Hiện còn quá sớm để có nhận định về kỳ tái tục, các dự báo về xu hướng thị trường, cũng như chiến lược tái tục của từng hãng thường sẽ được công bố vào giữa tháng 10. Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, với tần suất thiên tai ngày càng nhiều trên phạm vi toàn thế giới, có khả năng các nhà tái bảo hiểm sẽ tăng phí và áp dụng các hạn mức thấp hơn cho rủi ro thiên tai.
Ngoài ra, đối với thị trường Việt Nam, tổn thất do cháy và thiên tai cũng có xu hướng gia tăng, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản cũng vẫn là nghiệp vụ có tỷ lệ tổn thất cao, vì vậy, khả năng tăng phí hoặc thắt chặt điều kiện nhận tái bảo hiểm có thể xảy ra. Tỷ lệ bồi thường những nghiệp vụ này những năm gần đây thường rơi vào mức 30-40%/tổng doanh thu. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm cháy nổ là hơn 30%.
6 tháng đầu năm 2016, doanh thu nhận tái bảo hiểm trong nước của toàn thị trường là hơn 694 tỷ đồng, doanh thu nhận tái bảo hiểm ngoài nước là hơn 477 tỷ đồng; trong khi đó, doanh thu nhượng tái bảo hiểm trong nước là hơn 2.000 tỷ đồng, doanh thu nhượng tái bảo hiểm ngoài nước là hơn 3.800 tỷ đồng…
Thực tế, những tổn thất thuộc Cat 3 và Cat 4 (phân loại mức độ rủi ro trong bảo hiểm) với thị trường bảo hiểm Việt Nam trong vài năm là rất lớn. Chính vì vậy, hiện nay, một số công ty bảo hiểm hiện không muốn bán bảo hiểm cho những doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao như vậy nữa.
Việc kiểm soát khá chặt chẽ những hợp đồng bảo hiểm này không chỉ bởi các vụ tổn thất như vậy xảy ra ngày càng nhiều, với mức độ thiệt hại lớn, mà còn vì những năm gần đây, các công ty bảo hiểm trong nước đã nhận được cảnh báo từ các nhà tái bảo hiểm quốc tế đối với những đơn hàng này.
Bên cạnh đó, các nhà tái bảo hiểm quốc tế cũng đưa ra những điều khoản, điều kiện rất chặt chẽ trước khi nhận các hợp đồng tái bảo hiểm từ trong nước, thậm chí là giảm khả năng nhận tái bảo hiểm và tăng thêm phí nhận tái bảo hiểm…
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn trên thị trường cho biết, một số công ty tái bảo hiểm lớn thậm chí còn phân loại lại các nhóm rủi ro đối với tài sản. Nếu như trước đây, thị trường chỉ phân loại thành 4 nhóm rủi ro chính, thì hiện nay, họ tách nhóm rủi ro thứ 4 (nhóm có mức độ rủi ro cao nhất) được tách thành 2 nhóm nhỏ. Nhóm cuổi cùng dành cho những tài sản có nguy cơ cao nhất như gỗ, giấy, bông… sẽ có quy định vô cùng chặt chẽ về các điều kiện điều khoản. Đối với những doanh nghiệp mua bảo hiểm đã từng bị nhiều tổn thất liên quan đến tài sản thì cũng sẽ bị giám sát rất chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động bồi thường.
Hiện nay, thị trường đang chờ đón một thông tư mới của Bộ Tài chính về việc quy định biểu phí bắt buộc đối với bảo hiểm xây dựng. Quy định này được kỳ vọng sẽ đem lại sự ổn định cho thị trường bảo hiểm, giảm bớt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, quy định cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc làm việc với các nhà tái bảo hiểm quốc tế.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu nhận tái bảo hiểm trong nước của toàn thị trường là hơn 694 tỷ đồng, doanh thu nhận tái bảo hiểm ngoài nước là hơn 477 tỷ đồng; trong khi đó, doanh thu nhượng tái bảo hiểm trong nước là hơn 2.000 tỷ đồng, doanh thu nhượng tái bảo hiểm ngoài nước là hơn 3.800 tỷ đồng…
Đại diện một công ty bảo hiểm cho biết, hiện tại, quan hệ nhận/nhượng tái bảo hiểm giữa các công ty trong nước tập trung nhiều đối với các dịch vụ tạm thời, tái bảo hiểm cố định (Treaty) có nhưng không nhiều và tập trung ở 2 công ty là Vinare và PVI Re. Năng lực của 2 công ty này cũng phụ thuộc vào năng lực họ có từ thị trường nước ngoài, nên dự đoán cũng không có thay đổi nhiều so với năm trước. Các công ty bảo hiểm gốc không nhận Treaty của nhau để tránh tích tụ rủi ro.
“Đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn lựa chọn những doanh nghiệp tái bảo hiểm uy tín thế giới để triển khai các dịch vụ lớn. Đối với các dịch vụ nhỏ hơn, họ sẽ ưu tiên hợp tác với công ty tái bảo hiểm Việt Nam vì có được sự hỗ trợ nghiệp vụ, giám định nhanh chóng và thuận tiện hơn các công ty tái bảo hiểm quốc tế”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết.