Sáp nhập Southern Bank – Sacombank trong bài toán “lợi - hại”

(ĐTCK) Thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank dường như đã sáng tỏ khi phía Sacombank lên tiếng, đề áp sáp nhập đang trong quá trình triển khai và sẽ trình ĐHCĐ những nội dung chi tiết. Vấn đề còn lại được dư luận quan tâm là tỷ lệ chuyển đổi cổ phần giữa hai ngân hàng là bao nhiêu và ai sẽ được lợi nhiều nhất trong thương vụ này?
Sáp nhập Southern Bank – Sacombank trong bài toán “lợi - hại”

Trước tiên là xóa được cái “tiếng” sở hữu chéo

Mặc dù phương án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank vẫn chưa được công khai và lợi ích cổ đông đang được hai bên cân nhắc trước khi trình ĐHCĐ trong kỳ họp tới, nhưng cái được đầu tiên đối với riêng ông Trầm Bê cùng với các thành viên trong gia đình ông, theo nhiều người đánh giá, là sẽ xóa được dấu tích về việc sở hữu chéo giữa hai ngân hàng Southern Bank và Sacombank.

Ông Trầm Bê từng là Phó chủ tịch HĐQT Southern Bank và hiện dù đã thôi chức này, ông vẫn là cổ đông lớn với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 8,36%, chiểu theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng thì ông Trầm Bê đã vi phạm: vượt trần sở hữu cho phép 5% đối với một cá nhân tại một tổ chức tín dụng. Đồng thời, nếu cộng tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông tại Southern Bank thì cũng vượt tỷ lệ 20% cho phép. Hiện con trai ông Trầm Bê là ông Trầm Trọng Ngân nắm giữ 4,42% cổ phần Southern Bank; con gái Trầm Thuyết Kiều nắm 7,36% và con rể Lê Trọng Trí (chồng bà Trầm Thuyết Kiều) nắm 0,67%.

Trong khi đó, tại Sacombank, ông Trầm Bê, hiện là Phó chủ tịch HĐQT, cùng gia đình đang sở hữu tổng cộng 84,2 triệu cổ phần, chiếm 6,78% vốn điều lệ. Con trai thứ của ông Trầm Bê là Trầm Khải Hòa cũng là một thành viên của HĐQT Sacombank với tỷ lệ sở hữu 1,93%. Ngoài ra, Trầm Trọng Ngân và Trầm Thuyết Kiều Sở hữu lần lượt 4,4% và 0,3% vốn của Sacombank.

Với việc nắm giữ cổ phần và chiếm những vị trí lãnh đạo quan trọng bởi ông Trầm Bê và gia đình tại hai ngân hàng như kể trên, việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank được cho là chỉ còn vấn đề thời gian. Việc sáp nhập sẽ cho phép các cổ đông lớn của Southern Bank, cụ thể là gia đình ông Trầm Bê, xóa được cái “tiếng” sở hữu chéo giữa 2 ngân hàng.

Kế đến là cơ hội phát triển lâu dài

CTCK Bản Việt cho rằng, thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank có thể gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Sacombank trong ngắn hạn. Nhưng đổi lại, nó sẽ giúp Sacombank nhanh chóng mở rộng hệ thống, từ 416 điểm giao dịch (lớn thứ 3 toàn ngành ngân hàng) lên 558 điểm giao dịch (so với con số 688 của BIDV và 391 của VCB); đồng thời, giúp tăng 46% tổng tài sản của Sacombank và cải thiện tính minh bạch thông qua giảm tình trạng sở hữu chéo và giao dịch của các bên có liên quan. Đây sẽ là nền tảng cho tăng trưởng và vị thế lâu dài của Ngân hàng trên thị trường.

Về những bất lợi trước mắt, thương vụ M&A này sẽ chất gánh nặng nợ xấu và hiệu quả thấp của SouthernBank lên vai Sacombank. Trong vài năm gần đây, biên lãi ròng (NIM) và lợi nhuận ròng từ lãi (NII) của Southern Bank liên tục giảm mạnh. NIM giảm dần từ 2,04% trong năm 2009 xuống 0,83% năm 2010; 0,35% năm 2011; âm 0,59% trong năm 2012 (lỗ 285 tỷ đồng) và 0,51% trong 9 tháng đầu năm 2013. NII từ chỗ tăng 87% trong năm 2009 chuyển sang giảm 24% trong năm 2010, giảm 46% trong năm 2011 và về dưới 0 (lỗ) trong năm 2012. Mặt khác, nợ xấu Southern Bank liên tục tăng và thực tế có thể cao hơn báo cáo. CTCK Bản Việt đánh giá, con số NIM và NII có thể chưa phản ánh đầy đủ tình hình vì một khoản lớn dưới hình thức các khoản phải thu có thể được phân loại thành tín dụng. Vì vậy, nợ xấu, chi phí dự phòng, theo báo cáo Southern Bank, có thể thấp hơn thực tế.

Southern Bank vẫn chưa công bố kế quả hoạt động của năm 2013, nhưng theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm qua, lợi nhuận chưa đạt 50% kế hoạch cả năm là 650 tỷ đồng trước thuế. Trong khi đó, nợ xấu có dấu hiệu tăng lên gần 4%, với nợ có khả năng mất vốn chiếm phần lớn.

Thế nhưng, phía Sacombank cho rằng, đó không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nói như vậy, Ngân hàng dự kiến nhận sáp nhập này cho thấy mình có đủ sức để gánh vác Southern Bank. Bước đi trước mắt về hiệu quả sẽ chậm lại, nhưng với đột phá về quy mô, triển vọng dài hạn là rất lớn, phía Sacombank cho biết.

CTCK Bản Việt đánh giá, trong dài hạn, Sacombank sẽ xử lý được vấn đề nợ xấu tại ngân hàng sáp nhập và sau đó tận dụng được mạng lưới của ngân hàng này cho chiến lược bán lẻ của Ngân hàng.

Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng nhận định, việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong xu hướng hiện nay, sáp nhập là tất yếu và không chỉ giữa các ngân hàng nhỏ, ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn, mà cả giữa các ngân hàng lớn với nhau. Vị lãnh đao này cũng nhìn nhận cái được trước tiên của thương vụ M&A Southern Bank - Sacombank là giảm được tình trạng sở hữu chéo.

Thực tế, tình trạng sở hữu chéo không hiếm có trong lĩnh vực ngân hàng. Các nhà đầu tư trong nước nhìn chung đã quen với điều này. Nhưng đó sẽ là rào cản với ngân hàng nào muốn kêu gọi đầu tư nước ngoài, bởi nó được coi là một vấn đề về sự minh bạch. Đây cũng là lý do vì sao kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của Sacombank lâu nay chưa hoàn tất. Được biết, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài “nhòm ngó” Sacombank, nhưng vẫn chưa ai dám bước vào, do không rõ… chủ nhà gồm những ai. 

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục