Xét ở góc độ tương tác thì mùa đại hội là điểm đến mà cổ đông và ban lãnh đạo có thể dành nhiều thời gian nhất để tổng kết và trao đổi với nhau. Các kênh khác như phương tiện truyền thông, các báo cáo hay những buổi gặp gỡ của doanh nghiệp với chuyên viên phân tích có thể chưa thực sự khách quan.
Cổ đông gửi email tới bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) có xác suất cao là không nhận được câu trả lời, hoặc nhận được nhưng trả lời qua loa, không cặn kẽ, vì bộ phận này là những người làm việc theo chỉ đạo, chỉ được phép trả lời các thông tin trong quyền hạn của mình. Họp đại hội mang đến cơ hội tương tác trực tiếp, tai nghe mắt thấy để cổ đông có thể gửi gắm và đặt niềm tin dài hạn vào công ty. Tuy nhiên, đại hội năm 2019 của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của cổ đông.
Địa điểm
Các doanh nghiệp thường chọn địa điểm họp tại các thành phố lớn, đổ dồn về TP.HCM và Hà Nội, nhưng không ít doanh nghiệp chọn địa điểm họp gần trụ sở chính, có thể nằm ở khu vực miền Trung, miền Tây Nam Bộ, khiến cho cổ đông khó lòng đi họp. Việc tổ chức tuy đỡ tốn kém, nhưng rất khó để tập hợp được một số lượng lớn cổ đông, trừ khi công ty đã rất lớn và nổi tiếng.
Một nguyên nhân khác, có thể đây là doanh nghiệp mà quyền sở hữu tập trung chủ yếu trong tay các thành viên trong gia đình, nên không nhất thiết phải giải trình với các cổ đông nhỏ lẻ, chỉ cần ngồi “ăn trưa” là cũng có thể họp đại hội một cách hợp pháp.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho đa số cổ đông, doanh nghiệp nên xem xét các cổ đông tập trung ở vùng, miền nào nhiều nhất, qua đó chọn địa điểm họp phù hợp.
Thời gian
Cấu trúc tổ chức về mặt thời gian của cuộc họp thông thường đi theo thứ tự tổng kết kết quả hoạt động, thành tựu của toàn doanh nghiệp, báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, bỏ phiếu thông qua các tờ trình, hỏi đáp và bỏ phiếu bầu các thành viên mới vào ban quản trị.
Một buổi họp thường kéo dài từ 3 - 4 tiếng, nhưng phần hấp dẫn nhất liên quan tới việc hỏi đáp với ban lãnh đạo chỉ chiếm 1/3 thời lượng cho cả một năm hoạt động với nhiều sự kiện xảy ra, xuất phát từ cả hai phía, doanh nghiệp và cổ đông.
Nếu trả lời các câu hỏi cặn kẽ, chi tiết, hay trả lời “hời hợt” đều nhận được sự đồng ý của các cổ đông, thì có lẽ trả lời ngắn gọn sẽ tạo sự thoải mái và đỡ mất thời gian hơn nhiều cho ban lãnh đạo. Điều này thể hiện một phần sự quan tâm của họ tới các cổ đông và bởi vì cách tư duy “cổ đông cũng chỉ là cổ đông”. Tư duy như vậy cần được thay đổi, thay vào đó, nên coi mọi cổ đông như là một đối tác của công ty, có thái độ “win-win” và tận tụy.
Một kinh nghiệm quốc tế đáng học hỏi là tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Công ty Berkshire Hathaway, Warren Buffett và Charlie Munger thường chỉ dành khoảng 30 phút để tổng kết, còn lại là thời gian để trả lời các câu hỏi của cổ đông, kéo dài 5 - 6 tiếng. Đây là một trong những lý do giúp cấu trúc cổ đông của Berkshire có hơn 90% là các cổ đông dài hạn.
Cũng có những đại hội nhận được sự thờ ơ của chính cổ đông đối với quyền lực của mình, hoặc sự mù mịt của họ đối với các vấn đề của công ty. Các cổ đông nhỏ lẻ có thể chưa quan tâm đúng mức hoặc chưa đủ chuyên môn để đặt những câu hỏi gây áp lực lên ban lãnh đạo. Các cổ đông là tổ chức chuyên nghiệp nếu tham gia tích cực hơn thì bức tranh của công ty sẽ rõ ràng hơn.
Bầu cử
Các cổ đông thường có ít thông tin để ra quyết định bầu nhân sự chủ chốt vào hội đồng quản trị. Các tờ trình chỉ giới thiệu sơ lược về vai trò, vị trí được bầu, mà không nêu rõ lịch sử, thành tích, chi tiết công việc sẽ đảm nhận là như thế nào. Cơ chế bầu thì theo quy trình là cổ đông nghe giới thiệu xong rồi xếp hàng bỏ phiếu vào thùng, số lượng quyền biểu quyết tương ứng với số lượng cổ phần nắm giữ.
Đối với trường hợp bầu 1 - 2 thành viên, quyền lực của cổ đông nhỏ lẻ gần như không có. Một số công ty bầu một lúc một danh sách các thành viên, nếu không có cơ chế bầu dồn phiếu thì câu chuyện quay trở lại như cũ, quyền lực cổ đông nhỏ lẻ gần như bằng 0.
Hiện nay, trên 80% doanh nghiệp Việt Nam là công ty gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số thành viên trong ban điều hành có tuổi đời rất trẻ, chỉ có vai trò đứng tên sở hữu cổ phần cho đủ số lượng, chứ không rõ chức năng, nhiệm vụ của họ là gì trong bộ máy.
ESOP, lương thưởng
Kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) chủ yếu dành cho ban lãnh đạo gắn bó lâu năm với công ty, nhằm níu giữ và tạo động lực cho họ cống hiến lâu dài hơn. Điều này là bình thường, vì “người có công có của”, nhưng vấn đề là danh sách cụ thể không được công bố. Thông thường, các công ty công bố tỷ lệ phần trăm số lượng cổ phiếu sẽ phát hành, mà không công bố danh sách các cán bộ được nhận quyền lợi này. Đối với cổ đông, đây là một loại chi phí cần được thông tin rõ ràng và chi cho xứng đáng.
Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) năm nay đã thay đổi chính sách ESOP.
Chính sách cũ là chia thưởng bằng tiền hoặc ESOP cố định 3 năm/lần, nếu Ban lãnh đạo hoàn thành vượt kế hoạch, mức thưởng 20% khoản lợi nhuận vượt. Chính sách mới của PNJ là ESOP từng năm một để người được nhận thưởng không phải chờ quá lâu, mỗi phần trăm vượt kế hoạch lợi nhuận sẽ nhận thêm 0,03% số lượng cổ phần phát hành thêm và tổng lượng ESOP không được vượt quá 1,5%.
Với các chính sách thưởng cho ban lãnh đạo, cổ đông cần xem xét kế hoạch kinh doanh có phù hợp với tình hình hiện tại của công ty hay không, tránh trường hợp kế hoạch lợi nhuận đặt ra quá thấp để phần thưởng đạt được một cách dễ dàng.
Báo cáo của hội đồng quản trị
Một bản báo cáo thống kê các công việc đã làm trong năm qua, một năm họp bao nhiêu lần đã quá quen thuộc, thay vào đó, hội đồng quản trị cần nói nhiều hơn về các việc chưa hoàn thành, đồng thời nêu rõ phương hướng hoạt động trong năm mới.
Cổ đông cũng muốn nhận được bảng đánh giá hiệu quả công việc (KPI) của ban lãnh đạo để chứng minh rằng công ty có một quy trình chuyên nghiệp, chuẩn mực.
Trong một số trường hợp, vướng mắc trong quy trình, chậm trễ trong luồng thông tin nội bộ là rào cản cho sự tăng trưởng, chứ không phải vấn đề nằm ở chiến lược kinh doanh.
Các hoạt động xã hội
Một tổ chức vững mạnh không chỉ trên khía cạnh sản xuất - kinh doanh, mà còn mang trên mình trách nhiệm xã hội. Cách làm bình thường là doanh nghiệp sẽ dành một khoảng ngân sách nhất định hàng năm để thực hiện công tác xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến cổ đông về công tác này, tập trung vào các hoạt động/đối tượng nào.
Hàng năm, Berkshire đều lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về những hoạt động xã hội mà công ty sẽ triển khai, ngân sách bao nhiêu, dành cho đối tượng cụ thể nào… Dựa trên cơ sở số đông, Công ty có thể ra quyết định tốt hơn và làm hài lòng nhiều cổ đông hơn.