Thực trạng khó khăn
Cho đến nay, ngoài ngân sách nhà nước, nguồn tài chính hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai chủ yếu là quỹ phòng chống thiên tai, nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần tổng thiệt hại do thiên tai hàng năm, ngân sách dành cho công tác tái thiết vẫn còn khó khăn.
Ngày 1/3/2011, nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013.
Về dài hạn, cần hướng tới thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai; xây dựng cơ chế đầu tư, sử dụng trái phiếu rủi ro thiên tai và xây dựng bảo hiểm thiên tai như một loại hình bảo hiểm riêng biệt.
Ngày 29/6/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 47/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định số 315/QĐ-TTg. Thông tư này sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 43/2012/TT-BNNNPTNT ngày 23/8/2012, nhằm đưa ra các công cụ, biện pháp hạn chế thiệt hại của ngân sách nhà nước thông qua việc chuyển dịch một phần nghĩa vụ hỗ trợ thiệt hại cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, bảo hiểm nông nghiệp chỉ được thực hiện với quy mô hạn chế tại 20 tỉnh, thành phố (bao gồm 65 huyện và 748 xã) và cần được tiếp tục được đánh giá, bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi.
Hiện tại, quyền lợi về bảo hiểm rủi ro thiên tai được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai như một nội dung rủi ro mở rộng trong các đơn bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người hoặc bảo hiểm nông nghiệp (cây trồng, vật nuôi). Trên 800 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ thuộc cả 3 đối tượng bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm con người đều có mở rộng phạm vi bảo hiểm đối với các rủi ro thiên tai, đó là bảo hiểm cháy và rủi ro đặc biệt, bảo hiểm mọi rủi ro công nghiệp, bảo hiểm mọi rủi ro tài sản.
Thực tế cho thấy, chủ yếu chỉ có tài sản thương mại của các tổ chức, doanh nghiệp lớn tham gia bảo hiểm tài sản, các tài sản khác hầu như chỉ tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định, nhưng cũng chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng tài sản.
Giải pháp trước mắt: “lồng ghép”
Về mặt chính sách, trước mắt cần thực hiện bảo hiểm rủi ro thiên tai lồng ghép với các chương trình bảo hiểm do Nhà nước định hướng xây dựng.
Theo đó, tiếp tục nghiên cứu triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo hướng bảo hiểm cho rủi ro thiên tai đối với cây trồng; nghiên cứu, dự thảo các văn bản hướng dẫn bảo hiểm trong lĩnh vực xây dựng lắp đặt, trong đó có quy định rủi ro thiên tai là loại rủi ro được bảo hiểm.
Ngoài ra, cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm tài sản gắn với rủi ro thiên tai. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bảo hiểm thiên tai thường phải dựa vào các sản phẩm bảo hiểm tài sản đã triển khai để phát triển trong giai đoạn đầu, từ đó phát triển bảo hiểm rủi ro thiên tai thành rủi ro bổ sung của đơn bảo hiểm, phí bảo hiểm thiên tai được coi là phụ phí của sản phẩm bảo hiểm tài sản.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần bổ sung rủi ro thiên tai vào các sản phẩm bảo hiểm truyền thống hiện có, tuyên truyền đến khách hàng và định phí bảo hiểm phù hợp với mức độ, quy mô của rủi ro.
3 giải pháp dài hạn
Về dài hạn, cần hướng tới thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai; xây dựng cơ chế đầu tư, sử dụng trái phiếu rủi ro thiên tai (Cat Bond) và xây dựng bảo hiểm thiên tai như một loại hình bảo hiểm riêng biệt.
Liên quan đến thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai tại Việt Nam, về sản phẩm, cần nghiên cứu lựa chọn và xây dựng sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai áp dụng cho một số loại tài sản, công trình tại các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai để giảm bớt gánh nặng đền bù thiệt hại từ ngân sách nhà nước.
Về đối tượng, cần quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với rủi ro thiên tai, kèm theo đơn bảo hiểm cháy (như Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ… đang áp dụng).
Liên quan đến vai trò của nhà nước, cần đưa ra các hỗ trợ để xây dựng thị trường phát triển theo hướng khuyến khích và nâng cao tính cạnh tranh; các chương trình bảo hiểm phải nhằm tạo ra tính thanh khoản cho Chính phủ khi xảy ra thiên tai, thảm họa.
Trong quá trình lập quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai, cần lưu ý điều kiện pháp lý, phạm vi bảo hiểm, giám định tổn thất, quản lý rủi ro, cơ chế chia sẻ rủi ro minh bạch giữa các bên tham gia.
Liên quan đến việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư, sử dụng trái phiếu rủi ro thiên tai (Cat Bond) tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần có một cơ quan chuyên trách (tương tự Fonden của Mexico) phát hành các loại giấy tờ có giá, mỗi loại tương ứng với các lớp rủi ro khác nhau do S&P, Moody’s hoặc Fitch định giá, các giấy tờ có giá này sẽ được bán cho các nhà đầu tư trên thị trường vốn. Nhà đầu tư của các giấy tờ có giá trên là các quỹ tự bảo hiểm, các quỹ thảm họa và các nhà quản lý tài sản. Nếu xảy ra thảm họa, người tham gia bảo hiểm sẽ được bồi thường từ nguồn thu được do bán trái phiếu.
Trong đó, trái phiếu thảm họa là loại trái phiếu có lãi suất thả nổi và áp dụng một số điều kiện cụ thể liên quan đến thảm họa chính, được sử dụng như một lựa chọn thay thế cho tái bảo hiểm thảm họa truyền thống. Ưu điểm của việc đầu tư theo hình thức này đó là thị trường vốn có năng lực tài chính lớn hơn rất nhiều so với thị trường bảo hiểm. Chưa kể, một số ưu điểm khác như hình thức đầu tư này đa dạng hóa được nguồn bảo vệ và bảo vệ trong nhiều năm; độc lập hơn với thị trường tái bảo hiểm và giá cả được bảo đảm trong nhiều năm; giảm chi phí vốn trong một số trường hợp.