Sacombank sau sáp nhập sẽ nằm trong top ngân hàng hàng đầu Việt Nam

(ĐTCK) ĐHCĐ bất thường 2015 của Sacombank và Southern Bank vào ngày 11 và 14/7/2015 đã thông qua việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank.
Kế hoạch sáp nhập SouthernBank đã được hầu hết cổ đông Ngân hàng tán thành Kế hoạch sáp nhập SouthernBank đã được hầu hết cổ đông Ngân hàng tán thành

Khi việc sáp nhập hoàn thành, Sacombank sẽ có tổng tài sản khoảng 300.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 18.853 tỷ đồng và mạng lưới gần 567 điểm giao dịch, khẳng định vị thế một trong những ngân hàng hàng đầu tại  Việt Nam.

Sau khi được cổ đông hai ngân hàng thông qua, dự kiến, đề án sáp nhập sẽ được Ngân hàng Nhà nước thông qua trong quý III này và việc sáp nhập sẽ hoàn tất trong quý IV.

Theo nhiều chuyên gia, M&A là phương thức phổ biến của hầu hết các quốc gia khi tiến hành tái cấu trúc ngành ngân hàng. Phương thức này có ưu điểm là ít tốn kém, đồng thời giữ được quyền sở hữu ngân hàng. Bên cạnh đó, M&A là mô thức quen thuộc để các ngân hàng có cơ hội vươn mình lên những bước phát triển mới.

Nổi bật như nền tài chính Mỹ có hai đại gia ngân hàng nổi tiếng là Wells Fargo và JPMorgan Chase đều trải qua khoảng 40 cuộc sáp nhập, mua lại. Cứ sau mỗi lần như vậy, các ngân hàng này lại không ngừng lớn mạnh và nay trở thành những ngân hàng khổng lồ trong ngành tài chính thế giới.

Những năm gần đây, phương thức sáp nhập - mua lại cũng rất phổ biến trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang tiến hành tái cấu trúc ngành. Đến nay, hàng loạt thương vụ sáp nhập đã được hoàn thành như: MHB sáp nhập vào BIDV, DaiABank sáp nhập vào HDBank, SCB được hợp nhất từ SCB, Ficombank,TinNghiaBank…

M&A được xem là cơ hội để mở rộng quy mô hoạt động, đẩy mạnh tăng trưởng bằng cách rút ngắn thời gian. Trong đó, tâm điểm sáp nhập hiện nay tại Việt Nam là việc sáp nhập giữa Sacombank và Southern Bank, nhất là khi ngân hàng sau sáp nhập có tổng tài sản đến 290.861 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 18.853 tỷ đồng.

Việc sáp nhập này cũng giúp Sacombank có được mạng lưới lên đến 567 điểm giao dịch trải khắp 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Với mạng lưới rộng lớn, Sacombank sau sáp nhập càng có nhiều điều kiện để tiếp cận khách hàng ở nhiều khu vực.

Ưu thế này càng có giá trị đối với ngân hàng này - vốn luôn theo đuổi chiến lược đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ bán lẻ và cho vay phân tán, cung cấp các sản phẩm dịch vụ theo đặc thù của từng địa phương…

Bên cạnh đó, Sacombank sau sáp nhập sẽ có gần 16.000 nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, cùng đội ngũ quản lý có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, Sacombank vốn có thế mạnh về văn hóa doanh nghiệp gắn kết; hệ thống quy trình, quy chế bài bản nên khả năng hoạt động có tính ổn định và bền vững cao, nhất là quy trình xử lý nợ xấu, quản lý rủi ro cũng rất chặt chẽ.

Năm 2014, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Sacombank chỉ 1,2%, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ chỉ 1,6%. Đây là những con số rất ấn tượng đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Không những thế, Sacombank có kế hoạch sáp nhập kỹ và chu đáo nên có thể giúp việc chuyển giao, hòa nhập diễn ra nhanh chóng.

Tất nhiên, “cuộc hôn nhân” Sacombank – Southern Bank cũng đối mặt với những khó khăn nhất định. Nhưng với những thuận lợi như đã nói, Ban lãnh đạo ngân hàng sau sáp nhập hoàn toàn có thể chủ động để Sacombank tiếp tục hoạt động ổn định, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của khách hàng, đối tác, cổ đông, CBNV; trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội.

Không chỉ nỗ lực đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Sacombank còn đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông với phương án chia cổ tức, chia cổ phiếu thưởng một cách chi tiết.

Cụ thể, 1 cổ phần của cổ đông Sacombank tại ngày chốt danh sách để hoán đổi cổ phần khi sáp nhập sẽ nhận thêm 0,3875 cổ phần ngân hàng sáp nhập gồm: cổ phần nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi cổ phần Southern Bank (0,0875 cổ phần); trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013 (0,080 cổ phần); trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2014 (0,120 cổ phần); thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ (0,0875 cổ phần) và từ thặng dư vốn cổ phần (0,0125 cổ phần).

Với sự chuẩn bị khá chu đáo và những lợi ích của việc sáp nhập, Đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank được kỳ vọng không chỉ tạo ra một định chế tài chính lớn mạnh, mà còn củng cố thêm nền tảng cơ bản để Sacombank có bước phát triển xa hơn, vươn tầm ra khu vực.

Thùy Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục