nợ.

Thùy Vinh thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục