Vì sao các nhà quản trị cần quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững?
Yêu cầu phát triển bền vững trước hết đến từ nền kinh tế và xu hướng toàn cầu.
Là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào tiến trình hiện thực hóa 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) thông qua việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững.
Mỗi doanh nghiệp, mỗi thành viên của nền kinh tế đều có trách nhiệm đóng góp nỗ lực để thúc đẩy chương trình nghị sự chung của quốc gia.
Trong quá khứ, việc theo đuổi chiến lược và công bố thông tin phát triển bền vững có thể là lựa chọn không bắt buộc đối với các doanh nghiệp, nhưng ngày nay, nó đã trở thành một lăng kính để các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý đánh giá doanh nghiệp.
Yêu cầu phát triển bền vững xuất phát từ thực tế rằng doanh nghiệp không hoạt động trong sự cô lập.
Mỗi quyết định của doanh nghiệp đều có tác động nhất định đến xã hội, môi trường và các bên có quyền lợi liên quan như người lao động, khách hàng, nhà cung ứng...
Doanh nghiệp phụ thuộc vào môi trường và xã hội để có được nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực và nguồn khách hàng cho hoạt động của mình. Họ cũng chia sẻ các yếu tố này với các thành viên khác trong nền kinh tế.
Sự kết nối, thậm chí là phụ thuộc và tương tác lẫn nhau giữa tất cả các bên có quyền lợi liên quan này là rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển bền lâu của doanh nghiệp.
Hơn nữa, chiến lược phát triển bền vững có thể đem lại những lợi ích thiết thực cho bản thân doanh nghiệp.
Theo một khảo sát do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) và DNV-GL công bố năm 2018, có đến 91% doanh nghiệp cho rằng việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sẽ giúp nâng cao danh tiếng và sự đồng thuận của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp;
87% kỳ vọng sẽ có thêm các cơ hội khác biệt hóa và tăng lợi thế cạnh tranh; 86% mong đợi sẽ xác định được các cơ hội kinh doanh và nguồn doanh thu mới.
Kinh nghiệm tư vấn của PwC cho thấy các doanh nghiệp thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo ra được các giá trị dài hạn, thông qua việc nắm bắt các cơ hội và quản lý các rủi ro phát sinh từ sự phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.
Dưới góc nhìn phát triển bền vững, giá trị của doanh nghiệp và giá trị mà doanh nghiệp tạo ra nên được nhìn nhận ra sao?
Khi xác định giá trị một doanh nghiệp, các nhà đầu tư giờ đây không chỉ nhìn vào các chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư như ROA (tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản), ROE (tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu) hay những con số trong báo cáo tài chính, mà còn quan tâm đến các thông tin phi tài chính và các giá trị vô hình.
Trong đó, phải kể đến những yếu tố thể hiện tính bền vững của doanh nghiệp như trách nhiệm với cộng đồng, hiệu quả bảo vệ môi trường, tầm nhìn của lãnh đạo, năng lực quản trị, tính minh bạch trong quản lý và công bố thông tin...
Trong con mắt các nhà đầu tư có tầm nhìn xa trông rộng, các giá trị vô hình và giá trị phi tài chính đó sẽ quý giá hơn những giá trị tài chính kế toán thông thường thể hiện trên sổ sách của doanh nghiệp.
Do vậy, các nhà quản trị công ty cũng cần thay đổi cách tư duy về giá trị của doanh nghiệp mình.
Trên thế giới, mô hình kinh doanh đang dần chuyển đổi từ việc chỉ tập trung vào giá trị cho cổ đông sang tập trung vào giá trị cho các bên có quyền lợi liên quan.
Nếu như trước đây, các doanh nghiệp thường tìm cách tối đa hóa giá trị cho cổ đông hay chủ sở hữu (tức tối đa hóa lợi nhuận) và bỏ qua các bên có quyền lợi liên quan khác thì giờ đây, các bên có quyền lợi liên quan đang ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn đến hoạt động và danh tiếng của doanh nghiệp.
Do đó, để đảm bảo thành công dài hạn, tôn chỉ hoạt động của doanh nghiệp phải là cân bằng lợi ích cho tất cả các bên có quyền lợi liên quan.
Mọi câu hỏi về QTCT và các vấn đề liên quan, độc giả vui lòng gửi về địa chỉ vn.enquiries@vn.pwc.com để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của PwC.