Sacombank trở lại “đường đua”

(ĐTCK) Đợt thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng nhiều thành viên khác trong bộ máy quản trị, điều hành của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vào năm 2012, được thị trường ví như một “cơn bão” lớn, nhưng nó dường như tan biến rất nhanh để Sacombank vẫn vững vàng là 1 DN mạnh.
Sacombank trở lại “đường đua”

Bằng việc kế thừa những giá trị nền tảng mà Sacombank gây dựng nhiều năm, đội ngũ lãnh đạo mới đã nhanh chóng đưa Sacombank vào guồng trở lại và tạo ra những kết quả đáng ngạc nhiên trong năm 2013.

Sau biến động về nhân sự cao cấp, tình hình kinh tế Việt Nam trong giai đoạn không mấy thuận lợi, Sacombank đã thận trọng với các chỉ tiêu của năm 2013.

Tuy nhiên, kết quả cuối cùng gây bất ngờ thú vị khi tín dụng của Sacombank trong năm 2013 tăng gần 15%, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng là 12,4%.

Điều đáng nói là dù tín dụng tăng khá, nhưng nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức không quá 3% theo như Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông giao phó.

Trong năm 2013, Sacombank đã ký hợp đồng bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) với giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thực tế, nhiều khoản nợ vẫn có khả năng thu hồi, nhưng để thu hồi được thì phải mất nhiều năm. Sacombank quyết định bán đi để tập trung nguồn lực cho những việc quan trọng khác.

Về huy động vốn, ước tính cả năm, vốn huy động của Sacombank tăng khoảng 20%. Con số này chỉ tính riêng huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế.

Tăng trưởng huy động vốn trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn cho thấy, niềm tin của khách hàng vào Sacombank là tương đối tốt và cho thấy sự bền vững trong hoạt động của Ngân hàng.

Theo kế hoạch, vốn huy động trong năm 2013 tăng 22%, nhưng nếu so với tình hình chung thì kết quả mà Sacombank đạt được không phải là thấp.

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế cả năm 2013 Sacombank ước đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2012. Riêng mảng kinh doanh vàng, Sacombank bị lỗ 500 tỷ đồng, vì phải mua vàng để đóng trạng thái vào cuối tháng 6/2013 theo quy định, nếu không, kết quả kinh doanh cuối năm sẽ còn tốt hơn nữa.

Số lượng nhân viên trong năm 2013 tăng so với năm 2012, thu nhập được giữ vững và nếu so với mặt bằng chung hiện nay thì thậm chí có phần “cạnh tranh” hơn. Ngoại trừ Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ phải thu hẹp do gặp rủi ro về chính sách, các công ty con khác hoạt động khá hiệu quả, nhất là Công ty kiều hối Sacombank-SBR với doanh số chi trả kiều hối năm 2013 ước khoảng 1,7 tỷ USD. Vốn điều lệ của công ty này chỉ có 15 tỷ đồng, nhưng lãi trước thuế lên đến 15 tỷ đồng.

Mảng kinh doanh thẻ phát triển nhanh. Lợi nhuận từ mảng này năm 2013 ước khoảng 150 tỷ đồng. Thẻ phát triển mạnh là do Sacombank đã xây dựng được một cơ sở khách hàng lớn với con số lên đến gần 2,5 triệu thuê bao gồm khoảng 2,2 triệu khách hàng cá nhân. Riêng năm 2013, Sacombank đã phát triển thêm 480.000 khách hàng.

Năm 2014, Sacombank tiếp tục phương châm “Kinh doanh hiệu quả, hoạt động an toàn, phát triển bền vững”.

Một số chỉ tiêu dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua trong kỳ Đại hội tới như sau: chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 10%, thu hút thêm sự tham gia của nhà đầu nước ngoài; vốn huy động tăng 18%; tín dụng tăng 14-15%; lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng cộng, trừ biên độ 10%, cổ tức 12-13% và nợ xấu dưới 3%.

Hiện nay tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng khoảng 5%. Ngân hàng dự kiến sẽ bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2014 và nếu Chính phủ ban hành quy định cho phép nới “room”, Sacombank sẽ xem xét chào bán với một tỷ lệ cao hơn.

Hà Thái

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục