Sai lầm coi Trung Quốc là thị trường dễ tính

Chỉ tập trung giao thương với các tỉnh biên giới, làm ăn với Trung Quốc theo lối tiểu ngạch, coi đây là thị trường dễ tính thì dễ dẫn đến những sai lầm khiến xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc phải nhận trái đắng.
Xe chở nông sản tập kết ở cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Ngọc Thắng Xe chở nông sản tập kết ở cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Ngọc Thắng
Đó là thông điệp từ hội nghị phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc, do Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 13.9 tại Hà Nội.

Sụt giảm vì chất lượng thấp

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ tháng 1 - 7.2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của VN sang Trung Quốc đạt 4,64 tỉ USD, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2018. Nhiều mặt hàng vốn tăng trưởng đột biến đã giảm mạnh như rau quả giảm 8,1%; sắn và sản phẩm sắn giảm 9,6%; cà phê giảm 8,9%, đặc biệt là gạo giảm tới 67,5%.

Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhìn nhận ngoài việc Trung Quốc giảm tiêu thụ hàng hóa vì ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đồng thời dư thừa nguồn cung, tồn kho lớn với một số mặt hàng nông sản, thì còn do nước này tăng cường quản lý thương mại biên giới, kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm nhập khẩu.

“Trong khi đó, nông, thủy sản của ta chưa đáp ứng tốt việc truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, bao bì nhãn mác. Doanh nghiệp còn thiếu thông tin, chưa chủ động nghiên cứu tìm hiểu chính sách thị hiếu, nhu cầu thị trường, cùng với đó VN vẫn làm ăn kiểu nhỏ lẻ, chưa chính quy, bài bản”, ông Hải nói.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), cũng nhấn mạnh “tính chưa thích nghi” của nông sản Việt với những yêu cầu, điều kiện đặt ra từ phía Trung Quốc và điều này xuất phát mấu chốt từ nhận thức chưa đúng đắn về thị trường nước láng giềng.

Phải nhìn nhận, những thay đổi của thị trường Trung Quốc là xu thế tất yếu để hướng đến sự kiểm soát đồng bộ về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Dù sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi tin đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt chuyển mình, tự đổi mới để thích ứng với những đòi hỏi mới của thị trường.

- Ông Trần Thanh Hải (Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương)   

“Nếu vẫn coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, từ đó sản xuất chạy theo số lượng mà không quan tâm đến nhu cầu thị trường (như gạo, thanh long sản xuất ra với số lượng lớn nhưng chất lượng phẩm cấp thấp hoặc trung bình), thì việc sụt giảm là khó tránh”, bà Oanh khuyến cáo.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp còn nhận thức xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch, không quan tâm nhu cầu, các tiêu chuẩn, mà cứ có hàng là mang lên chợ biên giới trong khi chưa hề biết bán cho ai, đối tác hay người tiêu dùng cần loại hàng như thế nào. Sản phẩm nhiều khi dùng bao bì nhãn mác tùy tiện, bọc lót thô sơ bằng rơm rạ, chưa quan tâm mặt hàng đó đã được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch hay chưa mà vẫn đem hàng đi xuất khẩu, điển hình như trường hợp của sầu riêng, thạch đen…

“Nên giảm xuất khẩu tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của Trung Quốc”, bà Oanh nhấn mạnh.

Theo bà Oanh, thương mại biên giới chỉ chiếm khoảng 20 - 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Do vậy, cần khẳng định rằng, thương mại với Trung Quốc không chỉ với các tỉnh biên giới là Vân Nam và Quảng Tây mà còn với cả 31 tỉnh, thành, khu tự trị. Từ đó, doanh nghiệp cần khai thác thêm tiềm năng thị trường, đa dạng hóa phương thức xuất nhập khẩu với Trung Quốc, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới.

Cửa vẫn rộng mở

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định Trung Quốc là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt. “Hãy nhìn vào bài học xuất khẩu vải của Bắc Giang, nhãn của Hưng Yên, Sơn La để thấy nếu làm chuẩn, đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu của họ, chúng ta sẽ thắng”, ông Cường tự tin.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), dẫn chứng thêm trong nửa đầu năm nay, các loại quả xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tăng một cách đáng kể, đạt hơn 2,2 triệu tấn, tăng 676.500 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc đã cho phép 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Phía Trung Quốc cũng đã cấp tổng số hơn 1.309 mã số vùng trồng trên 42 tỉnh thành và 1.435 mã số cơ sở đóng gói trên 32 tỉnh, thành cho 8 loại quả tươi.
“Xuất khẩu một số mặt hàng rau quả đã vượt, thậm chí tăng gấp 2 lần so với cả năm 2018 như vải, chuối, dưa hấu. Con số này cho thấy, nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường Trung Quốc, nông sản Việt vẫn còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Hòa nói.


Theo Thanhnien

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục