Sự thay đổi về dòng sản phẩm và cách thiết kế sản phẩm không chỉ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ về bảo hiểm, mà còn giúp các công ty bảo hiểm không ngừng tăng trưởng doanh thu phí mới. Những hợp đồng bảo hiểm mệnh giá vài chục tỷ đến cả trăm tỷ đồng, với rất nhiều quyền lợi đi kèm đã không còn là chuyện xa lạ với thị trường.
Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ngày nay có thể chu toàn cả các kế hoạch học hành của con cái, bảo vệ sức khỏe gia đình hay tham gia vào thị trường chứng khoán… của khách hàng. Sức ép cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải thiết kế lại những sản phẩm bảo hiểm trước đây chưa phù hợp để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.
Hiện thị trường đã có khoảng 350 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Rất nhiều trong số đó đã được các công ty bảo hiểm đưa ra thị trường trong suốt thời gian qua, là dựa trên nền tảng cơ bản của dòng bảo hiểm liên kết chung (UL).
Báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ tài chính) cho biết, 3 tháng đầu năm 2016, các nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp và UL vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí khai thác mới, trong đó UL chiếm tỷ trọng 45,54%, bảo hiểm hỗn hợp chiếm 41,31%, bảo hiểm tử kỳ chiếm 2,4%, các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 1,95% và bảo hiểm bổ trợ chiếm 8,8%.
Sự tăng trưởng của UL đang dần lấn lướt các dòng sản phẩm khác.
Thực tế, UL không chỉ tạo ra bước đột phá của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam những năm 2006-2007 (khi sản phẩm này mới được Chubb Life – tên gọi trước đây là ACE Life đưa vào), mà còn làm thay đổi về quan niệm bảo hiểm nhân thọ của rất nhiều khách hàng.
Trước khi UL xuất hiện tại thị trường Việt Nam, thị trường chỉ gồm những sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, tai nạn, hay dòng sản phẩm thống lĩnh thị trường lúc bấy giờ là dòng sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp, với thời hạn đóng phí bằng thời hạn bảo hiểm. Sản phẩm này bao gồm cả yếu tố rủi ro và tiết kiệm. Tuy nhiên, các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp này thường có hình thức chia lãi cho khách hàng, nhưng không đảm bảo vì dựa vào kết quả kinh doanh của công ty.
Đối với các sản phẩm bảo hiểm truyền thống như vậy, khách hàng không rõ ràng lắm về tỷ lệ chia lãi vì phần này không được công bố. Phí bảo hiểm cũng được quy định theo một lịch đóng phí cố định, khách hàng muốn đóng ít hay nhiều hơn số mức phí đang đóng cũng không được. Ngoài việc định kỳ đóng phí cứng nhắc và thời gian bảo hiểm ngắn (thông thường khoảng 10 năm), mệnh giá bình quân của một hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp rất thấp, nên giá trị bảo hiểm cũng thấp theo tương ứng.
Trong khi đó, UL với tính linh hoạt trong lịch đóng phí, tùy thuộc vào từng giai đoạn tài chính của khách hàng.
Chẳng hạn, khi khách hàng đang trong độ tuổi “đẹp” nhất để kiếm tiền hoặc đang gặp thuận lợi về mặt tài chính, họ có thể đóng phí nhiều hơn để bù cho giai đoạn sau này, khi sức khỏe và tuổi tác trở thành một hạn chế cho công việc. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất và ý nghĩa nhất mà UL mang lại: gói giải pháp bảo vệ tài chính được thiết kế tinh tế cho từng cá nhân khách hàng khác nhau.
Ngoài ra, những ưu điểm sau của UL cũng góp phần mang lại sự khác biệt cho dòng sản phẩm này như: tách bạch giữa các khoản khấu trừ cho rủi ro bảo hiểm và quản lý hợp đồng và khoản tiền đem đi đầu tư; mệnh giá bình quân một hợp đồng UL cao hơn hẳn mệnh giá bình quân một hợp đồng hỗn hợp; có thể linh hoạt thiết kế, lập kế hoạch cho nhiều mục đích khác nhau trong một sản phẩm: giáo dục cho con, hưu trí, xây nhà… hay có thể rút tiền nhiều lần, tăng mệnh giá khi nhu cầu bảo hiểm thay đổi mà không cần tham gia hợp đồng mới.
Thị trường bảo hiểm thời gian tới được nhìn nhận sẽ chưa có sự đột phá nào về sản phẩm như UL đã từng tạo ra. Các công ty bảo hiểm vẫn tiếp tục đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng cơ bản vẫn dựa trên nền tảng của hỗn hợp hay UL. Với nhiều tính năng ưu việt, dòng sản phẩm UL được dự báo sẽ tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của khách hàng.