Thiết lập chuỗi giá trị tuần hoàn trong ngành rác thải nhựa
TP. Đà Nẵng là điểm khởi đầu của ReForm Plastic, start-up tiên phong trong “cuộc chiến” biến rác thải nhựa thành vật phẩm có giá trị.
Từng chứng kiến rác thải nhựa tràn lan khắp các bãi biển Đà Nẵng trong giai đoạn 2015-2016, hai nhà đồng sáng lập ReForm Plastic, là Kasia Weina và Jan Zellman, ngay lập tức tổ chức nhiều hoạt động dọn rác quy mô lớn. Nhưng càng làm, họ càng nhận ra tác động của hoạt động này không đủ lớn nếu rác lại trở về bãi chôn lấp, đặc biệt là các loại rác có giá trị thấp như đồ nhựa dùng một lần, giấy gói, nhựa dẻo, xốp…
Sau khi không thể tìm ra giải pháp phù hợp, cả hai quyết định tự mình tạo giải pháp. Họ mất tới 3 năm để nghiên cứu, phát triển quy trình xử lý rác thải, đồng thời tiếp cận chuỗi giá trị toàn diện trong ngành rác thải theo hướng tuần hoàn.
Đầu tiên, Reform Plastic lắp đặt những điểm thu gom rác thải xung quanh TP. Đà Nẵng để các hộ gia đình, doanh nghiệp và cá nhân có thể mang rác đã được phân loại đến đây. Sau khi rác được đưa đến các điểm thu gom, đội ngũ Reform Plastic tuyển dụng các lao động địa phương để cùng phân loại lại lần nữa, cân và kiểm tra chất lượng phế liệu. Những món có thể bán sẽ được tiếp tục bán lại cho các đơn vị tái chế.
Trong khi đó, phần còn lại của phế liệu không thể bán được do giá trị thấp hoặc không có giá trị sẽ tiếp tục hành trình đến nhà máy do ReForm Plastic đặt tại Hội An. Ở đây, các loại rác thải được cắt thành từng mảnh nhỏ và rửa sạch. Tiếp theo, bằng cách sử dụng kỹ thuật đúc, nén, ReForm Plastic chuyển đổi nhựa phế thải thành các tấm ván nhựa, từ đó có thể dùng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các món đồ nội thất hay vật dụng gia đình.
Nhà đồng sáng lập Kasia Weina chia sẻ: “Sản phẩm làm ra bền chắc, không thấm nước, có thể thay thế gỗ để làm vật liệu nội thất, xây dựng (bàn ghế, tủ, gạch lát nền, sân chơi...). Ngoài ra, toàn bộ quá trình diễn ra theo quy luật tuần hoàn, nên chúng tôi có thể thu hồi ván cũ và xử lý chúng thành ván mới”.
Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng 30 tỷ túi ni lông; hơn 80% số túi ni lông đó bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trong 20 quốc gia ở tốp đầu về rác thải nhựa, với 0,28-0,73 triệu tấn/năm.
“Cùng với nhau, chúng tôi đang thay đổi toàn bộ hệ thống rác thải và mang đến giá trị cho phế liệu, từ đó nới rộng vòng đời của mọi vật liệu và tạo ra những dấu chân xanh cho môi trường”, Kasia Weina khẳng định.
Chuyển giao công nghệ để lan tỏa tác động
Không chỉ nghiên cứu quy trình tái chế rác thải nhựa giá trị thấp, ReForm Plastic còn hướng đến mở rộng quy mô bằng cách cung cấp công nghệ, tập huấn và phát triển sản phẩm cho các đơn vị tìm kiếm giải pháp xử lý mọi loại rác thải nói chung.
Tại Việt Nam, ngoài nhà máy đầu tiên đặt tại Hội An, ReForm Plastic đã chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH một thành viên Thanh Tùng 2 để xây dựng nhà máy tại Đồng Nai, với khả năng xử lý hơn 30 tấn rác thải công nghiệp/ngày.
Ông Bùi Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Thanh Tùng 2 cho biết, trước đây, các loại chất thải nhựa công nghiệp không bán được như vải da vụn, vụn đế giày, nhựa công nghiệp tổng hợp đều được Công ty xử lý bằng phương pháp đốt. Nhưng với công nghệ chuyển giao từ ReForm Plastic, các loại chất thải này được phân loại, băm nhỏ, rửa sạch, phối trộn, sau đó ép nóng định hình thành tấm, rồi dùng máy ép nguội tạo khuôn, cắt theo các kích thước phù hợp.
Với việc đáp ứng các tiêu chuẩn về độ bền, tính an toàn cho sức khỏe người dùng cũng như giá thành thấp hơn đối thủ, sản phẩm ván ép từ nhựa tái chế của Thanh Tùng 2 đã xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ, châu Âu.
Về phía ReForm Plastic, Công ty không chỉ nhân rộng mô hình dưới hình thức nhượng quyền công nghệ trong phạm vi Việt Nam, mà còn mở rộng sang các quốc gia khác. Từ nhà máy thử nghiệm đầu tiên, đến nay, họ có 13 cơ sở trên khắp thế giới. Trong tầm nhìn dài hạn, ReForm Plastic đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100 cơ sở ở phạm vi toàn cầu, với năng lực xử lý hơn 100.000 tấn chất thải nhựa/năm.
“Tương lai của nhựa nằm trong tay chúng ta, nơi rác thải nhựa được coi là một nguồn tài nguyên quý giá, chứ không chỉ là rác thải đơn thuần. Bằng cách tái sử dụng và tái chế nhựa, chúng tôi muốn kéo dài vòng đời của nhựa, giảm thiểu tác động đến môi trường và giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực rác thải có giá trị thấp và hơn thế nữa”, Kasia Weina khẳng định.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, với tình trạng rác thải nhựa đang tràn ngập trong môi trường như hiện nay, cách tốt nhất để cứu lấy hành tinh là mỗi người cần xây dựng ý thức hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như thói quen mua sắm, đồng thời giảm thiểu tiêu thụ nhựa.
Sinh ra tại Mỹ, từ nhỏ, Kasia Weina đã bị cuốn hút bởi các vấn đề về môi trường, khoa học và hành tinh mà con người đang sinh sống. Sau khi lấy bằng cử nhân về sinh học và hóa học, cũng như hoàn thành chương trình tiến sĩ liên quan đến căn bệnh ung thư, Kasia Weina quyết định rời bỏ sự nghiệp khoa học để theo đuổi một sứ mệnh lớn lao hơn là kiến tạo một môi trường sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Trên hành trình đó, Kasia Weina đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai, nơi cô cùng các cộng sự không chỉ tìm kiếm những giải pháp bền vững hơn với môi trường, mà còn hướng tới việc kết hợp các cộng đồng và các nhóm yếu thế trong xã hội để cùng hoàn thiện công việc ở mức độ cao nhất.