Thậm chí, lãnh đạo một CTCK có vốn đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận… không nắm được đặc thù tổ chức, cũng như vận hành của TTCK phái sinh.
Từ thực tế trên, các thành viên thị trường đề nghị, để đưa TTCK phái sinh vào vận hành từ năm 2016 như kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với khâu xây dựng chính sách, ngay từ bây giờ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), các Sở GDCK… cần sớm triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ cập TTCK phái sinh tới đông đảo công chúng đầu tư.
Theo thông lệ quốc tế, một khi việc này đi trước một bước và được triển khai bài bản, kỹ càng, sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển thành công của thị trường.
Do tính chất phức tạp của TTCK phái sinh, nên hoạt động tuyên truyền, đào tạo kiến thức cần được triển khai dài hạn và bắt đầu từ những khái niệm rất cơ bản.
Việc này không chỉ dừng lại ở đối tượng tham gia thị trường là các nhà đầu tư, mà bao gồm cả các nhân sự hành nghề, cũng như các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Kinh nghiệm bước đầu từ hoạt động phổ cập các sản phẩm mới như hệ thống quỹ mở, gần đây là quỹ ETF cho thấy, khi nhà đầu tư chưa hiểu về các sản phẩm này thì sẽ rất khó thu hút họ tham gia.
Cùng với việc sớm triển khai hoạt động tuyên truyền, đào tạo người hành nghề, công chúng đầu tư, các thành viên thị trường còn đề xuất, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh mà UBCK đang lấy ý kiến rộng rãi, cũng như sắp tới là dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định này, cần hình thành cơ chế bảo vệ hiệu quả nhà đầu tư trong quá trình tham gia thị trường. Để đạt mục tiêu này, cần có giải pháp hữu hiệu để giám sát chặt các hoạt động đầu cơ, tránh tác động tiêu cực đến thị trường.
Thực tiễn hoạt động của TTCK phái sinh trên thế giới cho thấy, hoạt động phòng vệ rủi ro và đầu cơ có ranh giới mong manh. Trong khi các sản phẩm trên TTCK phái sinh có tính đòn bẩy tài chính rất cao, nên nếu không hiệu quả trong kiểm soát chặt hoạt động đầu cơ, thì sẽ tác động tiêu cực đến sự an toàn thị trường.
Theo Quyết định 366/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam, việc phát triển TTCK phái sinh được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 2013 - 2015: Xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh, hệ thống giám sát và công bố thông tin tại các Sở GDCK, Trung tâm lưu ký và thành viên thị trường. Giai đoạn 2016 - 2020: Tổ chức vận hành TTCK phái sinh. Trước mắt là các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số chứng khoán, phái phiếu chính phủ và cổ phiếu. Giai đoạn sau năm 2020: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của TTCK phái sinh, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch. |