Sacombank “lấy lại phong độ”

(ĐTCK) Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã mau chóng “lấy lại phong độ” sau thay đổi lớn về cơ cấu sở hữu trong năm 2012 và trở thành điểm sáng trong bức tranh chung của ngành ngân hàng.
Sacombank “lấy lại phong độ”

ĐTCK đã phỏng vấn ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank về tình hình hoạt động của Sacombank sau hơn một năm ông ngồi “ghế nóng”.

Tín dụng 11 tháng đầu năm 2013 của Sacombank tăng 12,3%, cao hơn mức tăng chung của toàn hệ thống. Dự báo cả năm thế nào, thưa ông?

Năm nay, Sacombank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12%, nhưng thực hiện đến nay đã vượt kế hoạch. Với đà này, tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt 14%. Điều đáng nói là dù tín dụng tăng khá, nhưng nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức không quá 3% theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

 

Sacombank “lấy lại phong độ” ảnh 1

Sacombank hiện có gần 2,6 triệu khách hàng

Theo báo cáo tài chính, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giảm nhẹ trong 11 tháng đầu năm, từ mức 2,391% xuống 2,12%. Sacombank có bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) không?

Vừa qua, Sacombank đã bán nợ cho VAMC trị giá hơn 800 tỷ đồng. Sắp tới, chúng tôi sẽ bán tiếp đợt 2. Dự kiến, cả năm 2013, tổng số nợ bán cho VAMC là trên 1.000 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ nợ xấu sẽ về dưới 1,5%.

 

Nợ xấu của Sacombank “xấu” cỡ nào, thưa ông?

Phần lớn những khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo, tức vẫn có khả năng thu hồi, nhưng để thu hồi được thì phải mất vài ba năm, thậm chí có thể lâu hơn. Đối với các khoản nợ này, Sacombank đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Chúng tôi bán đi để tập trung nguồn lực cho những việc khác.

 

Hiệu quả và rủi ro của hoạt động tín dụng thế nào?

Hoạt động tín dụng đóng góp khoảng 75% vào tổng thu nhập của Sacombank, còn thu nhập từ lãi nói chung đóng góp 86%. Sacombank là ngân hàng bán lẻ, khách hàng cá nhân chiếm đa số, nên mức độ phân tán rủi ro đối với các khoản cho vay rất cao.

 

Huy động vốn thì thế nào, thưa ông?

Dự kiến cả năm, vốn huy động tăng 18 - 20%. Con số này chỉ tính riêng huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Điều đó cho thấy niềm tin của khách hàng vào Sacombank là rất tốt và khẳng định sự bền vững trong hoạt động. Kế hoạch đề ra là huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế tăng 22%. Nếu so với tình hình chung của các ngân hàng trong năm nay và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thì kết quả đạt được là rất tốt.

Ông có thể cho biết khả năng hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận năm 2013 của Sacombank?

Khả năng cả năm sẽ đạt 2.800 tỷ đồng như kế hoạch đề ra. Lưu ý là con số này cao gấp đôi so với năm 2012. Nhờ đó mà vừa qua, HĐQT đã quyết định tạm ứng cổ tức năm 2013 là 8%. Dự kiến, mức cổ tức cả năm 2013 sẽ là 12%.

Trong năm 2013, do phải đóng trạng thái vàng vào cuối tháng 6/2013 theo quy định nên mảng kinh doanh vàng của Sacombank bị lỗ 500 tỷ đồng. Nếu không có khoản lỗ này thì kết quả kinh doanh của Sacombank sẽ còn tốt hơn nữa.

 

Những con số về tăng trưởng tín dụng, vốn huy động và lợi nhuận nêu trên khá ấn tượng khi mà tình hình chung của các ngân hàng vẫn còn khó khăn. Nhờ đâu Sacombank có được sự tăng trưởng như vậy, thưa ông?

Thứ nhất là tính đoàn kết rất cao trong bộ máy lãnh đạo cũng như trong cả tập thể; tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung đó là phát triển Sacombank trở thành một ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng, hàng đầu khu vực.

Thứ hai, chúng tôi đã đánh giá đúng thực trạng của ngân hàng và nền kinh tế, nên ngay trong năm 2012, Sacombank đã chủ động xử lý phần lớn những tồn đọng trước đây, trích dự phòng đầy đủ cho những khoản mục có rủi ro cao. Chính vì thế, năm 2013, chúng tôi có nhiều dư địa để phát triển.

Bên cạnh đó, Sacombank có thế mạnh về vốn, thương hiệu, mạng lưới hoạt động, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại... Điều quan trọng nhất là Sacombank có một đội ngũ nhân sự tốt, chuyên nghiệp, năng động và tận tâm, tận lực với sự nghiệp phát triển Sacombank.

 

Sacombank sẽ tròn 22 tuổi vào ngày mai, 21/12/2013. Nếu điểm lại một cách ngắn gọn cả một quá trình dài hơn hai thập kỷ qua, điều gì khiến ông muốn nhắc đến nhất?

Cá nhân tôi mới giữ chức Chủ tịch được hơn một năm, nhưng xem lại chặng đường dài đã qua, cùng với rất nhiều thăng trầm, rất nhiều dấu ấn, tôi cảm thấy hết sức tự hào vì Sacombank có rất nhiều cái “đầu tiên”: ngân hàng đầu tiên ở TP. HCM mở chi nhánh tại Hà Nội vào năm 1993, ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng vào năm 1996, ngân hàng đầu tiên thành lập công ty quản lý quỹ vào năm 2003, ngân hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vào năm 2006, ngân hàng Việt Nam đầu tiên mở chi nhánh tại Lào vào năm 2008 và tại Campuchia vào năm 2009.

Riêng trong năm 2013, đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của ngành ngân hàng và nền kinh tế, Sacombank đã nỗ lực không ngừng và để lại nhiều dấu ấn đáng tự hào như vinh dự nhận nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước, trong đó tiêu biểu là giải thưởng “Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam 2013” do The Asset bình chọn, giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2013” do International Finance Magazine bình chọn và giải thưởng “Ngân hàng của năm” dành cho Dịch vụ ngân hàng cao cấp Sacombank Imperial do Robb Report tổ chức. Chúng tôi cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên phối hợp với tổ chức thẻ Visa cho ra mắt thẻ Visa Infinite - dòng thẻ tín dụng cao cấp nhất trên toàn cầu dành cho giới thượng lưu.

Đối với trách nhiệm đồng hành cùng các DN trong giai đoạn khó khăn, Sacombank đã tiên phong và tích cực tham gia chương trình kết nối ngân hàng - DN theo chủ trương của NHNN và UBND TP. HCM để hỗ trợ nguồn vốn sản xuất - kinh doanh đến các DN, hộ kinh doanh tại 23 quận, huyện trên địa bàn TP. HCM. Ngoài ra, chúng tôi đã cung ứng kịp thời và trực tiếp 26 gói cho vay ưu đãi trị giá hơn 30.000 tỷ đồng và 105 triệu USD dành cho các DN và cá nhân trong cả nước.

 

Nhiều ngân hàng cắt giảm nhân sự trong năm 2013 nhưng Sacombank thì vẫn tăng, vì sao?

Thực ra, trong năm thì cũng có người ra, người vào, nhưng tổng kết lại thì con số ròng vẫn tăng khoảng 300 người. Sacombank có những phòng giao dịch có vị trí rất tốt, chúng tôi gọi đó là phòng giao dịch tiềm năng. Chúng tôi bổ sung nhân sự cho những phòng giao dịch này để phục vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, nhân sự một số bộ phận tăng thêm để đáp ứng nhu cầu mở rộng của Ngân hàng.

 

Vậy Sacombank có cắt giảm lương hay không?

Thu nhập của nhân viên vẫn được giữ vững. Nếu so với mặt bằng chung trong ngành hiện nay thì lương trả cho người lao động ở Sacombank khá cạnh tranh. Ngoài lương, chúng tôi còn có những chính sách khuyến khích khác, ví dụ, vừa qua chúng tôi đã phát hành cổ phiếu ưu đãi tương đương với 3% vốn điều lệ cho những cán bộ cốt cán.

Số người được hưởng chính sách này là 1.500 người, chiếm khoảng 15% tổng số nhân sự của Sacombank. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ dành cho các “tài năng Sacombank tiêu biểu” với những chế độ như được ưu đãi lãi suất vay cá nhân, ưu tiên tuyển dụng người thân, được cân nhắc bố trí vào các vị trí quản lý, được hưởng một khoản thu nhập hàng tháng từ khi nghỉ hưu đến khi qua đời..., tiếp tục được duy trì và phát huy, nhằm tôn vinh tất cả những nhân sự có nhiều đóng góp và gắn bó với Sacombank.

Nền tảng của Sacombank là con người. Chúng tôi tự hào về văn hóa và về những con người đang làm việc tại đây. Tập thể luôn có sự đoàn kết, hợp sức để tạo ra hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Vì thế, chúng tôi phải có những chính sách để giữ chân cũng như thu hút nhân tài.

