Mối lo từ những cuộc đối đầu trực diện
Trung tuần tháng 12/2019, cuộc nói chuyện của ông Đoàn với một trong những doanh nghiệp đang lên trong lĩnh vực thanh toán điện tử rất rộn ràng.
Sự phát triển của công nghệ, cơ hội mới từ thị trường khiến họ không có khoảng cách, dù mới gặp lần đầu. Cuộc nói chuyện đi từ cơ hội ở trong nước, các bước tiến công nghệ ở bên ngoài, đến sự lớn lên của các doanh nghiệp cùng ngành nghề và cơ hội từ các thị trường ngách nhờ sự có mặt của công nghệ..., tưởng không có điểm dừng.
Nhưng ông lại trầm ngâm khi nghe vị lãnh đạo trẻ tuổi của doanh nghiệp sôi nổi nói về tham vọng đi đầu, tham vọng vượt qua những đối thủ không hề nhỏ hiện tại.
“Công nghệ đang phát triển không thể tưởng tượng được. Anh tài cũng sẽ xuất hiện nhiều. Chiến đấu, cạnh tranh trực diện để lên hàng đầu có phải là một lựa chọn tốt vào thời đại này không?”, ông Đoàn đặt câu hỏi.
Cũng phải nói thêm, ông chia sẻ với tham vọng của những doanh nhân này. Thậm chí, ông nói, ông nhìn thấy tuổi trẻ của mình trong các bước kế hoạch ẩn chứa nhiệt huyết của những người trẻ khi khát khao tạo nên những dấu ấn, giá trị mới trong nền kinh tế đang rộng mở nhiều cơ hội. Hơn thế, ông tin vào khả năng thành công trong tương lai của những người này, khi tham vọng được xây đắp trên nền kiến thức, thông tin và sự sẵn sàng học hỏi.
Trong câu chuyện của người doanh nhân trẻ đang trên hành trình tìm đến vị trí hàng đầu trong ngành kinh doanh của mình, sự học rất rõ nét, lớp lang từ những ngày bước chân vào kinh doanh đến đi ra ngoài, tìm đến doanh nghiệp ở các nước để xem họ làm gì, làm thế nào trước khi định vị đường đi dài cho doanh nghiệp. Đặc biệt, mối quan hệ giữa doanh nghiệp này với các đối tác ngoại thực sự nổi trội khi đang có những kế hoạch hợp tác đầu tư kinh doanh nhiều tiềm năng.
“Nhưng nếu không có chiến lược rõ ràng, tôi lo lại có những cảnh ‘quân ta đánh quân mình’. Khi đối đầu trực diện, sức của doanh nghiệp Việt vốn đã chưa đủ mạnh sẽ dễ yếu đi, cơ hội thị trường có khi lại rơi vào tay các đối thủ ngoại”, ông Đoàn nói, khi điểm mặt những đối thủ cạnh tranh không hề nhỏ.
Mối lo này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào kết quả các cuộc giằng co thị phần giữa các doanh nghiệp Việt trong nhiều ngành, lĩnh vực, như bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, thực phẩm đóng gói..., chưa nói đến những mô hình kinh doanh mới, như các nền tảng gọi xe, fintech... Ngay cả tham vọng không thành của 12 năm trước, khi Tập đoàn Phú Thái bắt tay 3 doanh nghiệp Việt lớn khác để thành lập một thương hiệu chung là VDA vẫn còn là bài học lớn về sự thiếu chiến lược trong liên kết.
Kể lại, ông Đoàn thừa nhận, dù các doanh nghiệp đã chọn ngồi với nhau, nhưng mỗi doanh nghiệp một mục tiêu, một kiểu hoạt động, nên đã không đi dài được.
Chiến lược đi cùng bằng lợi thế riêng
Ở một góc độ nào đó, ông Đoàn đang là người trong cuộc của những thành công và cả thất bại trong liên kết. Danh mục đối tác của Phú Thái có nhiều tên tuổi lớn, đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Hà Lan, Đức..., trải rộng ở nhiều lĩnh vực, từ phân phối bán lẻ đến máy công nghiệp, ô tô, dệt may, thời trang, hệ thống nhà hàng, trường học...
Cả 2 danh mục này, đối tác và ngành nghề kinh doanh, của Phú Thái có thể sẽ còn dài khi cơ hội mới đang mở rộng và khi ông chủ Phạm Đình Đoàn vẫn còn nguyên năng lượng cùng cả sự háo hức khi bàn về mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới.
Nhưng, vào thời điểm này, mối quan tâm đặc biệt của ông Đoàn về liên kết doanh nghiệp chứa đựng nhiều khát vọng hơn.
Một cách thẳng thắn, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và sự phát triển của công nghệ đang mở rộng tham vọng cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt. Doanh nghiệp Việt đang làm được nhiều, thậm chí ghi dấu mạnh mẽ, nhanh chóng trong nhiều ngành, lĩnh vực từng bị cho là không phải thế mạnh của mình, như hàng không, công nghiệp ô tô, đầu tư hạ tầng sân bay, hầm đường bộ...
“Giờ chỉ cần Chính phủ kiến tạo để doanh nghiệp lớn lên, còn doanh nghiệp có thể làm được nhiều việc, sẵn sàng làm nhiều việc. Việc nào chưa đủ năng lực, có thể thuê tư vấn, thuê nhà thầu..., vì giờ có nhiều cách để đi nhanh, đi tắt được. Nhưng tôi vẫn kỳ vọng, sẽ có một lực lượng doanh nghiệp Việt cùng lớn mạnh, có nhiều thương hiệu Việt hùng mạnh với các lợi thế riêng”, ông Đoàn hào hứng.
“Tôi tin là đã đến lúc doanh nghiệp Việt sẵn sàng bắt tay nhau để đi xa hơn, cùng lớn mạnh hơn, để có những con sếu đầu đàn thực sự!”.
Đây không phải chỉ là mong muốn của một mình ông Đoàn. Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ mà ông Đoàn là một phó chủ tịch đã lên kế hoạch thúc đẩy các mối liên kết sức mạnh doanh nghiệp Việt trong nhiều việc, từ phản biện, đề xuất chính sách, đến tìm kiếm các giải pháp phát triển, trong đó, các doanh nghiệp lớn sẽ giữ vai trò trụ cột, kéo theo sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Tuy vậy, ông Đoàn cũng thừa nhận, nhiều doanh nghiệp vẫn mang tư duy “làm tất, ăn cả”, ngay cả khi tiềm lực, đặc biệt là nhân sự còn hạn chế, nên khi có trục trặc nhân sự, có thể bất ổn cả hệ thống. Chưa kể, cách cạnh tranh trực diện giữa chính các doanh nghiệp Việt khiến sức lực hao hụt nhiều.
“Tôi đã kể nhiều, nhưng vẫn muốn nói lại bài học về liên kết của các doanh nghiệp Nhật Bản. Có thể họ hoạt động cùng ngành, nhưng vẫn bắt tay nhau để cùng làm, thay vì cạnh tranh. Tôi đã hỏi tại sao, họ nói rằng, liên kết sẽ làm lợi ích của tổ quốc họ, của chính từng doanh nghiệp tăng lên”, ông Đoàn kể.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 10 năm nay, Honda - nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai ở Nhật Bản và Hitachi - một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất Nhật Bản công bố sẽ hợp nhất Hitachi
Automotive Systems và các công ty liên kết với Honda là Keihin Corp., Showa Corp. và Nissin Kogyo Co. Sau khi sáp nhập tạm thời, Hitachi sẽ sở hữu 2/3 doanh nghiệp mới và phần còn lại do Honda nắm giữ, hai công ty cho biết. Cổ phiếu của các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi liền tăng mạnh. Tháng trước, Toyota Motor Corp. đã đồng ý tăng cổ phần tại Subaru Corp...
“Để hiện thực hóa nhanh khát vọng dẫn đầu thị trường, giờ là lúc doanh nghiệp Việt phải đi nhanh, với chiến lược rõ ràng về cộng hưởng sức mạnh. Tôi tin đây là xu thế tất yếu”, ông Phạm Đình Đoàn nói.