Ranh giới đúng và sai luật của cán bộ ngân hàng

(ĐTCK) Không ít vụ án kinh tế, trong đó các cán bộ ngân hàng đã phải hầu tòa vì những sai sót trong khi thực hiện các quy trình nghiệp vụ, đang đặt ra một câu hỏi: đâu là ranh giới giữa đúng và sai luật cho cán bộ ngân hàng?
Ranh giới đúng và sai luật của cán bộ ngân hàng

Ranh giới đúng và sai luật của cán bộ ngân hàng ảnh 1

Không ít nhân sự ngành ngân hàng đã phải ra hầu tòa vì vi phạm các quy định nội bộ

 

Trong vụ án Lê Bá Quỳ, Phùng Văn Thúy sử dụng 21 sổ đỏ giả thể chấp trong ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt 70 tỷ đồng từ 5 ngân hàng, đã có 5 cán bộ ngân hàng phải hầu tòa với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Lê Bá Quỳ đã thành lập 4 công ty để ký khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, nguyên vật liệu với nhau, làm giả báo cáo tài chính, tờ khai thuế GTGT, quyết toán thuế GTGT… Khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn, các cán bộ tín dụng này đã không thẩm định kỹ hồ sơ, kiểm tra hoạt động thực tế của DN. Tiếp đó, khi nhận tài sản bảo đảm là nhà đất, các cán bộ tín dụng đã bỏ sót quy trình nghiệp vụ dẫn đến bị Lê Bá Quỳ qua mặt, làm giả từ giấy tờ nhà đất cho đến đăng ký giao dịch bảo đảm. Cuối cùng, Tòa án đã buộc nhóm cán bộ tín dụng này phải nhận bản án từ 30 - 36 tháng án treo.

Trong một vụ án khác từng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Hàng hải, một nhóm các đối tượng rất am hiểu nghiệp vụ và quy trình của Ngân hàng đã tìm cách để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc “thuê” tiền. Nhóm đối tượng Hoàng Nghĩa Hiển, Nguyễn Thị Đặng, Nguyễn Thị Ngọc Tín đã “thuê” 12 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Ngọc B. để chứng minh tài chính với đối tác. Sau khi 12 tỷ đồng “trôi” về tài khoản của Công ty TNHH Dương Hùng do Nguyễn Thị Đặng làm Giám đốc, nhóm đối tượng nói trên yêu cầu Ngân hàng phát hành bảo lãnh cho một giao dịch mua bán thép giả, ký quỹ toàn bộ 12 tỷ đồng. Tiếp đó nhóm đối tượng này yêu cầu Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và khi đang rút tiền thì bị phát hiện và bắt giữ. Hai nhân viên Ngân hàng TMCP Hàng hải cũng đã bị liên đới trách nhiệm trong vụ án này, phải hầu tòa với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bộ luật Hình sự có quy định một số tội danh trong lĩnh vực kinh tế như tội vi phạm quy định cho vay, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội cố ý làm trái quy định Nhà nước… Tuy nhiên, một số điều khoản vẫn còn những quy định chưa được rõ ràng. Chẳng hạn, Điều 179, Bộ luật Hình sự quy định tội vi phạm quy định cho vay ở các TCTD, theo đó (1) người nào cho vay không có bảo đảm trái với quy định pháp luật, (2) cho vay quá giới hạn quy định và (3) có hành vi vi phạm quy định pháp luật về cho vay thì bị phạt tù từ 5 năm - 20 năm. Vấn đề là nếu như các khoản 1, 2 có thể phân tích rõ các yếu tố cấu thành tội danh thì khoản (3) lại có những cách hiểu khác nhau.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, Luật phải được hiểu đúng là nếu cho vay trái với các quy định pháp luật thì mới bị phạt tù. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp chỉ cần cán bộ ngân hàng cho vay vi phạm quy định của ngân hàng, cũng đã có thể bị tố cáo ra cơ quan điều tra. Đã có trường hợp một cán bộ tín dụng phụ trách một khoản vay và sau đó không thể thu hồi vốn. Sau khi rà soát quy trình, ngân hàng phát hiện cán bộ này không đi kiểm tra kho hàng định kỳ theo đúng quy trình đề ra. Cán bộ này đã bị ngân hàng quy kết và đưa ra cơ quan điều tra để buộc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, luật sư Trần Minh Hải cho rằng, vụ việc trên không nên viện dẫn đến Bộ luật Hình sự, bởi lỗi nhân viên chỉ vi phạm quy định nội bộ của ngân hàng. Luật sư Hải cũng cho rằng, trong trường hợp muốn buộc tội ai đó thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chỉ ra một cách rõ ràng người đó vi phạm điều nào, khoản nào, luật nào, chứ không thể quy kết phạm tội chỉ vì vi phạm quy định nội bộ của một DN. Đây là quan hệ dân sự và trong trường hợp này, pháp nhân chỉ có thể xử lý kỷ luật, buộc thôi việc… và yêu cầu bồi thường dân sự nếu có thiệt hại.

Bên cạnh đó, còn có những điều luật chung chung như Điều 285, Bộ luật Hình sự về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, mà không chỉ rõ ra thế nào là thiếu trách nhiệm và thiếu trách nhiệm cái gì. Điều này dẫn đến tình trạng hễ ngân hàng có thiệt hại, mất vốn (mà thường là đến tiền tỷ) và sau khi rà soát quy trình phát hiện thấy khâu nào sơ sót thì cán bộ sẽ bị quy kết là thiếu trách nhiệm. Trong khi, nếu đã biết có rủi ro, thì ngân hàng phải có cơ chế phòng ngừa. Tương tự, Điều 165 về cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cũng không chỉ rõ ra là làm trái các quy định nào, dẫn đến tình trạng kết tội có thể mang tính chủ quan. Trong khi thực tế xét xử, điều tra tại Việt Nam cần nhiều thời gian để thay đổi thì bản thân các ngân hàng cần nỗ lực xây dựng một hệ thống phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch, nhằm giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với các cáo buộc trách nhiệm hình sự cho nhân viên.        

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục