1. Năm 2013, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm một vụ án hủy hoại tài sản. Đây là vụ án nhỏ, tài sản bị hủy hoại là bức tường với cái mái chuồng gia súc. Định giá mức độ thiệt hại là 10 triệu đồng, lại là án phúc thẩm. Thế nhưng, vụ án đã thu hút sự chú ý của rất nhiều phóng viên bám trụ ở Tòa và thường được các phóng viên gọi đơn giản là vụ: “con trai quyết đưa mẹ vào tù”.
Đứng trước vành móng ngựa là 6 người đàn bà già nua, lam lũ, thậm chí người già nhất đã quá cái tuổi xưa nay hiếm. Hình ảnh này khiến phóng viên phải ngạc nhiên: “bị cáo đây ư, già thế này rồi, sao lại phạm tội vậy?”.
Hóa ra là chuyện tranh chấp trong gia đình. Năm 2007, bà cụ Nguyễn Thị Cải, 81 tuổi ở Sóc Sơn (Hà Nội) đã họp gia đình và chia đất đai cho các con. Dù đã chia rồi, nhưng cuối năm 2011, cụ Cải đòi lại 20 m2 phía chuồng lợn và chuồng ngựa đã đồng ý cho anh con út Hoàng Văn Đích. Cũng vì việc này mà tình cảm gia đình mất hết, họ thậm chí không thèm nhìn mặt nhau.
Theo cụ Cải, đất là của cụ, cho con thế nào thì hưởng vậy. Khi cần, cụ chỉ việc lấy lại. Vì thế, sáng 23/12/2011, cụ qua nhà anh Đích đòi đất, to tiếng xảy ra giữa mẹ chồng nàng dâu. Cụ Cải bị ngã nên gọi các con qua.
Thế là các con gái, con dâu cùng với cụ Cải là 6 người kéo sang, trong lúc xô xát, vợ anh Đích có bị đánh, thương tích 4% (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích). Sau đó, 6 mẹ con cụ Cải đã xô đổ bức tường và hủy mái ngói.
Vợ chồng anh út Hoàng Văn Đích có đơn tố cáo ra cơ quan công an. Kết quả là bà mẹ cùng với các chị gái, chị dâu của anh bị truy tố ra trước pháp luật với tội danh Hủy hoại tài sản. Bản án sơ thẩm tuyên cụ Cải 9 tháng tù treo, 5 người con mỗi người 6 tháng tù treo, liên đới bồi thường 10 triệu đồng.
Nhưng vợ chồng anh Đích vẫn chưa hài lòng với bản án này và đệ đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án xem xét tăng hình phạt, phạt giam mẹ già. Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Với cụ già đã 81 tuổi, lưng còng, mắt toét, bản án 9 tháng tù án treo đã không còn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bà, thiệt hại 10 triệu đồng cũng không phải số tiền quá lớn không thể trả nổi. Nhưng không cần nói, ai cũng thấy làm tan nát gia đình là cái “án” lớn hơn nhiều, khi mà sau phiên tòa, hai bên vẫn nặng lời, “phe” cụ Cải thì bảo, cụ có chết cũng không cho vợ chồng nó vào nhà, còn vợ chồng anh Đích, “chưa hứa được gì hết, chả còn tình nghĩa gì”…
2. Năm qua, có một vụ án mà nhiều người phải tiếc thay cho mấy kỹ sư 8x. Trẻ tuổi và có năng lực, 4 kỹ sư này đều đang làm cho một nhà thầu lớn của Nhật Bản, Công ty Sumitomo Mitsui.
Nhà thầu này trong khi thi công công trình cầu Nhật Tân thì phát hiện mất hơn 300 thanh cọc thép và báo cơ quan công an. Cơ quan điều tra đã xác định 4 kỹ sư của Công ty bán 43 thanh cọc, thu lợi hơn 320 triệu đồng. Trong đó, có 2 kỹ sư trẻ Phạm Văn Huy (SN 1984), Đỗ Thanh Phúc (SN 1985) chỉ vì 4 triệu đồng mà mắc vào vòng lao lý.
Cụ thể, khi Phúc và Huy kiểm đếm số lượng cọc ván thép ở công trường thì thấy thừa 5 cọc thép so với trên giấy tờ, nên bàn nhau bán số này. Phúc và Huy đã nhờ Nguyễn Huy Bình (SN 1985, bị cáo chính), bán 5 cọc thép. Số cọc thép này bán được gần 50 triệu đồng, Huy và Phúc chỉ được chia 4 triệu đồng/người.
Suốt phiên tòa, cứ mỗi khi có phóng viên giơ máy ảnh lên, Huy và Phúc đều cúi gằm, cố nấp sau bị cáo khác để tránh ống kính. Người chị gái của bị cáo thì sẵng giọng: “chụp gì mà chụp, có cái gì mà chụp. Các chị vào đây làm gì, có phải việc của các chị đâu”. Tất nhiên, chị không thể ngăn cản phóng viên tác nghiệp, cho nên cuối cùng chị xuống nước năn nỉ “xin” các phóng viên đừng đăng ảnh em trai mình lên báo.
Chị than vãn về nỗi khổ của gia đình, bố mẹ già rồi, việc của em trai, chị phải chạy vạy đôn đáo. Chị bảo mới ra trường ít lâu, có phải ai cũng có thể vào làm cho một nhà thầu nước ngoài đâu, hơn nữa còn làm công việc đúng chuyên môn là kỹ sư. Thế nhưng, em trai chị trót dại chỉ vì vẻn vẹn 4 triệu đồng mà bây giờ mất hết khi đường đời đang rộng mở. “Công ty người ta báo mất những 300 thanh cọc kia, còn bao người khác mà không bị phát hiện. Em trai tôi chỉ một lần lầm lỡ đã vào vòng lao lý. Nó mất việc, lại thành có tiền án, cũng là do nó sai. Nhưng giờ các anh chị đăng ảnh nó lên, sau này đi xin việc, người ta nhìn thấy thì ai dám nhận nó” - chị than thở.
3. Cũng ở pháp đình, người ta còn chứng kiến rất nhiều cán bộ ngân hàng đứng trước vành móng ngựa. Một phần là do bị liên đới vì tội phạm ngân hàng khác, họ bị kết tội do đã có sai sót trong quy trình nghiệp vụ, dẫn đến tội phạm được thực hiện. Bản thân họ không có sự tư lợi nào. Thế nhưng, vì những sai sót này họ mất việc, lý lịch có “vết” và tìm kiếm việc làm sau đó có lẽ không dễ dàng gì.
Nhưng còn một bộ phận cán bộ ngân hàng đã chính mình thực hiện các hành vi phạm tội. Làm việc trong ngân hàng đồng nghĩa với việc đứng ở giai cấp trên trong xã hội cổ cồn, lương thưởng cao, làm việc trong văn phòng hạng sang, có (hoặc sẽ có) nhà, xe. Tuy nhiên, nhiều cán bộ ngân hàng vẫn chưa thấy thỏa mãn và cố kiếm thêm. Vấn đề là sự kiếm thêm này như cái thòng lọng chỉ chờ kinh tế, thị trường lao dốc là siết vào cổ.
Trường hợp Lê Minh H. (SN 1965) - Trưởng phòng giao dịch một ngân hàng, đã tự lập hàng chục giấy đề nghị cầm cố kiêm khế ước nhận nợ thay cho khách hàng, rồi trực tiếp ký duyệt thủ tục đề nghị cầm cố và đề nghị nhập khối tài sản bảo đảm và các phụ lục là một ví dụ. H. giả chữ ký, chữ viết của khách hàng để rút ra được 11 tỷ đồng.
Số tiền này H. dùng làm gì? Hóa ra, H. rút tiền từ ngân hàng để cho vay ra ngoài “chợ đen”. H. cho một đầu nậu vay 10 tỷ đồng với lãi suất 15%/tháng, ngoài ra còn cho một số cá nhân khác vay nhiều tỷ đồng. Như vậy, bằng cách rút khống số tiền gửi của khách hàng, cho vay lãi cao, mỗi tháng, sơ sơ H. có thể kiếm hàng trăm triệu đồng.
Một vụ án khác, Phạm Thị Thu Hà (SN 1984), kiểm soát viên của một ngân hàng đã bị kết tội vì hành vi sử dụng trái phép tài sản và tham ô tài sản. Khi có khách gửi tiết kiệm, Hà vẫn nộp tiền vào ngân hàng để mở sổ tiết kiệm, nhưng số dư chỉ có 2 - 3 triệu đồng. Khi làm sổ, Hà đã che phần thông tin khách hàng và để sổ trống, phần lưu thì ghi số dư thực gửi vào ngân hàng, phần đưa cho khách hàng, Hà ghi số dư mà khách gửi.
Hà tính toán, thay vì để khách hàng gửi vào ngân hàng thì Hà “mượn” tạm đem đầu tư, kinh doanh, đến kỳ hạn, Hà sẽ trả lãi cho khách hàng bằng đúng lãi suất của ngân hàng và gom gốc vào trả nếu như khách hàng muốn tất toán.
Hà đã sử dụng hơn 6 tỷ đồng để đánh chứng khoán, buôn bán bất động sản. Nhưng thị trường bạc bẽo, chứng khoán không phải chỉ có lên không xuống, thế nên khi sổ đáo hạn, Hà chỉ trả được một phần lãi và tính cách làm sổ giả đưa cho khách hàng. Khi khách hàng mang sổ đi cầm cố tại ngân hàng khác thì bị phát hiện. Với hành vi này, Hà phải nhận bản án 16 năm tù giam.
Lão Tử viết: Họa mạc đại ư bất tri túc - Họa không gì lớn bằng không biết đủ. Ở đời, tri túc là việc không dễ, biết thế nào là đủ? Người bảo làm thế là bất tri túc, là tham quá, tham thì thâm, tham thì chết, nhưng lại có người bảo, có thế mới là có chí tiến thủ, là sáng tạo, là dám nghĩ dám làm, là tranh thủ cơ hội.
Vả, việc chưa đưa đến cửa quan, mấy ai nghĩ là mình sẽ phải ra trước vành móng ngựa đâu? Tựa như hai cậu kỹ sư nói trên, kiểm kê trên giấy tờ sổ sách thì số cọc thép chỉ có ngần này, thừa ra mấy cây, anh em đem bán, kiếm chút tiền tiêu. Lại như mấy cán bộ ngân hàng, khi mượn tạm tiền ngân hàng, họ cũng không có mục đích chiếm đoạt, mà chỉ muốn lợi dụng nguồn vốn trong ngân hàng, tính chuyện làm ăn, đến kỳ hạn sẽ trả cả vốn lẫn lãi. Nhưng thị trường không chiều lòng người, họ không thể trả đủ gốc lãi.
Thế nên, ranh giới nào là đủ thì thật khó nói. Với mỗi người, ranh giới này rộng hẹp đều khác. Chỉ là, dù gì thì ranh giới này cũng cần phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Điều đơn giản, nhưng người ta vẫn thường bỏ qua.