Rối với thời hạn sở hữu chung cư

(ĐTCK) Quy định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư 70 năm trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo đã bị dư luận “ném đá” tơi bời thời gian qua, nay được sửa lại thành sở hữu theo tuổi thọ công trình cũng vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Chung quy cũng bởi tại quy định này đã “chọc” vào đúng khát vọng muôn đời của người Việt về một “tấc đất cắm dùi” hay là “của để dành” cho con cháu.
Rối với thời hạn sở hữu chung cư

Cách đây gần 30 năm, bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy đã thật sự là một “cơn địa chấn” trong làn sóng đổi mới. Hình ảnh khiến người xem xúc động là một người đàn bà quê ở Thái Bình đã phải tự chặt bỏ đi những ngón tay của mình vì bị chứng viêm tắc động mạch ngoại vi dẫn đến hoại tử, nhưng lại bị đồn rằng mắc bệnh hủi. Không có nguồn thu nhập, lại bị người đời ghẻ lạnh, người đàn bà đó đã muốn tìm đến cái chết.

Nhưng một phần lớn lý do kéo chị ở lại là khát vọng xây cho cậu con trai duy nhất một ngôi nhà. Vậy là ngày thì chạy chợ lo từng bữa ăn, đêm xuống chị tự mình đóng gạch. 1 vạn 8 ngàn viên gạch đã ra lò qua bàn tay gần như không còn một ngón nào của người đàn bà ấy. Và cứ mỗi viên gạch được hoàn thành, thì khát vọng sống của chị lại càng lớn lên, để đến hôm nay, chị đã trở thành một tỷ phú trên quê lúa.

Câu chuyện trên ngoài thể hiện nghị lực phi thường để vượt qua khó khăn trong cuộc sống của người đàn bà ấy, còn ẩn chứa một khát khao của đa số người dân Việt là mong muốn có được một ngôi nhà để lại cho con. Vì vậy, cũng thật dễ hiểu khi phóng viên Đầu tư Bất động sản hỏi ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Công ty tư nhân số 1 Lai Châu, chủ đầu tư của nhiều khu chung cư đình đám như Xa La, Đại Thanh… có bình luận gì về quy định sở hữu chung cư có thời hạn, thì vị doanh nhân “hút thuốc lào đi xe Rolls-Royce” này đã nói ngay rằng : “Những người làm luật chẳng hiểu gì về người Việt cả”.

“Tại sao Bộ Xây dựng lại đưa ra quy định như vậy trong bối cảnh thị trường bất động sản đang rất khó khăn, thanh khoản kém, niềm tin của khách hàng đang lung lay”, ông Thản nói và chất vấn, tại sao lại là 50 hay 70 năm, mà không là hàng trăm năm, bởi công nghệ xây dựng giờ đã khác xưa, tuổi thọ công trình có thể nói là hàng trăm năm hoặc vĩnh cửu.

Ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thái Minh Quang thì cho rằng, quy định này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường bất động sản. Lấy ví dụ về Dự án Eurowindow trên đường Trần Duy Hưng có 2 phần, phần sở hữu vĩnh viễn thì bán hết vèo, còn phần sở hữu 50 năm thì chẳng ai mua, sau chủ đầu tư phải xin chuyển đổi thành sở hữu vĩnh viễn mới bán được. Ông Giang cho rằng, chắc chắn Luật sẽ không hồi tố, khi đó sẽ có sự chênh lệch giá rất lớn đối với căn hộ sở hữu có thời hạn và vô thời hạn.

Về phía cơ quan soạn thảo luật, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Ban soạn thảo đã quyết định bỏ nội dung quy định sở hữu chung cư 70 năm.

Thay vào đó, Dự thảo quy định nhà chung cư có thời hạn sử dụng theo phân cấp công trình xây dựng. Khi hết thời hạn sử dụng, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm định lại chất lượng. Trường hợp còn bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trong kết quả kiểm định.

Quy định này được nhiều doanh nghiệp tham gia cải tạo, xây dựng chung cư cũ ủng hộ, bởi nó giải quyết được những vướng mắc, khó khăn của họ.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, biện pháp mang tính dài hơi hơn là phải tuyên truyền để dần thay đổi được thói quen muốn sở hữu nhà ở của người dân. “Ở các nước, chỉ có khoảng 20 - 30% người dân sở hữu về nhà ở, còn lại là đi thuê, nhưng ở ta thì ngược lại, chỉ có 15% người dân chấp nhận đi thuê nhà , còn lại 85% là muốn sở hữu”, ông Nam nói và nhận định, chỉ khi nào đảo ngược được tỷ lệ này thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Tuy nhiên, đó là góc nhìn từ cơ quan quản lý, tạo thuận lợi trong việc quản lý. Còn với người dân, thật khó để thuyết phục họ khi đã bỏ ra hàng tỷ đồng mua căn hộ chung cư, để rồi biết rằng chỉ được "thuê" có thời hạn.

Chưa kể việc "ứng xử" ra sao giữa các tòa chung cư trước và sau khi quy định này có hiệu lực cũng là điều cần tính đến!                  

Minh Nhật

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục