Giải quyết bài toán sở hữu chéo
Đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đã được HĐQT Sacombank công bố trong tài liệu ĐHCĐ bất thường sẽ diễn ra vào ngày 11/7 tới để trình cổ đông thông qua việc sáp nhập và trình NHNN chấp thuận về nguyên tắc. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:0,75.
Việc hoán đổi cụ thể: 1 cổ phiếu của cổ đông cũ Sacombank sẽ nhận thêm 0,387 cổ phiếu STB, bao gồm cổ phiếu nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu Southern Bank (0,087 CP); trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013 (0,080 CP), trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2014 (0,12 CP); thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ (0,0875 CP) và từ thặng dư vốn cổ phần (0,0125 CP).
Sau sáp nhập, Ngân hàng sẽ lấy hội sở của Sacombank làm hội sở chính. Tổng giám đốc Sacombank hiện nay là ông Phan Huy Khang làm Tổng giám đốc Ngân hàng.
Theo tài liệu công bố, dự kiến trong quý III/2015, việc sáp nhập sẽ được NHNN chấp thuận nguyên tắc. Các thủ tục khác cũng được hoàn thiện trong quý này. Sang quý IV, Sacombank sau sáp nhập sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu STB, đồng thời thực hiện sắp xếp lại mạng lưới hoạt động.
Về nhân sự, Ngân hàng dự kiến giữ nguyên cơ cấu nhân sự hiện tại của Sacombank, sẽ bổ sung thêm các cá nhân có năng lực quản lý và chuyên môn cao từ Southern Bank.
Cụ thể, HĐQT của ngân hàng sau sáp nhập gồm 9 người (như Sacombank hiện tại); Ban kiểm soát sẽ tăng thêm 2 người lên 5 thành viên, Ban điều hành tăng thêm 5 người, lên 25 người.
Về người lao động, Sacombank hiện có 12.608 nhân sự và Southern Bank là 2.902 người. Tổng cộng ngân hàng sau sáp nhập sẽ có 15.510 nhân sự.
Tổng số điểm giao dịch sau khi sáp nhập là 649 điểm, trong đó có 112 chi nhánh và 526 phòng giao dịch trong nước và có 2 ngân hàng con cùng 9 chi nhánh ở nước ngoài.
Sau sáp nhập, quy mô của Sacombank cũng sẽ tăng trưởng vượt bậc, với vốn điều lệ đạt trên 18.853 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 290.861 tỷ đồng.
Theo đại diện Sacombank, việc sáp nhập sẽ nâng cao khả năng sinh lời từ đó đem lại nhiều hơn giá trị thặng dư cho cổ đông của Ngân hàng. Đặc biệt, cái được lớn nhất trong thương vụ sáp nhập này là giải quyết được bài toán sở hữu chéo.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ cấu sở hữu tương đồng có thể là lý do khiến cuộc sáp nhập này thuận lợi hơn trong xây dựng đề án, dù hiệu quả hoạt động hai bên khác nhau.
Sacombank là ngân hàng có năng lực quản trị hàng đầu hệ thống, tổng tài sản lớn gấp đôi và lợi nhuận gấp 7 lần Southern Bank. Trong khi đó, Southern Bank hoạt động sa sút và nợ xấu tăng cao.
Tuy nhiên, lý do sáp nhập thực sự có thể nằm ở cơ cấu sở hữu liên quan đến gia đình ông Trầm Bê tại 2 ngân hàng. Tại Southern Bank, ông Trầm Bê và các con đều đang sở hữu vượt 20% cổ phần.
Tương tự, gia đình ông cũng là những người có ảnh hưởng lớn tại Sacombank sau cuộc chuyển giao quyền lực từ gia đình ông Đặng Văn Thành năm 2012. Không chỉ vậy, một nửa nhân sự lãnh đạo cấp cao của Sacombank hiện nay cũng là người cũ từ Southern Bank.
Vì thế, theo nhận định của giới phân tích tài chính, thương vụ sáp nhập hoàn tất sẽ là cách tốt nhất để giải quyết câu chuyện sở hữu chéo giữa Sacombank và Southern Bank theo lộ trình quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Cổ đông nhỏ được và mất!
Không chỉ giải quyết được bài toán sở hữu chéo, sáp nhập thêm Southern Bank, theo lãnh đạo Sacombank, Ngân hàng tăng được quy mô, tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời có thêm số lượng nhân sự có kỹ năng mà không cần đào tạo.
Tuy nhiên, với các cổ đông nhỏ, lẻ cũng không mấy hào hứng với thương vụ sáp nhập này, khi phải “ôm” thêm “cục nợ” lớn từ Southern Bank, với tỷ lệ nợ xấu lên đến gần 6% (thời điểm cuối năm 2014). Điều này sẽ kéo lùi lợi nhuận của Sacombank trong những năm đầu sáp nhập.
Kế hoạch lợi nhuận 2015 đã được ĐHCĐ Sacombank thông qua ở mức 3.000 tỷ đồng trước thuế. Thế nhưng, với việc sáp nhập Southern Bank sẽ khiến dự phòng rủi ro của Ngân hàng tăng, nên Sacombank đã dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng); năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế).
Hiện nợ xấu Sacombank là 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của Southern Bank xấp xỉ 6%. Điều này khiến cổ đông nhỏ, lẻ của Sacombank lo ngại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá cổ phiếu STB của Ngân hàng.
Bên cạnh đó, cổ đông nhỏ của Sacombank cũng không thực sự hài lòng với tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:0,75, bởi thực tế, giá cổ phiếu STB đang giao dịch trên thị trường dao động khoảng 18.000 đồng/CP, trong khi cổ phiếu của Southern Bank chỉ khoảng 5.000 đồng/cổ phiếu.
Trước những bức xúc của cổ đông Sacombank, ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank cho rằng, khi sáp nhập, nợ xấu của Sacombank tăng là điều không tránh khỏi, nhưng Ngân hàng cũng có được nhiều mặt lợi, như tăng quy mô, tăng lượng nhân sự có kỹ năng không cần đào tạo…
Cũng theo lãnh đạo Sacombank, việc sáp nhập sẽ tạo ra những giá trị cộng hưởng to lớn như nâng cao được năng lực quản trị điều hành và quản trị rủi ro khi thừa hưởng được bộ máy lãnh đạo của cả Sacombank và Southern Bank; gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu trên thị trường; tiết giảm đáng kể chi phí, đồng thời dễ dàng hơn trong việc tăng khả năng khai thác thị trường bán lẻ, đặc biệt tại các khu vực kinh tế trọng điểm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM cũng như khu vực Đông Nam Bộ, Miền Tây.
Trước mắt, Sacombank cần giải quyết được khối nợ xấu khổng lồ của Southern Bank nên dự phòng trích lập sẽ gia tăng đáng kể. Theo đó, lợi nhuận của Ngân hàng sẽ giảm.
Cụ thể, theo kịch bản dự kiến sau sáp nhập Southern Bank, năm 2015, Sacombank trích lập hơn 1.800 tỷ đồng dự phòng; năm 2016 là 3.109 tỷ đồng và năm 2017 sẽ trích lập trên 5.200 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, xử lý dứt điểm nợ xấu và đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% ngay từ năm đầu tiên sáp nhập.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc một ngân hàng lớn sáp nhập thêm ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ khó tránh được việc kéo lùi hoạt động của nhà băng lớn sau sáp nhập.
Chính điều này cũng sẽ tác động đến quyền lợi cổ đông, giá cổ phiếu của ngân hàng lớn sụt giảm. Tuy nhiên, sau thời gian hồi phục, khả năng chống đỡ của nhà băng sau sáp nhập sẽ củng cố hơn khi quy mô của ngân hàng lớn hơn.