Phát triển bền vững, bắt đầu từ đâu?

(ĐTCK) Một chiến lược phát triển bền vững được gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu kinh doanh là điều kiện tiên quyết cho thành công lâu dài của doanh nghiệp.
Phát triển bền vững, bắt đầu từ đâu?

Để có được một chiến lược phát triển bền vững, các doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu?

Trước hết, các cấp quản trị và điều hành doanh nghiệp cần nhận thức được rằng, phát triển bền vững phải gắn với chiến lược kinh doanh.

Chẳng hạn, doanh nghiệp không thể một mặt sản xuất, kinh doanh thiếu trách nhiệm với môi trường - xã hội, một mặt lại đẩy mạnh các hoạt động từ thiện để xây dựng hình ảnh thương hiệu. Như vậy là không đi vào đúng thực chất của phát triển bền vững.

Để xây dựng một chiến lược phát triển bền vững, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỳ vọng của các nhà đầu tư, các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác như nhân sự, khách hàng và cộng đồng, nhằm xác định xem chiến lược kinh doanh đã phản ánh được các giá trị phát triển bền vững đến mức độ nào.

Doanh nghiệp cần đánh giá được đâu là những lĩnh vực còn hạn chế, đâu là những lĩnh vực cần ưu tiên nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược phát triển bền vững dựa trên mô hình phổ biến hiện nay gồm 3 yếu tố: môi trường, xã hội, quản trị.

Một chiến lược phát triển bền vững hiệu quả sẽ bao gồm các sáng kiến có tính khả thi cao, các công cụ hỗ trợ, các mốc triển khai, các chỉ số đánh giá hiệu quả và những mục tiêu có thể đo lường được.

Trên thế giới, các doanh nghiệp tiên phong đang tích hợp các chỉ số đo lường về phát triển bền vững vào các mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp. Qua đó, họ tìm cách đạt được hiệu quả về tài chính, hoạt động và phát triển bền vững cùng một lúc.

Chiến lược phát triển bền vững nên cân nhắc đến những vấn đề cụ thể nào về môi trường, xã hội và quản trị?

Yếu tố môi trường bao gồm những vấn đề như ô nhiễm đất, không khí và nước; quản lý, tái chế và tái sử dụng rác thải; mức độ và hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và năng lượng; quản lý các tài nguyên thiên nhiên khan hiếm; biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải carbon; quản lý các hóa chất độc hại...

Yếu tố môi trường đòi hỏi chiến lược phát triển bền vững phải hướng tới cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Yếu tố xã hội bao gồm cách đối xử với nhân viên; vấn đề sức khỏe và an toàn; điều kiện lao động; quyền con người; tính bình đẳng và đa dạng; cách đối xử với khách hàng, nhà cung ứng và cộng đồng... Yếu tố xã hội chú trọng vào sự phát triển công bằng, thuận lợi cho con người và cộng đồng.

Yếu tố quản trị bao gồm việc quản lý các vấn đề môi trường và xã hội; chống hối lộ và tham nhũng; đạo đức kinh doanh; tính tuân thủ pháp lý; tính minh bạch; các biện pháp kiểm soát và chính sách nội bộ...

Trên thực tế, chiến lược phát triển bền vững khó có thể bao quát được mọi yếu tố ở mức độ cao nhất. Do vậy, doanh nghiệp sẽ cần xác định đâu là những lĩnh vực hay đầu mục ưu tiên.

Vai trò của hội đồng quản trị trong việc thực thi chiến lược phát triển bền vững là gì?

Hội đồng quản trị có trách nhiệm thảo luận và phê duyệt chiến lược phát triển bền vững để đảm bảo gắn kết với chiến lược doanh nghiệp. Hội đồng quản trị cần thúc đẩy hiệu quả triển khai chiến lược này thông qua việc thiết lập KPI về phát triển bền vững cho hội đồng quản trị và ban lãnh đạo cấp cao.

Trong quá trình triển khai, hội đồng quản trị cũng cần thường xuyên giám sát việc quản lý các vấn đề phát triển bền vững trọng yếu thông qua các quy trình, biện pháp kiểm soát và thông tin đo lường bài bản.

Hội đồng quản trị sẽ cần rà soát hiệu quả của các sáng kiến phát triển bền vững và đưa ra khuyến nghị cải thiện, cũng như khuyến khích báo cáo minh bạch và đảm bảo với bên cung cấp dịch vụ đảm bảo để tăng độ tín nhiệm.

Đặc biệt, hội đồng quản trị cũng có vai trò gắn kết với các bên có quyền lợi liên quan và phổ biến kiến thức về cách phát triển bền vững mang lại giá trị dài hạn cho công ty.

Mọi câu hỏi về quản trị công ty và các vấn đề liên quan, độc giả vui lòng gửi về địa chỉ vn.enquiries@vn.pwc.com để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của PwC.

PwC Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