"Rác thải có thể trở thành tài nguyên nếu được xử lý đúng cách"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Việt Nam đã có các hiệp hội quy tụ các đơn vị tái chế trong nước như tái chế bao bì, bao bì giấy, kim loại, nhựa…, điều này mang tới kỳ vọng về một môi trường xanh sạch hơn.
Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững, Nhựa tái chế Duy Tân Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững, Nhựa tái chế Duy Tân

CTCP Sản xuất Duy Tân là thương hiệu đã có lịch sử 36 năm trong ngành nhựa tại Việt Nam và đang có một công ty startup trong lĩnh vực tái chế nhựa đó là CTCP Nhựa Tái chế Duy Tân (Duy Tân Recycling).

Hiện nay, với sự tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn đến vấn nạn khủng hoảng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Trước thực trạng này, Nhựa Duy Tân đã đầu tư một nhà máy đạt chuẩn công nghệ cao của Bộ Công nghệ và Khoa học, có diện tích 65.000 m2 tại Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An. Nhà máy đang có công suất sản xuất 30.000 tấn nhựa/năm, kế hoạch giai đoạn 2 sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4,6 tỷ chai nước sẽ được tái chế.

Đặc biệt, nhà máy Nhựa Tái chế Duy Tân đang áp dụng công nghệ tái chế "Bottle-to-Bottle", có thể hiểu là mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Điều này sẽ giúp vòng đời của một chai nhựa có thể tăng từ 1 lần sử dụng như trước đây lên đến hơn 50 lần. Đó là bước tiến lớn của ngành nhựa cũng như nhựa tái chế.

Theo đó, các sản phẩm của nhựa Duy Tân đã đạt được nhiều chứng chỉ quốc tế, trong đó có những tổ chức yêu cầu khắt khe như Mỹ và châu Âu. Điều này giúp cho nguồn hàng xuất khẩu của Duy Tân có thể xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.

"Trong khi hầu hết mọi người đều đang nghĩ tái chế rác thải là trách nhiệm thì thực tế đó chính là cơ hội kinh doanh. Trên thế giới nhiều nước đang có quan điểm "rác thải không phải rác thải, nếu biết cách xử lý rác thải có thể trở thành tài nguyên". Tuy nhiên, để khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này như thế nào phụ thuộc vào cách đầu tư", ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững, Nhựa tái chế Duy Tân chia sẻ tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây.

Bên cạnh tái chế, Việt Nam và quốc gia Đông Nam Á còn đang phải đối diện với thực trạng phân loại rác thải tại nguồn chưa tốt. Trung bình Duy Tân thu về khoảng 100 tấn nhựa thì chỉ tái chế 50 tấn thành chai nhựa, còn lại thành các sản phẩm khác như xơ sợi, sợi vải. Việc phân loại không tốt khiến tỷ lệ tái chế không cao. Dự kiến đến năm 2025 sẽ áp dụng phân loại tại nguồn triệt để, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành tái chế.

Mặt khác, trên thị trường, nhiều người tiêu dùng vẫn đang có tâm lý e ngại sử dụng các sản phẩm tái chế. Do đó, cần có nhiều hơn các chương trình, hội thảo tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về các sản phẩm tái chế hơn nữa.

Qui Ánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục