Nông nghiệp, dệt may, điện tử hưởng lợi lớn
Ông Bernd Lange cho biết, hiện EU đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với 44 quốc gia trên thế giới. Tại khu vực châu Á, ngoài Việt Nam, EU đã ký kết FTA với Nhật Bản, Singapore. Mỗi hiệp định có những thỏa thuận khác nhau bởi được ký ở thời điểm khác nhau.
Cán cân quyền lợi cũng có sự khác nhau, khi ký với các nước đang phát triển, thỏa thuận trong hiệp định thương mại tự do thường tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nước này.
Chia sẻ lời khuyên với doanh nghiệp Việt Nam để tránh hàng hóa xuất sang EU bị trả về, ông Bernd Lange cho rằng, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Hiệp định.
Tuy nhiên, theo đại diện EU, điều này cần nỗ lực từ hai phía. EU sẽ có những chính sách hỗ trợ xây dựng năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Xây dựng năng lực là một yếu tố đặc biệt quan trọng, chúng tôi sẽ có những dự án cụ thể và chuẩn bị nguồn tài chính cho vấn đề này, có dự án ngân sách vài triệu uuro”, ông Bernd Lange cho biết.
Nông nghiệp, dệt may và hàng điện tử là ba nhóm mặt hàng được đại diện EU xác định sẽ được hưởng lợi nhiều nhất tại EVFTA.
Với lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch INTA cho biết, trước mắt, EU sẽ có những hướng dẫn rất cụ thể để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đảm bảo các tiêu chí xuất xứ, chất lượng sản phẩm để hàng hóa có thể đáp ứng tiêu chuẩn vào thị trường EU. Sau lúa gạo, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp khác từ Việt Nam.
Năng lượng sạch cũng là lĩnh vực được EU xác định Việt Nam có nhiều lợi thế như năng lượng gió, năng lượng ngoài khơi, khí sạch bigogas… Ðại diện INTA cho biết, khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ triển khai chương trình trao đổi hỗ trợ năng lượng, giúp các doanh nghiệp thực hiện dự án năng lượng sạch có thêm năng lực phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ
Cũng theo Chủ tịch INTA, sẽ có những hàng rào kỹ thuật được đặt ra với hàng hóa Việt Nam và doanh nghiệp Việt cần có những chuẩn bị, tìm hiểu và nâng cao năng lực để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe đó.
Nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều dư địa tăng trưởng, nếu đạt được các chuẩn mực chung mà EVFTA đưa ra, doanh nghiệp sẽ rộng đường đưa sản phẩm vào thị trường EU. EVFTA dành hẳn một chương (chương 13) về thương mại và phát triển bền vững, bao gồm các cam kết liên quan đến phát triển bền vững với 17 điều.
“Gian lận thương mại là vấn đề EU lưu tâm. Ở ngành gỗ thường xảy ra câu chuyện này, cần có sự hợp tác chặt chẽ và có niềm tin lớn của hai bên để tránh gian lận xảy ra. Một lĩnh vực khác nữa là dệt may, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về dệt may và nêu rõ ràng quy trình các bước kiểm duyệt, những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc đội nhãn mác Việt Nam không coi là hàng Việt Nam. Ðây là vấn đề phức tạp, nhưng phải làm chuẩn chỉnh, không để những doanh nghiệp mưu toan đi cửa sau để vào châu Âu”, ông Bernd Lange chia sẻ.
Trao đổi riêng với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Bernd Lange cho hay, tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp dệt may Việt Nam vào thị trường EU là rất lớn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên chỉ tận dụng lợi thế về nhân công giá rẻ, gia công, mà cần chú trọng quy tắc xuất xứ, có những sản phẩm chủ động trong sản xuất (từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm) để hưởng lợi tối ưu trong EVFTA.
Ông Bernd Lange khẳng định, Việt Nam đã có những động thái tích cực với EVFTA. Việt Nam đã thảo luận về ba công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), vốn nằm trong đàm phán giữa hai bên. Trong đó có một công ước được đưa vào dự thảo Luật Lao động sửa đổi.
“Những nỗ lực của Việt Nam làm cho châu Âu tin tưởng hơn”, ông Bernd Lange nhấn mạnh.