 

Một số người cho rằng, hoạt động của Sacombank vẫn chưa thực sự hiệu quả, vì nếu lấy tổng lợi nhuận chia cho tổng số nhân viên thì năng suất lao động không cao. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Đánh giá như thế có phần phiến diện. Mỗi ngân hàng đều có chiến lược riêng. Sacombank là ngân hàng bán lẻ nên nhân viên đông là điều dễ hiểu. Để đánh giá hiệu quả của một DN thì cần xem xét lợi nhuận tạo ra so với đồng vốn mà cổ đông góp vào như các chỉ số ROE, EPS hay cổ tức; nếu so hiệu quả trên quy mô tổng tài sản thì có chỉ số ROA... Nếu xét hiệu quả theo các chỉ số này thì Sacombank thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu.

 

Tình hình hoạt động của các công ty con thì sao?

Công ty Kiều hối Sacombank-SBR hiện nay đứng đầu thị trường. Doanh số chi trả kiều hối năm 2013 ước khoảng 1,7 tỷ USD. Vốn điều lệ của công ty này chỉ có 15 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế lên đến 15 tỷ đồng.

Công ty Cho thuê tài chính Sacombank-SBL năm 2013 ước đạt lợi nhuận trước thuế 73 tỷ đồng, có tỷ suất lợi nhuận trên vốn dẫn đầu trong lĩnh vực cho thuê tài chính ở Việt Nam, đồng thời kiểm soát được nợ xấu ở mức 1%.

Công ty Quản lý và khai thác tài sản Sacombank-SBA có lợi nhuận năm 2013 ước đạt trên 72 tỷ đồng. Hiện công ty này đang quản lý hơn 50 héc-ta kho bãi, hỗ trợ tốt cho Ngân hàng mẹ ở các hoạt động thẩm định giá và quản chấp hàng hóa sau khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Riêng Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ thì hoạt động kinh doanh năm 2013 gặp nhiều khó khăn. Trước đây, hoạt động của Công ty gồm có tổ chức sàn giao dịch vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản, kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Cả 3 hoạt động đầu đều đã đóng cửa theo chính sách của Nhà nước, chỉ còn lại mảng trang sức. Hiện công ty này đang được cơ cấu lại cho phù hợp với tình hình mới.

Sacombank đã xây dựng kế hoạch 2014 như thế nào?

Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động theo phương châm “Tăng trưởng an toàn - Hiệu quả bền vững”. Một số chỉ tiêu dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua là: chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 10%, tiếp tục thu hút sự tham gia của NĐT nước ngoài, vốn huy động tăng 18%, tín dụng tăng 14 - 15%, lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng (+/-10%), cổ tức 10 - 13% và nợ xấu dưới 3%.

 

Ông có thể nói thêm về kế hoạch thu hút sự tham gia của NĐT nước ngoài, ví dụ đối tác nhắm đến ở đâu, tỷ lệ cổ phần dự kiến chào bán?

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại Sacombank xấp xỉ 5%. Theo quy định hiện hành, một NĐT nước ngoài được sở hữu tối đa 20% một ngân hàng trong nước và tổng số cổ phần nắm giữ bởi các NĐT nước ngoài không được quá 30%. Chúng tôi dự kiến sẽ bán 20% vốn cho NĐT nước ngoài trong năm 2014. Chúng tôi đánh giá cao các NĐT đến từ Nhật Bản, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng hợp tác với các định chế đầu tư có quan tâm đầu tư vào Sacombank.

 

Vừa qua, một số ngân hàng nước ngoài đã thoái vốn khỏi ngân hàng Việt Nam sau một thời gian tham gia với tư cách là đối tác chiến lược. Liệu kế hoạch chào bán cổ phần cho đối tác nước ngoài của Sacombank có gặp khó khăn?

Tỷ lệ tham gia 20% của đối tác nước ngoài tại ngân hàng trong nước chưa đủ hấp dẫn. Chúng tôi cho rằng, họ rút lui vì với tỷ lệ đó chưa đủ để họ có ảnh hưởng đến chiến lược phát triển và thẩm quyền điều hành hoạt động ngân hàng. Chúng tôi hy vọng quy định nới “room” sẽ sớm được ban hành, khi đó chúng tôi sẽ mạnh dạn đàm phán và xem xét quyết định một tỷ lệ chào bán cao hơn.

 

Đối với chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, liệu Sacombank có dự định gì về khả năng hợp nhất/sáp nhập với ngân hàng khác?

Sacombank luôn ủng hộ chủ trương tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và sẵn sàng nghiên cứu, thực hiện việc hợp nhất/sáp nhập với ngân hàng khác theo chỉ định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Về phía Sacombank, chúng tôi cũng có chủ trương tìm kiếm, lựa chọn đối tác phù hợp để cân nhắc khả năng hợp nhất/sáp nhập vào Sacombank, nhằm tăng hơn nữa quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh trong giai đoạn phát triển mới.

 

Được biết, Sacombank dự định nâng cấp chi nhánh tại Lào thành ngân hàng con. Hiệu quả hoạt động của chi nhánh thời gian qua như thế nào? Khi nào thì việc thành lập ngân hàng con tại Lào hoàn tất và nhắm đến đối tượng khách hàng nào tại Lào?

Chúng tôi dự kiến, trong quý I/2014, ngân hàng con tại Lào sẽ được thành lập. Ngân hàng này do Sacombank cấp 100% vốn, với mức vốn điều lệ là 39 triệu USD. Chi nhánh này liên tục có lãi và đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt. Năm 2013, ước tính lợi nhuận là 2 triệu USD. Về đối tượng phục vụ thì cũng không ngoài mục tiêu của một ngân hàng bán lẻ, khách hàng chủ yếu là cá nhân và các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN Việt Nam đang hoạt động đầu tư tại Lào.

 

Còn ngân hàng con 100% tại Campuchia hoạt động ra sao?

Ngân hàng con ở đây có vốn là 38 triệu USD. Ngân hàng này đến nay đã mở được 6 chi nhánh. Lợi nhuận năm 2013 khoảng 1 - 1,1 triệu USD. Sở dĩ lợi nhuận thấp hơn so với chi nhánh tại Lào vì khi trở thành ngân hàng con, giai đoạn đầu phải tập trung phát triển mạng lưới để chiếm lĩnh thị phần.

 

Về các mảng dịch vụ, mảng nào sẽ được Sacombank chú trọng đẩy mạnh trong năm 2014?

Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được trong mảng kinh doanh thẻ. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thẻ trong năm 2013 rất tốt, ước khoảng 180 tỷ đồng. Thẻ phát triển mạnh là do Sacombank đã phát triển được một số lượng khách hàng rất lớn. Đến nay, chúng tôi có tổng cộng gần 2,6 triệu khách hàng, bao gồm khoảng 2,3 triệu khách hàng cá nhân. Trong năm 2013, chúng tôi đã phát triển thêm 540.000 khách hàng.

Sacombank rất chú trọng đến các hoạt động cộng đồng. Ông có thể chia sẻ một số hoạt động cộng đồng của Sacombank?

Các chương trình thường niên được triển khai từ những năm đầu thành lập được duy trì với quy mô và kinh phí ngày càng nhiều hơn như: học bổng “Ươm mầm cho những ước mơ”, dành gần 2.500 suất học bổng mỗi năm trao cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích tốt trong học tập trên cả nước; chương trình “Tập huấn kỹ năng bán hàng dành cho tiểu thương các chợ trên địa bàn TP. HCM”; chương trình “Thực tập viên tiềm năng Sacombank” tạo cơ hội việc làm cho hàng ngàn sinh viên năm cuối; giải việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng” tại tất cả các tỉnh, thành có Chi nhánh Sacombank hoạt động nhằm phát động phong trào thi đua “khỏe để lập nghiệp” trong giới trẻ; đặc biệt là chương trình “Ngày hội từ thiện đón Xuân” dành cho trên 6.000 cụ già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm là những hoạt động tiêu biểu của Sacombank đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cộng đồng.

Ngoài ra, còn chương trình nổi bật nào khác, thưa ông?

Vừa qua, nhằm góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện và các cơ sở y tế, 1.000 CBNV Sacombank đã tham gia hiến gần 1.200 đơn vị máu trong chương trình hiến máu tình nguyện “Hành trình đỏ” do Hội Chữ thập đỏ tổ chức. CBNV Sacombank cũng đã kịp thời quyên góp ủng hộ và trao tặng nhà tình thương cho một số tỉnh miền Trung nhằm chia sẻ những mất mát của đồng bào do thiên tai, bão lũ.

Ngoài ra, Sacombank còn góp phần xây dựng văn minh đô thị bằng việc đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh công cộng theo tiêu chuẩn 4 sao miễn phí tại nhiều địa phương như TP. HCM, Đà Lạt, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Vũng Tàu, Phú Quốc. Sắp  tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng thêm 8 nhà vệ sinh miễn phí tại TP. HCM.

 

>> Sacombank đạt 84,4% kế hoạch lợi nhuận sau 10 tháng

>>Sacombank, 9 tháng đạt hơn 2.200 tỷ đồng lợi nhuận

           

 

Đức Luận - Thuỳ Vinh
Đức Luận - Thuỳ Vinh

Tin cùng chuyên mục