Ranh giới đúng, sai và quyền tự do kinh doanh

(ĐTCK) Trong 10 đại án kinh tế năm 2013 được Viện KSND Tối cao liệt kê, có 8 đại án liên quan trực tiếp đến các ngân hàng. Nhìn lại các đại án này, thấy gì về hoạt động kinh doanh của ngân hàng, DN? Nhân dịp đầu Xuân, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, người mà đến nay, đã nhận lời tham gia bào chữa cho 3 trong số 8 đại án liên quan ngành ngân hàng. 

Thưa ông, nhìn lại 10 đại án, ông có đánh giá, nhận xét gì?

Cho đến hiện nay, 10 đại án của năm 2013 vẫn thực sự chưa có kết quả cuối cùng, có đại án mới xử xong sơ thẩm, có đại án vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tôi được mời và lựa chọn tham gia bào chữa, bảo vệ trong 3 đại án liên quan mật thiết nhất đến ngành ngân hàng và cũng đồng thời có sự quan tâm theo dõi đến các đại án khác. Cảm nhận đầu tiên của tôi về các đại án, đó là kết quả tất yếu xảy ra từ những vấn đề đã có thể dự cảm trong quá khứ và sẽ còn nhiều day dứt trong tương lai.

Các đại án đều là chỉ dấu về những hậu quả xấu của nền kinh tế và sở dĩ gọi là đại án vì các vụ án này đều có quy mô rất lớn, cả về tiền bạc, lẫn tác động đến tâm lý đời sống, an sinh xã hội.

Vài năm trước, thời kỳ bùng nổ sự đa dạng nhu cầu kinh doanh, áp lực thanh khoản, nhu cầu nguồn vốn, cơ hội lợi nhuận, đi kèm với những lúng túng của hệ thống quản trị rủi ro, pháp luật, đã khiến cho nhiều hoạt động, nhiều ý tưởng kinh doanh, trong đó có cả những ý đồ cơ hội phi đạo lý diễn ra và tại thời điểm đó, dường như mọi thứ là tất nhiên, bình thường, không ai đặt vấn đề gì về tính phi pháp hay hợp pháp cả.

Khi nền kinh tế khó khăn, kết quả kinh doanh không thuận lợi, phát sinh thua lỗ, nợ không trả được, thì vấn đề đúng, sai, trách nhiệm pháp lý được đặt ra và nhiều cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, thậm chí ở mức cao nhất - tử hình.

Quá trình xét xử các đại án này sẽ còn nhiều diễn biến. Cách nhìn nhận, đánh giá về hướng xử lý trách nhiệm đối với những tổn thất rất lớn về tiền bạc cho các cá nhân, tổ chức, Nhà nước sẽ còn nhiều phức tạp, thậm chí có thể có những chiều hướng khác nhau ở trong cả hai giai đoạn trước và sau khi Tòa án xét xử. Tuy nhiên, điều mà tôi cho rằng sẽ tác động lớn đến sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh là vấn đề ranh giới đúng, sai về mặt pháp lý cần làm rõ và cần có giải thích phù hợp cho tương lai, đem lại sự an tâm cho cộng động DN khi triển khai các hoạt động kinh doanh.

Vậy ranh giới đúng, sai này cần nhìn nhận ra sao, thưa ông?

Ví dụ tranh cãi ụ nổi hay tàu biển, như ranh giới trách nhiệm ngân hàng nắm giữ tiền bạc của khách hàng ở chỗ nào. Vụ bầu Kiên, quyền tự do kinh doanh của một DN đến đâu? Hoặc hoạt động ủy thác đầu tư có vi phạm pháp luật? Hay việc cho vay cầm cố bằng giấy tờ có giá là chứng nhận gửi tiền tại ngân hàng khác có bị cấm?

Phân tích kỹ hơn, chúng ta thấy kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử Huyền Như, Vietinbank không phải chịu trách nhiệm với khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng mà khách hàng đã gửi vào Ngân hàng. Đại diện ngân hàng này đưa ra nhiều lý do để Ngân hàng không phải chịu trách nhiệm trước những khoản tiền gửi của khách hàng bị chiếm đoạt như khách hàng đã giao dịch bên ngoài trụ sở Vietinbank; khách hàng không quản lý được thẻ tiết kiệm; khách hàng phải tự theo dõi, quản lý toàn bộ tài khoản của chính mình, ngân hàng không có trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng; số dư tài khoản do khách hàng quản lý, còn tiền mặt ngân hàng mới quản lý... Vậy giờ đây, trong trào lưu mở rộng các tiện ích hơn nữa của ngành ngân hàng, có những dịch vụ ngay tại tư gia của khách hàng, có những dịch vụ trực tuyến…, thì hành vi của các bên tham gia giao dịch được đánh giá đúng sai đến đâu? Liệu quyền lợi của khách hàng có được pháp luật bảo hộ? Đây rõ ràng là vấn đề không thể không làm rõ.

Hay như hành vi kinh doanh trái phép trong vụ Nguyễn Đức Kiên, tức bầu Kiên. Hiện Tòa án đã trả hồ sơ vụ án yêu cầu tiến hành điều tra bổ sung. Đến nay, chưa có kết quả điều tra bổ sung nên chưa rõ vụ án có gì thay đổi, nhưng trước đó, ông Kiên bị buộc tội sử dụng các pháp nhân để kinh doanh trái phép, đầu tư tài chính, mua cổ phần và góp vốn vào công ty khác mà không được cấp phép ngành nghề kinh doanh đầu tư tài chính.

Thế nhưng, trên thực tế, hiện có rất nhiều DN có đầu tư tài chính, có mua cổ phần, có góp vốn vào DN khác. Vậy có phải mọi hành vi này đều là phạm tội? Nếu ranh giới pháp lý này không được trả lời rõ sẽ tạo tâm lý hoang mang, e dè, gây tác động không tốt cho cộng đồng DN.

Trong vụ án Huyền Như, nhiều ngân hàng đã gửi tiền qua hợp đồng ủy thác đầu tư. Vậy về pháp lý, loại hợp đồng này, hoạt động kinh doanh này có vi phạm pháp luật? Nên nhìn nhận thế nào, thưa ông?

Trong các quy định quản lý vốn của ngân hàng, chỉ có quy định để tham gia hoạt động ủy thác đầu tư phải sử dụng vốn tự có. Những giao dịch trong vụ án nếu nằm trong giới hạn đó thì ngân hàng được phép làm.

Nếu hiểu quyền tự do kinh doanh của DN là được dùng đồng vốn vào giao dịch không vi phạm điều cấm cụ thể của pháp luật thì thực chất ngân hàng không bị cấm tiến hành ủy thác đầu tư.

Mặc dù vậy, có một thông lệ ngầm hiểu rằng ngân hàng là một DN đặc biệt, nhạy cảm, chỉ được làm những gì NHNN cho phép và vì luật bất thành văn này, nếu theo một quan điểm cứng nhắc, thì người ta cho rằng, ngoài hoạt động huy động vốn và cho vay, ngân hàng không được phép thực hiện bất kỳ giao dịch nào khác. Về cơ bản, trong hoạt động kinh doanh, DN đều hướng đến lợi nhuận và đây là quyền lợi kinh doanh chính đáng của DN. Đúng ra, nguyên lý ưu việt về quyền tự do kinh doanh cần được công nhận là DN được làm những gì mà pháp luật không cấm. 

Tuy nhiên, từ những vụ án này, ta thấy nổi bật quan điểm không được làm những gì pháp luật không cho phép, điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng quay trở về nghiệp vụ truyền thống và cơ bản là làm gì cũng phải xin phép. Nhưng NHNN với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước hiếm khi đồng tình với các đề xuất bất thường. Chính từ yếu tố này, tùy theo mức độ hậu quả xảy ra, thì câu chuyện xét đúng, sai sẽ rất nặng nề.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nhìn các đại án này với góc độ thất thoát tài sản, dẫn tới lừa đảo để bù đắp. Thế nhưng, trong thời kỳ thị trường tài chính bùng nổ, thì đòn bẩy tài chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế. Xét về tính chất các hợp đồng ủy thác đầu tư, thì gốc rễ các hợp đồng này đều có thể quy ra là phương thức cho vay, chỉ khác nhau ở điều kiện ràng buộc, ưu đãi, phương thức áp lãi suất, rủi ro. Thực tế, đây là một dạng sản phẩm phái sinh của thị trường tài chính và cả thị trường vốn. Ở các nước phát triển, thị trường có hàng nghìn sản phẩm phái sinh. Nếu áp dụng cứng nhắc sẽ kìm hãm sự phát triển. Vấn đề nằm ở khả năng và quan điểm quản lý rủi ro của các định chế tài chính và của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Như ông đã nói, còn nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng chắc chắn phải hướng tới sự răn đe, phòng ngừa?

Cơ bản các án hình sự đều có nguyên lý về phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng, nhưng tác dụng của phòng ngừa riêng là rất nhỏ, phòng ngừa chung mới là quan trọng. Chẳng hạn với hành vi tham nhũng, một hay vài án tử hình không mang lại nhiều ý nghĩa cho phòng ngừa chung. Vấn đề đặt ra là hình phạt tử hình mang lại điều gì cho quản lý tài sản của Nhà nước? Nếu cơ chế vẫn thế, lòng tham sẽ quyết định và phòng ngừa chung không đạt hiệu quả.

Khi phòng ngừa chung thì phải hướng tới mục tiêu cụ thể, các loại tội phạm tham nhũng, tội phạm lừa đảo, tội vi phạm quy định quản lý kinh tế của Nhà nước… Vậy quy định quản lý đã chuẩn chưa? Có vấn đề gì cần thay đổi, sửa chữa? Và cơ chế tạo dựng sự tham nhũng, lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng đã được chỉ rõ chưa, được phòng ngừa chưa? Đây là những điều dư luận quan tâm hơn là mức án. Trong kinh doanh, yếu tố sáng tạo, mạo hiểm, khai thác, mở rộng là quan trọng và đưa sản xuất, thương mại đi lên, tạo ra doanh thu, của cải cho xã hội. Suy cho cùng, sự phòng ngừa, quản lý hoạt động kinh doanh là vô cùng cần thiết, nhưng nó nên là các giới hạn, hạn mức phù hợp, ngăn chặn những hoạt động lạm dụng cơ hội, không lường đến khả năng quản trị rủi ro, bất thường trong khả năng quản lý hậu quả kinh doanh. Sự phòng ngừa đó nên được biến chuyển thành những quy định pháp luật cụ thể, tạo nên một hành lang pháp lý rõ ràng cho cộng đồng DN.

Quyền tự do kinh doanh, tự do theo đuổi, tìm kiếm lợi nhuận hóa ra lại là câu hỏi lớn trong các đại án. Nếu chúng ta không trả lời rõ ràng vấn đề này, xác định rõ ranh giới đúng sai về mặt pháp lý, thì tác dụng phòng ngừa tội phạm giảm sút và ở thái cực ngược lại còn đẩy doanh nhân thành các tù nhân “dự bị”.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục