Dù có ở mức độ nào, các vụ án đều là minh chứng cho những rủi ro pháp lý biến hóa đa dạng và ẩn náu trong hoạt động thường ngày của mỗi DN, doanh nhân. Vận dụng sáng tạo pháp luật, lách luật hay vi phạm luật, đôi khi chỉ là những ranh giới hết sức mong manh.
1. Khi những ngày Tết Ất Mùi đến gần, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử Nguyễn Hồng Anh (tức Lisa Nguyễn), cựu Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cascon. Bà Hồng Anh bị quy kết bán tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay tại Công ty Tài chính Vinashin (VFC) gây thiệt hại 32,2 tỷ đồng. Người đàn bà nổi tiếng một thời này trả lời rõ rành, mạch lạc xung quanh hai hành vi bị truy tố. Nhưng cuối cùng bà cũng không giữ được bình tĩnh và bật khóc khi nói về những khốn khó, nỗi chờ mong một cơ hội giải quyết hậu quả, nhằm gỡ xuống khỏi vai gánh nặng trách nhiệm hình sự.
Vào năm 2007, Công ty Cascon đã vay vốn của VFC dùng hàng hóa trong kho làm tài sản bảo đảm. Đó là thép cuộn nhập về để sản xuất và bán container thành phẩm. Bà Hồng Anh đã trần tình với Hội đồng xét xử rằng, khi kinh tế tăng trưởng nóng, ngành vận tải biển phát triển mạnh kéo theo việc sản xuất và bán container của Cascon phát đạt. Hơn nữa, Cascon có cổ đông lớn là Vinashin (25% vốn), tạo thuận lợi lớn cho hoạt động kinh doanh. Nhưng do khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, hoạt động của Công ty khó khăn, hàng hóa trong kho không bán được, để lâu thì bị han gỉ, chất lượng giảm kéo theo giá trị giảm.
Vì thế, bà Hồng Anh đã làm tờ trình gửi HĐQT Cascon xin bán tài sản thế chấp và được HĐQT đồng ý. Sau này, giữa Cascon và VFC đã có biên bản thỏa thuận với nội dung VFC chấp thuận cho Cascon bán các container với điều kiện thanh toán trước khi giao hàng và toàn bộ tiền bán phải dùng để trả nợ cho VFC.
Như vậy, việc bán container có sự chấp thuận của VFC, được HĐQT đồng ý. Vấn đề là, tiền bán container đã không được trả cho VFC như cam kết. Bà Hồng Anh đã trình bày với Tòa rằng, khi đó bà đã đàm phán được giá bán cho đối tác nước ngoài rất tốt, gần như gấp đôi giá mà HĐQT phê duyệt. Đó là thành công của bà, làm lợi cho VFC, cho Cascon. Còn về tiền bán, mới chỉ trả cho VFC được 10 tỷ đồng là vì khi đó Cascon phải thanh toán một khoản cho nhà thầu của Vinashin. Tất cả các công ty liên quan gồm Cascon, VFC và nhà thầu đều là các công ty con, công ty liên kết của Vinashin nên trước sức ép của nhà thầu, bà đã nghiến răng thanh toán và dự định sẽ bù cho VFC sau.
Ngoài container, bà Hồng Anh còn bị quy kết vì bán số thép cuộn đã thế chấp cho VFC. Việc này, bà Hồng Anh thừa nhận có sai sót nhưng không có mục đích tư lợi gì. Theo trình bày của bà, khi đó, Cascon đã có nhiều văn bản thúc giục VFC đồng ý cho bán số thép này bởi Cascon đã tìm được bên mua với giá tốt. Nhưng VFC đều im lặng!
“Tôi đi công tác nước ngoài, về thì thấy cấp dưới đã bán thép. Tôi biết chỗ này có sai nên đã làm văn bản đề nghị VFC cho thay thế tài sản bảo đảm, nhưng VFC đều không trả lời”, bà Hồng Anh trình bày.
“Nếu VFC chấp thuận cho Cascon thay thế tài sản bảo đảm, đủ giá trị thì có lẽ tôi không phải đứng ở đây. Và nếu như tôi được tại ngoại thì đã có khả năng khắc phục mọi việc”, bị cáo nói giữa tiếng khóc nức nở và không giữ được bình tĩnh khi cho rằng, việc khắc phục thiệt hại và yêu cầu tại ngoại của bị cáo đã không được giải quyết thỏa đáng (?). Rằng ở trong trại tạm giam, bà không biết ngoài kia sự việc tiến triển đến đâu, rằng những tài sản của bà giờ ra sao.
Gia đình bà đã nộp 5,5 tỷ đồng khắc phục thiệt hại và bà xin được tại ngoại. “Tôi đã yêu cầu số tiền trên là để khắc phục cho vụ án này nhưng cuối cùng lại bị tính là khắc phục cho vụ án lừa đảo khác mà đến giờ tôi cũng không biết tôi có tội hay không. Nếu được tại ngoại, tôi đã xử lý được mọi việc”, bà này trình bày.
Thế nhưng, bất kể là bất đắc dĩ đến đâu, chính bị cáo thừa nhận việc bán là có sai. Những sai sót, sơ sẩy ấy, có thể chỉ thỏa thuận với đối tác là xong, nhưng lắm khi lại trở thành câu chuyện hình sự đầy tiếc nuối.
2. Cũng vào cuối năm qua, một phiên tòa xét xử CEO Công ty Intimex Hà Nội đã diễn ra. Phiên tòa nhắc đi nhắc lại những khái niệm “trụ cột” trong hoạt động DN như “đầu tư”; “kinh doanh”; “vốn điều lệ”; “tổng tài sản”…
Bị cáo chính, ông Nguyễn Thăng Long bị quy kết có hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” khi ra quyết định đầu tư vượt quá thẩm quyền của Tổng giám đốc. Theo đó, bị cáo này đã có thỏa thuận hợp tác đầu tư, bỏ vốn cho một đối tác mua sắn củ về sản xuất tinh bột sắn, hai bên cùng lo đầu ra và chia nhau lợi nhuận.
Vốn điều lệ của Công ty Intimex Hà Nội là 10 tỷ đồng và thỏa thuận đầu tư này là hơn 10,7 tỷ đồng. Theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì việc đầu tư có giá trị từ 50% tổng tài sản trở lên phải do ĐHCĐ, HĐQT Công ty quyết định. Ông này đã quyết định đầu tư mà chưa được sự cho phép của HĐQT, ĐHCĐ.
Ông Long khăng khăng không thừa nhận hành vi cố ý làm trái bởi cho rằng, hợp đồng với đối tác là hợp đồng mua tinh bột sắn, là hoạt động kinh doanh thường ngày, không phải là đầu tư. Ông này cũng viện dẫn Luật Doanh nghiệp 2005 và khẳng định, tổng tài sản và vốn điều lệ là hai khái niệm khác nhau. Vốn điều lệ là vốn khi thành lập công ty, quá trình hoạt động, công ty phát triển và có thể có tổng tài sản lớn gấp nhiều lần vốn điều lệ. Và thẩm quyền Tổng giám đốc của ông bị hạn chế bởi tỷ lệ 50% tổng tài sản, chứ không phải vốn điều lệ.
Quy kết của cơ quan công tố chỉ ra rằng, thỏa thuận này là đầu tư, Intimex Hà Nội đầu tư vốn để đối tác mua củ sắn về sản xuất tinh bột, sản phẩm làm ra hai bên cùng tìm đối tác xuất khẩu, chia lợi nhuận 50 - 50, hoặc Intimex Hà Nội hưởng 0,5% doanh thu. Ngoài ra, để lách luật thì ông Long còn chia nhỏ khoản đầu tư thành nhiều hợp đồng và làm giả phương án kinh doanh, hợp đồng kinh tế… để hợp thức hóa việc chuyển tiền cho phía đối tác.
Cuối cùng, quá trình hợp tác cho đến khi vụ án bị khởi tố, phía đối tác đã hoàn trả đầy đủ số tiền hơn 10 tỷ đồng cho Intimex Hà Nội. Khoản thiệt hại của Công ty này chỉ là khoản lãi vay phải trả cho ngân hàng, bởi số tiền chuyển cho đối tác là tiền vay ngân hàng.
3. Năm qua, một CEO có tiếng của khối CTCK là ông Hoàng Xuân Quyến đã phải hầu tòa. Ông này bị tố cáo là đã lạm quyền trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại 23 tỷ đồng cho CTCK Liên Việt.
Việc lạm quyền của ông Quyến được chứng minh qua các văn bản ủy quyền, phân cấp khá lằng nhằng trong nội bộ CTCK Liên Việt.
Tháng 6/2010, ông Quyến được bổ nhiệm làm CEO CTCK Liên Việt. Khi đó, theo Điều lệ Công ty và văn bản ủy quyền của Chủ tịch HĐQT kèm theo Phụ lục hạn mức phê duyệt, ký kết hợp đồng thì ông Quyến chỉ được ký hợp đồng repo các cổ phiếu/trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng LienVietPostBank với hạn mức 10 tỷ đồng và phải báo cáo Chủ tịch HĐQT với hợp đồng trên 10 tỷ đồng.
Sau này, CTCK Liên Việt thay đổi Chủ tịch HĐQT. Vị chủ tịch mới ký văn bản ủy quyền cho ông Quyến ký các hợp đồng theo hạn mức được phân cấp và các Hợp đồng được ĐHCĐ/HĐQT phê duyệt.
Khi điều hành Công ty, ông Quyến đã ký 3 hợp đồng repo cổ phiếu Cotec, nhưng khi cổ phiếu giá xuống, nhà đầu tư đã bỏ của chạy lấy người, không trả nợ cho Công ty.
Tuy nhiên, ông Quyến không thừa nhận hành vi ký hợp đồng này là lạm quyền, bởi theo văn bản ủy quyền mới của Chủ tịch HĐQT đương nhiệm đang có hiệu lực thì ủy quyền này chỉ ràng buộc Tổng giám đốc được ký các hợp đồng theo hạn mức phân cấp chung chung mà không quy định phạm vi các hợp đồng được ký kết. Hơn nữa, cả 3 hợp đồng này đều được thể hiện trong sổ sách kế toán, các báo cáo hàng tuần, tháng, quý... Việc làm của ông Quyến không có tính chất giấu giếm mà hoàn toàn công khai, cũng không có mục đích tư lợi gì mà chỉ vì muốn tìm kiếm lợi nhuận cho Công ty.
Vĩ Thanh
Trong cuộc sống hàng ngày hay trong hoạt động kinh doanh, quả thực có thể chỉ ra vô số ví dụ về những kiểu lách luật. Chẳng hạn, luật pháp có thể đặt ra quy định một đối tượng nào đó không được thực hiện một hoạt động nào đó. Biện pháp đơn giản nhất mà ai cũng nghĩ đến là nhờ người (tin cậy được) đứng tên thực hiện thay. Chẳng hạn, có thời, nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản tại một CTCK. Thế là để cùng lúc vừa mua, vừa bán được một loại cổ phiếu, các nhà đầu tư thi nhau nhờ vợ, con, anh em, người nhà đứng tên mở tài khoản.
Chỉ là lắm khi sự tình chẳng suôn sẻ, người ta có thể bị tạm giam, bị kết tội, thành người lý lịch “có vết”, mất cả tự do vì cái sự nhờ đứng tên này. Chưa kể đến những hoạt động kinh doanh phức tạp hơn, sự thiệt hại xuất phát từ hành vi lách luật nếu xảy ra thì vô cùng nghiêm trọng, có bán sạch gia sản cũng không khắc phục được…
Cố lách nên hay bị kẹt, thiết tưởng cũng là chuyện thường xảy ra!