Thị trường Trung Quốc giữ sức hấp dẫn giữa “tâm bão”

(ĐTCK) Các thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc, đang phần nào bị giới đầu tư “ghẻ lạnh” trước sức hấp dẫn từ thị trường Mỹ. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng, thị trường Đại lục đang ở vị trí tích cực để có màn biểu diễn ấn tượng trong dài hạn.
Thị trường Trung Quốc giữ sức hấp dẫn giữa “tâm bão”

Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số Các thị trường mới nổi MSCI (MSCI Emerging Markets Index) đã giảm khoảng 10%, chủ yếu bởi tình trạng các đồng tiền giảm giá và mối lo ngại về xung đột thương mại trên toàn cầu.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đã tăng gần 9%, khi giá cổ phiếu được nâng lên nhờ các đợt mua cổ phiếu quỹ ở mức kỷ lục.

Theo báo cáo đầu tuần này của S&P Dow Jones Indices, số lượng doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ trong quý II/2018 đã tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị đạt mức kỷ lục 190,6 tỷ USD. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6/2018, các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã chi tới 645,8 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ.

Với những con số ấn tượng này, nhà đầu tư dễ trở nên thờ ơ với các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia đang vướng vào cuộc chiến tranh thương mại với những diễn biến khó đoán định. Tuy nhiên, đây có thể là một sai lầm! 

Đà bán tháo đã chấm dứt

Theo các chuyên gia phố Wall, hiện tại đang là thời điểm thích hợp để mua vào cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, khi giá các cổ phiếu đang ở mức thấp nhất 4 năm qua.

Trả lời phỏng vấn CNBC, giám đốc cấp cao của JP Morgan Chase phụ trách kinh doanh tại Trung Quốc Mark Leung cho biết, đà bán tháo tại các thị trường mới nổi thời gian vừa qua đã diễn ra hơi quá.

“Nếu tập trung vào các yếu tố cơ bản, tôi nghĩ rằng, chúng ta nên bắt đầu quay trở lại với các thị trường mới nổi trong trung và dài hạn. Và Trung Quốc là 'miếng bánh' lớn nhất”, Leung cho biết.

Cùng chung quan điểm, Catherine Cai, Chủ tịch UBS tại Trung Quốc Đại lục cho biết, bà tin rằng, trong số các thị trường mới nổi, Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn nhất.

Thực tế, việc Mỹ chính thức áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 24/9 vừa qua khiến giới đầu tư không khỏi lo lắng.

Tuy nhiên, Catherine Cai nhận định, tác động của biện pháp đánh thuế này tới nền kinh tế Trung Quốc là rất nhỏ, bởi chính phủ Đại lục đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các sức ép. 

Sức mạnh thế hệ millennials

Có câu nói rằng, “sức mạnh nằm ở số lượng” và không nơi nào chính xác hơn tại Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia là quê nhà của gần 40% dân số trên thế giới.

Theo báo cáo mới nhất của CLSA, toàn bộ châu Á đang có gần 1 tỷ cư dân thế hệ millennials (độ tuổi từ 20-34). Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ đóng góp 600 triệu người.

Những cư dân trẻ tuổi nhất trong nhóm này sẽ đạt tới đỉnh cao của thu nhập trong cuộc đời mình trong 10 năm tới. Bởi vậy, quãng thời gian tiếp theo chính là thời điểm vàng của sức tiêu dùng mà các nhà sản xuất cần phải nắm bắt.

“Thế hệ millenials chiếm số lượng đông đảo, được giáo dục tốt hơn với tầm nhìn và các mối ưu tiên khác thế hệ cha mẹ. Họ có xu hướng tiêu dùng và tận hưởng nhiều hơn các thế hệ trước”, CLSA cho biết.

Điều này đồng nghĩa với việc, Trung Quốc đang sở hữu lực lượng tiêu dùng lớn bậc nhất trên thế giới, đồng thời cũng là những người sẵn sàng chi tiêu nhất vào các sản phẩm và dịch vụ.

Thực tế, tiêu dùng hiện đang đóng góp tới 80% tăng trưởng GDP của Trung Quốc, giúp quốc gia này trở nên ít phụ thuộc hơn vào các dòng vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động thương mại quốc tế. 

Thị trường vốn Trung Quốc trưởng thành hơn

Cuối tuần trước, lần đầu tiên giới chức Trung Quốc cho biết, nhà đầu tư nước ngoài sinh sống tại Đại lục, cũng như các nhân viên ngoại quốc tại các doanh nghiệp Đại lục ở nước ngoài, được tự do giao dịch cổ phiếu hạng A, vốn chỉ dành cho cư dân Trung Quốc.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây được xem là một dấu hiệu chứng tỏ sự trưởng thành của thị trường chứng khoán Đại lục.

Thực tế, nhiều cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đã được MSCI thêm vào các chỉ số của mình và FTSE Russell cho biết, họ sẽ quyết định có làm điều tương tự hay không trong thời gian ngắn tới.

Có thể nói, việc mở rộng cửa hơn các thị trường tài chính của Trung Quốc đang tạo sự phấn khích trong giới đầu tư và điều này sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục