Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường phát triển bền vững 12.000 tỷ USD

Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, song doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp.

Với  chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững?

Chủ đề  “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” có nghĩa là chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn nữa để có thể hoàn thành các mục tiêu SDG.

Với tư tưởng đó, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận những chủ đề trọng điểm được quan tâm hiện nay, đó là nhân rộng ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, thúc đẩy mô hình đối tác công - tư giúp tăng năng suất và sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả hơn, xây dựng nguồn vốn nhân lực trong thời đại mới và vai trò của Chỉ số vốn con người.

SDG bao gồm 17 mục tiêu và tất cả 17 mục tiêu đều rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Hội nghị năm nay, chúng ta chỉ tập trung vào 3 vấn đề “nóng” nhất.

Ví dụ, nền kinh tế tuần hoàn được xem là chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đây cũng là xu hướng của các doanh nghiệp trên thế giới, tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang thực hiện.

Nền kinh tế tuần hoàn không những giúp tạo ra lợi nhuận, các mô hình kinh doanh tốt, mà còn tạo ra việc làm và các giá trị xã hội, thúc đẩy bảo vệ môi trường theo hướng phát triển kinh tế xanh. 

Nhìn lại quá trình vừa qua, ông đánh giá thế nào về việc tiếp cận các tiêu chí phát triển bền vững mới - Bộ chỉ số CSI của doanh nghiệp Việt Nam. Đâu là những khó khăn chủ yếu mà họ gặp phải?

Năm 2005, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát động Giải thưởng Trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp dệt may, da giày. Sau đó, chúng tôi mở rộng thành Chương trình Đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. 

Từ năm 2016, chúng tôi ra mắt Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI). Đây là bước đột phá, bởi CSI được thiết kế dành riêng cho các doanh nghiệp Việt Nam. CSI dễ áp dụng, không phân biệt quy mô, ngành nghề, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp.

Có thể nói, so với 1 - 2 thập kỷ trước, nhận thức và hành động của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều. Trước đây, đa số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến kinh doanh lỗ lãi, bây giờ họ quan tâm đến cả các yếu tố phi tài chính (giá trị xã hội, quan hệ lao động, bảo vệ môi trường…) vì họ nhận ra đó là những yếu tố tạo nên giá trị gia tăng, cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Nhìn vào danh sách doanh nghiệp tham gia đánh giá phát triển bền vững, thời gian đầu, đa số là doanh nghiệp FDI. Hiện nay tỷ lệ này có sự thay đổi như thế nào? Theo ông, điều kiện cần và đủ là gì để khuyến khích, nâng cao hơn nữa nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam, để họ xem đây là việc đương nhiên phải làm?

Những năm trước, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI tham gia đánh giá phát triển bền vững, nhưng gần đây, tỷ trọng doanh nghiệp Việt Nam tăng lên, thậm chí có nhiều doanh nghiệp SMEs cũng tham gia. Điều đó cho thấy, không chỉ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI mới đạt được phát triển bền vững, mà doanh nghiệp Việt Nam nếu chiến lược tốt, triển khai tốt thì vẫn trở thành doanh nghiệp bền vững.

Việt Nam đã tăng 3 bậc về chỉ số phát triển bền vững năm nay, đứng thứ 54 trong số 162 quốc gia trên thế giới. Điều đó cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các chỉ tiêu về phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển bền vững, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển bền vững, có nhiều chính sách khuyến khích cụ thể hơn. Ví dụ, khi doanh nghiệp đưa ra mô hình kinh doanh tốt, họ cần có sự hỗ trợ về hành lang pháp lý, những chính sách khuyến khích như tiếp cận đất đai, tiếp cận thị trường…. 

Chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước để có một hướng đi phù hợp, thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc nắm bắt được những cơ hội mới. Theo ước tính, thực hiện thành công 17 mục tiêu SDGs sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau vào năm 2030 và cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn là 4.500 tỷ USD/năm.

Bích Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục