Quy định “vênh” nhau, gây mâu thuẫn kéo dài
Kể từ Luật Doanh nghiệp 2005, quyền của cổ đông được chia thành 2 nhóm: Quyền chung của mọi cổ đông và quyền riêng dành cho cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên. Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014 hiện nay đều quy định mở đối với cổ đông sở hữu từ 10%, trong khi doanh nghiệp có thể quy định một tỷ lệ khác, nhỏ hơn tại Ðiều lệ công ty. Nhưng thực tế, cơ bản các doanh nghiệp đều áp dụng tỷ lệ 10%.
Theo đó, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 10% vốn điều lệ công ty có quyền đề cử, ứng cử, yêu cầu triệu tập Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) bất thường, xem xét trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính, báo cáo của Ban Kiểm soát; yêu cầu Ban Kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty... Riêng đối với các công ty đại chúng, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 95/2017/TT-BTC về hướng dẫn về quản trị công ty đại chúng, kèm theo Ðiều lệ mẫu và tỷ lệ này được quy định là 5%.
Tuy nhiên, một số trường hợp công ty đại chúng viện dẫn Ðiều lệ mẫu chỉ có tính chất tham khảo và chỉ chấp nhận áp dụng Luật Doanh nghiệp để quy định tỷ lệ 10%. Việc này dẫn đến mâu thuẫn kéo dài giữa công ty và cổ đông. Cổ đông liên tục kiến nghị gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, công ty đại chúng phải tuân thủ các quy định về quản trị đối với công ty đại chúng, phải áp dụng Ðiều lệ mẫu.
Báo Ðầu tư Chứng khoán từng phản ánh trường hợp một doanh nghiệp trong ngành xi măng đã niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) đưa ra quy chế bầu cử, quy định tỷ lệ ứng cử, đề cử 10%. Một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% đã phản ứng với quy định này và cho rằng, công ty niêm yết phải áp dụng Ðiều lệ mẫu và áp dụng tỷ lệ 5%.
Vụ việc chỉ kết thúc khi UBCK có văn bản yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định liên quan. Chính vì vậy, việc dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư sửa đổi quy định này, đưa tỷ lệ 10% xuống 1% nhận được sự ủng hộ của các cổ đông nhỏ.
Một nhà đầu tư có hơn 10 năm liên tục tham gia đầu tư chứng khoán cho biết, trong quá trình đầu tư, ông đã nhiều lần gặp khó trước tình trạng doanh nghiệp không minh bạch, kết quả kinh doanh thua lỗ và có nhiều điểm đáng ngờ, thậm chí ngay cả những quyết định quan trọng như sáp nhập, hợp nhất công ty cũng không tuân thủ quy định. Nhưng do không thể tập hợp đủ lượng cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định nên không thể khởi kiện.
Theo nhà đầu tư này, quy định tỷ lệ 1% giúp bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ, khiến việc giám sát chặt chẽ hơn, doanh nghiệp phải minh bạch, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật.
Ðiều chỉnh quyền đề cử Hội đồng quản trị theo tỷ lệ sở hữu về 1% là hợp lý
Luật sư Trương Thanh Ðức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết: “Từng có đề xuất nên xóa bỏ việc quy định tỷ lệ 10%, mà chỉ cần là cổ đông thì đều có các quyền đề cử, ứng cử, yêu cầu triệu tập Ðại hội... Tuy nhiên, tôi cho rằng, mọi cổ đông đều có quyền này là không phù hợp. Việc đưa ra tỷ lệ 1% là hợp lý, vừa đảm bảo cổ đông có trách nhiệm với quyết định của bản thân, vừa đảm bảo mở rộng quyền cho cổ đông nhỏ”.
Ðược biết, việc điều chỉnh quyền đề cử Hội đồng quản trị từ 10% sở hữu xuống 1 % là vấn đề nhận được nhiều đề nghị từ doanh nghiệp, cũng như cộng đồng cổ đông nhỏ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần phải cân nhắc và quy định một tỷ lệ phù hợp đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích giữa cổ đông nhỏ và cổ đông lớn, tránh tình trạng cổ đông mỗi người một ý, gây cản trở doanh nghiệp.
Theo Luật sư Dương Thị Thu Thủy (Ðoàn Luật sư Hà Nội), nhìn chung, cổ đông nhỏ chỉ mong muốn doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin, kinh doanh hiệu quả, có cổ tức, thị giá cổ phiếu tăng. Do đó, nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật về công bố thông tin, hoạt động có hiệu quả thì khó có chuyện cổ đông cản trở, gây khó khăn.
Cách đây ít lâu, chia sẻ tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về những điểm nên sửa đổi trong Luật Doanh nghiệp, ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc điều chỉnh quyền đề cử Hội đồng quản trị từ 10% sở hữu xuống 1 % là nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi giữa cổ đông nhỏ và cổ đông lớn.
“Việc giảm tỷ lệ nắm giữ bắt buộc là cần thiết, nhưng vẫn phải có một mức sở hữu nhất định. Việc không quy định mọi cổ đông chỉ cần nắm giữ cổ phần là có các quyền nêu trên là nhằm hạn chế hành vi phá rối, cản trở doanh nghiệp. Ðiều này là cần thiết để cân bằng giữa việc bảo vệ cổ đông nhỏ và quyền của doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải hành động cẩn trọng hơn, chuyên nghiệp hơn
Luật sư Dương Thị Thu Thủy, Đoàn Luật sư Hà Nội
Trong thực tế hoạt động hiện nay của các công ty cổ phần, việc tập hợp được nhóm cổ đông sở hữu đủ 10% số cổ phần là không dễ. Dự thảo cho luật Doanh nghiệp mới đặc biệt hữu ích đối với các công ty đại chúng, cổ đông không cần đến tỷ lệ lớn như trước kia, mà chỉ cần tập hợp thành nhóm đủ 1% đã có thêm một số quyền, giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của cổ đông tốt hơn, giúp việc giám sát doanh nghiệp chặt chẽ hơn.
Từ có cơ chế dễ dàng hơn để cổ đông giám sát hoạt động doanh nghiệp dẫn tới việc ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải hành động cẩn trọng hơn, chuyên nghiệp hơn để thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Hoạt động của doanh nghiệp vì thế sẽ minh bạch hơn, đảm bảo quyền lợi của các cổ đông nói chung, quyền lợi giữa cổ đông nhỏ và cổ đông lớn sẽ được cân đối hài hòa hơn. Việc các cổ đông dễ dàng hơn trong đề cử đại diện ứng cử vào Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát sẽ giúp cổ đông gắn bó hơn với hoạt động của doanh nghiệp. Họ sẽ nghiêm túc hơn trong đầu tư, hướng đến tương lai dài lâu của doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn thuận là đầu tư tài chính hay đầu cơ, lướt sóng như trước đây.
Từ trước đến nay, trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh, Việt Nam thường không được xếp thứ hạng cao do điểm số về việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư không cao. Việc Dự thảo giảm xuống một tỷ lệ nhỏ hơn 10% là hợp lý và có thể sẽ giúp Việt Nam đạt được nhiều điểm số tốt hơn trong đánh giá tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư. Ðiều đó có thể giúp Việt Nam được nâng bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh, từ đó gián tiếp góp phần thu hút luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Dẫu vậy, việc giảm tỷ lệ từ 10% xuống 1% là một sự thay đổi lớn, có thể không phù hợp với tất cả doanh nghiệp. Do đó, nên chăng tỷ lệ này nằm trong khoảng 3-5% thì sẽ phù hợp hơn với thực tiễn doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
Ðặc biệt, đối với quy định về điều kiện chủ thể có quyền khởi kiện ra tòa để hủy nghị quyết ÐHCÐ, Luật đang quy định tỷ lệ 10% là quá lớn, không những cổ đông khó lòng tập hợp đủ nhóm 10% để theo kiện ở tòa, đó còn là vi phạm về quyền cơ bản của cổ đông, mà trước hết họ là một công dân, bởi Ðiều 30 - Hiến pháp, mọi người đều có quyền khiếu nại, tố cáo những việc làm trái pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Vì vậy, khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, nên trở lại như Luật Doanh nghiệp 2005: Bất cứ cổ đông nào thấy ÐHCÐ được tổ chức sai luật thì đều có quyền khởi kiện ra tòa đề nghị hủy nghị quyết ÐHCÐ. Như vậy, sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp cố tình làm sai vì biết rằng, dù có tổ chức ÐHCÐ sai luật thì cổ đông cũng khó có thể khởi kiện được để hủy nghị quyết ÐHCÐ.
Thực tế, có công ty cổ phần tổ chức ÐHCÐ nhưng không công bố tài liệu họp, nhiều cổ đông không nhận được giấy mời họp, nhưng cũng không thể khởi kiện vì không tập hợp đủ tỷ lệ cần thiết. Do dó, quy định trên góp phần buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, phải tôn trọng và đảm bảo quyền lợi của tất cả các cổ đông.