Những ngày qua, TTCK dành nhiều quan tâm tới sự kiện 2 lãnh đạo cao cấp ở CTCK SME (SMEs) bị bắt để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong quá trình ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán với Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí (PVI). Nội tình của vụ việc đang chờ kết luận của cơ quan điều tra, nhưng những tình tiết ban đầu cũng mang đến cho người trong nghề nhiều bài học.
Đây không phải lần đầu tiên thị trường đón nhận tin tức về lãnh đạo CTCK vướng vòng lao lý. Trước đó, nguyên giám đốc CTCK Ngân hàng Công thương (IBS), bà Phạm Thị Tuyết Mai; nguyên Chủ tịch HĐQT CTCK Hà Thành, ông Trương Duy Sơn; nguyên Tổng giám đốc CTCK Liên Việt (LVS), ông Hoàng Xuân Quyến cũng bị khởi tố, chủ yếu vì những hành vi tương tự.
Tuy nhiên, nếu như ở IBS, LVS là cá nhân bị khởi tố, điều tra vì có hành vi lợi dụng chức quyền để qua mặt HĐQT, tham gia vào hoạt động mua bán, giao dịch không được phép thì ở SMEs, sai phạm là có chủ ý từ 2 lãnh đạo giữ chức vụ cao nhất trong HĐQT. Sai phạm này nghiêm trọng hơn khi 2 lãnh đạo SMEs giả mạo giấy tờ của bên thứ ba để lừa PVI bằng một hợp đồng hợp tác đầu tư. Trước khi sự việc vỡ lở, SMEs từng mất thanh khoản, cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát, Công ty phải chuyển tài khoản chứng khoán của NĐT về CTCK Đại
Sai phạm xảy ra với mỗi đơn vị rất khác nhau nhưng nếu xâu chuỗi, có thể thấy những nét tương đồng. Đó là những vụ việc xảy ra trong giai đoạn 2008 - 2011, thời điểm khó khăn nhất của các CTCK. Trong giai đoạn này, đa số CTCK đều rơi vào thua lỗ, nên muốn đạt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, CTCK thường bước qua ranh giới, dễ dãi với NĐT.
Sự dễ dãi càng có cơ hội lên ngôi khi phía cơ quan quản lý không thể nhìn thấu hết mọi ngóc ngách trong các nghiệp vụ vốn đã phức tạp và có nhiều kẽ hở của CTCK. Giám đốc đầu tư của một CTCK cho rằng, nếu muốn tạo một bên thứ 3 giả mạo như SMEs đã làm, các CTCK đều có thể làm được. Đặc biệt, khi các mức phạt cho vi phạm ở CTCK không đáng gì so với lợi nhuận mang về từ phi vụ trót lọt, khi tranh chấp, kiện cáo liên quan đến CTCK gần như không phân xử được, những người đứng đầu ở CTCK càng sẵn sàng bước qua ranh giới.
Cũng không thể không nói tới tác nhân - phía bị hại. Nếu trước khi chuyển số tiền nhiều tỷ đồng đến tài khoản của SMEs, PVI thận trọng kiểm tra danh mục chứng khoán của bên vay tại Trung tâm Lưu ký thì đã phát hiện ra sự giả mạo ngay từ đầu. Nếu quy trình quản trị, giám sát ở LVS, IBS chặt chẽ, đã không có chuyện giám đốc công ty thực hiện những hợp đồng mua bán, triển khai các nghiệp vụ không được phép, gây nên thiệt hại cho công ty.
Lúc này, các lãnh đạo CTCK sai phạm đang trả giá bằng chính tự do của mình. Danh tiếng của họ - vốn từng khá lẫy lừng trong giới - đã tiêu tan. Cái giá của hành động bước qua ranh giới quá đắt sẽ khiến những người đứng đầu CTCK phải lấy đó làm bài học. Tuy nhiên, một cơ chế quản lý chặt chẽ, một mức phạt đủ răn đe và NĐT đừng đem “mỡ treo miệng mèo” vẫn rất cần thiết để ngăn những bước chân lạc lối.