Doanh nhân Sao Đỏ: Liên kết không phải để xin dự án, mà phải là đưa giải pháp

Các doanh nhân lớn, dày kinh nghiệm vẫn tiếp tục nói về sự khó khăn trong liên kết, hợp tác giữa doanh nhân Việt. Có thể liên kết vẫn là câu chuyện thực dài, nhưng khi họ nói liên kết khống phải để xin dự án thì sự thay đổi sẽ đến nhanh.

Chưa có văn hóa hợp tác?

“Tôi buồn vì doanh nghiệp Việt hợp tác được với nhau rất yếu. Môi trường kinh doanh tốt, dự án có, doanh nghiệp nước ngoài vào ầm ầm mà ta không liên kết dược thì thua”. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco, Sao Đỏ năm 1999 đã nói như vậy, trước các thế hệ doanh nhân Sao Đỏ và các doanh nhân hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ho đang tham gia Lễ ra mắt ban chấp hành và hội viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ nhiệm kỳ II.

Câu hỏi mà ông Tiền nhận được là các doanh nghiệp lớn, các đại gia đã thực sự ngồi được với nhau chưa, đã hợp tác với nhau chưa?

Ông nhắc đến sự lấn sân mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, như sản xuất công nghiệp, kinh doanh siêu thị...

Tất nhiên, trong môi trường kinh doanh hiện nay, sự liên kết không chỉ co cụm giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, mà giữa doanh nghiệp Việt và các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Tiền cũng là đối tác đầu tư trong nhiều dự án với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực ra, đây không phải là câu chuyện mới và cũng không phải lần đầu tiên được bàn tới. Nhưng ông Tiền nói, môi trường kinh doanh đã thay đổi rất lớn, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải thay đổi, nếu thực sự muốn phát triển bền vững.

“Nhưng vấn đề lớn của doanh nhân Việt là xây dựng văn hóa hợp tác thì mới có thể làm lớn được, mới nhận được các công trình lớn. Ví dụ như trong dự án đường bộ Bắc Nam, nếu hợp tác tốt, chọn được doanh nghiệp đại diện, doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia được. Chúng ta phải liên kết, hợp tác và chia sẻ cả cơ hội, chứ không thể đối đầu nhau”, ông Tiền nói.

Không tin nhau vì cách làm ăn xuề xòa

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng thừa nhận, doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở tình thế, đứng một mình thì ổn, nhưng không ngồi với nhau được.

“Lý do là thiếu niềm tin, vì không minh bạch, vì ngại bị lấy cắp ý tưởng... Đó là do văn hóa xuề xòa. Ngay trong gia đình, anh em mà xuề xòa, nhiều khi cũng khiến mất lòng tin. Nếu minh bạch, rõ ràng, thì có thể mất lòng trước, để được lòng sau. Doanh nghiệp hợp tác được với nhau thì mọi thứ phải minh bạch. Trong doanh nghiệp của mình minh bạch, làm ăn với nhau cũng phải minh bạch”, bà Dung chia sẻ quan điểm.

Nếu minh bạch, thì ngay cả các đối thủ cạnh tranh trong cùng một ngành nghề, lĩnh vực cũng có thể hợp tác được với nhau.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ về những doanh nghiệp của Nhật,  hai đối thủ đối đầu trực tiếp, nhưng vẫn đứng tên chung trong dự án đầu tư ra nước ngoài, và vẫn rất thành công.

“Họ làm được cái việc mà lâu nay ta vẫn nói là nếu 1 không làm được thì 1+1 sẽ làm được, vì lúc này, 1+1 không phải bằng 2 nữa,  mà bằng 3, thậm chí nhiều hơn. Nếu đọc câu chuyện khởi nghiệp của Jack Ma, Alibaba, thì cũng thấy sự cộng sức của các doanh nghiệp Trung Quốc trong những ngày đầu tiên của họ, họ làm với nhau vì niềm tin sẽ thành công, sẽ cùng lớn mạnh”, ông Phạm Đình Đoàn nói.

Liên kết không phải chỉ để xin dự án

Cho tới thời điểm này, câu chuyện về liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp không đơn giản chỉ là nhu cầu trong hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đặt câu hỏi rằng, có phải đã đến lúc, các doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là các doanh nhân lớn, đã thành công và thành danh trên sự nghiệp của mình, trong đó có nhiều doanh nhân Sao Đỏ không chỉ nghĩ đến các dự án mà nghĩ đến những giải pháp phát triển hay chưa?

“Khi các doanh nhân lớn cùng nghĩ đến giải pháp phát triển, thì sự hợp tác sẽ không chỉ tạo ra dự án, ra tiền, mà còn hơn thế, đó là thúc đẩy sự phát triển”, ông Vương nói.

Đặc biệt, các giải pháp này được xây dựng trên nền tảng là tinh thần và niềm tự hào của doanh nhân Việt. “Chúng ta làm ăn không chỉ vì mình, vì doanh nghiệp mình, vì người lao động của mình... mà còn vì lòng tự hào dân tộc. Đã đến lúc phải ngồi lai với nhau vì lý do này”, bà Dung trải lòng.

Nhưng tất nhiên, để ngồi được với nhau, nhất là các doanh nhân lớn, cần phải có cơ chế hợp tác, các chuẩn mực, nguyên tắc theo đúng thông lệ quốc tế. Đặc biệt, môi trường kinh doanh phải ủng hộ, thúc đẩy văn hóa kinh doanh minh bạch, tạo niềm tin trong kinh doanh và trong xã hội. 

Ngày 10/8 tại Đà Nẵng, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức Lễ ra mắt ban chấp hành và hội viên nhiệm kỳ II:

Doanh nhân Sao Đỏ: Liên kết không phải để xin dự án, mà phải là đưa giải pháp ảnh 1

Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Sao Đỏ, trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ: Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Sao Đỏ năm 2008.

Chủ tịch danh dự: Ông Vũ Văn Tiền, Sao Đỏ năm 1999

Các Phó chủ tịch: Ông Nguyễn Tuấn Hải, Sao Đỏ năm 1999; Ông Lâm An Dậu, Sao Đỏ năm 2000; Ông Trần Việt Anh, Sao Đỏ năm 2002; Bà Hà Thị Thu Thanh, Sao Đỏ năm 2002; Ông Phạm Đình Đoàn, Sao Đỏ năm 2005; Ông Cao Hoài Dương, Sao Đỏ năm 2014; Ông Trịnh Văn Quyết, Sao Đỏ năm 2014; Ông Lê Phụng Thắng, Sao Đỏ năm 2017.

Giải thưởng Sao Đỏ do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức 3 năm một lần. Tính từ lần trao giải đầu tiên vào năm 1999, đến nay, qua 10 kỳ tổ chức, đã có 97 doanh nhân nhận được giải thưởng Sao Đỏ.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục