Quy luật thị trường và niềm tin kinh doanh

Doanh nghiệp sẽ không để tiền lãng phí, nếu các quy luật thị trường được Nhà nước và doanh nghiệp cùng tin và tuân thủ.

1. Có một lần, tôi được ngồi với một doanh nhân người Diêm Điền (Thái Bình), gần cả cuộc đời ông làm nghề chở hàng bằng tàu thuỷ dọc bờ biển Việt Nam. Ông tự hào: “Luồng lạch nào ở Việt Nam tao cũng thuộc như lòng bàn tay”. 

Ông và hàng chục người bạn của ông ở Diêm Điền và hàng trăm người khác ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá… vẫn kinh doanh bình thường cả chục năm nay mà chẳng có vấn đề gì.

Bỗng đến năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2014/NĐ-CP yêu cầu các doanh nghiệp này phải xin phép mới được kinh doanh vận tải biển. Để được cấp phép, doanh nghiệp của ông lại phải đáp ứng nhiều điều kiện khó hiểu, như phải có nhân viên pháp chế chuyên ngành luật với 2 năm kinh nghiệm, phải có 5 tỷ đồng ký quỹ ở ngân hàng. 

Ông nói: “Cả đời tao kinh doanh, chưa bao giờ phải cần đến luật sư. Mà nếu có cần thì tao tự đi thuê luật sư, mắc mớ gì mà Nhà nước bắt tao phải có luật sư”. Nhưng rồi, để được tiếp tục kinh doanh, ông phải ký hợp đồng lao động với một luật sư, hàng tháng trả cho anh ta vài triệu đồng, mà chẳng bao giờ cần để làm gì cả. Để đáp ứng điều kiện 5 tỷ đồng ký quỹ ở ngân hàng, ông phải đi vay nợ rồi đóng vào đó một cục tiền chết. Mỗi tháng lại mất vài triệu do chênh lệch lãi suất, mà vốn lưu động lại không có để kinh doanh.

Mãi vài năm sau, ông mới có dịp ngồi với các cán bộ chuyên môn của Bộ Giao thông - Vận tải để hỏi tường tận vì sao lại có những quy định như vậy. Lý do chủ yếu mà ông nhận được là Bộ muốn giúp doanh nghiệp có năng lực về kiến thức pháp lý và năng lực tài chính để xử lý, tránh bị động khi gặp tranh chấp và dẫn đến phá sản.

Ông mới nói: “Thế chẳng hoá Bộ lo doanh nghiệp không có luật sư, không có tiền sẽ phá sản nên cấm luôn doanh nghiệp đó kinh doanh”.

Mãi đến năm 2016, Bộ Giao thông - Vận tải mới giảm số tiền ký quỹ xuống còn 500 triệu đồng và chỉ đến tháng 10/2018 mới đây, Bộ đã quyết định đề xuất bãi bỏ toàn bộ các yêu cầu về nhân viên pháp chế và tiền ký quỹ. 

Nhưng không ai trong những người đã đề xuất và ban hành chính sách đó trả lại cho ông và những doanh nghiệp khác như của ông số tiền đã mất trong 4 năm để trả cho hợp đồng luật sư và chênh lệch lãi suất.

2. Cách đây không lâu, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã phải rời Đại học Hoa Sen do không được làm hiệu trưởng. Ông đã được Hội đồng trường bổ nhiệm, nhưng lại không được cơ quan quản lý nhà nước công nhận. Lý do là ông không có đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp khoa phòng theo Luật Giáo dục đại học năm 2012.

Việc Nhà nước mong muốn hiệu trưởng trường đại học có năng lực quản lý là một mong muốn tốt đẹp. Nhưng, việc can thiệp bằng một quy định pháp luật lại là sai lầm. Hơn ai hết,  Hội đồng trường là người đánh giá tốt nhất về năng lực quản lý của một cá nhân để quyết định người đó có nên làm hiệu trưởng không. Sự can thiệp cứng nhắc của Nhà nước ở đây là không cần thiết, thậm chí có tác dụng ngược như ví dụ trên.

Đến Luật Giáo dục đại học năm 2018, quy định trên đã được bãi bỏ. Nhưng, có vẻ như cách tư duy đó chưa được lan toả trong chính Bộ Giáo dục  và Đào tạo, bởi hiện có rất nhiều quy định khác can thiệp vào quyền tự quyết của các trường tư thục. 

Điều 6 của Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT cũng trao quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc công nhận giám đốc trung tâm tin học, ngoại ngữ tư thục với các điều kiện, như có nhân thân tốt, có năng lực quản lý, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thậm chí còn giới hạn nhiệm kỳ của giám đốc là 5 năm. 

Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT yêu cầu các trường tư thục phải thành lập tổ tiếp nhận tài trợ khi nhận tặng cho tài sản cũng không cần thiết. Bởi tài sản được tặng cho đã thuộc sở hữu của trường tư thục và họ sẽ biết cách để quản lý, sử dụng tài sản đó một cách tốt nhất, Nhà nước không cần phải lo nguy cơ thất thoát như đối với trường công lập.

Nghị định 46/2017/NĐ-CP lại yêu cầu các lớp mẫu giáo chỉ được mở ra khi “đáp ứng nhu cầu gửi trẻ em của các gia đình”. Quả thực, nếu một lớp mẫu giáo không đáp ứng nhu cầu gửi trẻ thì người mở lớp sẽ chịu thua lỗ và tự mình phải cân nhắc điều này. Sự can thiệp của Nhà nước thực sự không cần thiết…

Có lẽ, những can thiệp trên đến từ những tư duy rất cũ về quản lý nhà nước, sự nhầm lẫn giữa công và tư. Trước đây, hầu hết các cơ sở giáo dục đều là công lập, Nhà nước không chỉ bảo đảm chất lượng giáo dục, mà còn có thể can thiệp vào cả quản trị tài chính, bổ nhiệm nhân sự của các trường công.

3. Ở đây, cần nói đến tư duy "lo hộ", "nghĩ hộ" cho doanh nghiệp tồn tại khá phổ biến trong các cán bộ làm chính sách ở ta. Tư duy đó đẻ ra rất nhiều quy định pháp luật can thiệp cứng nhắc vào thị trường, gây ra những thiệt hại không đáng có cho các doanh nghiệp. 

Thực ra, không cần phải nhắc rằng, doanh nhân khi đã dấn thân vào kinh doanh, không một ai muốn tiền của mình bị lãng phí. Do đó, hơn ai hết, các doanh nhân, các thương nhân là người hiểu rõ nhất làm thế nào để doanh nghiệp của mình phát triển. Nhà nước có chăng thì hỗ trợ doanh nghiệp bằng những biện pháp như cung cấp thông tin về thị trường, công nghệ, mang tính khuyến cáo, chứ không nên bắt buộc. Nhà nước không nên và cũng không thể lo lắng thay cho doanh nghiệp xem kế hoạch kinh doanh của họ có khả thi hay không.

Gốc rễ vấn đề là việc Nhà nước chưa tin vào các quy luật của thị trường, nóng vội muốn đạt được kết quả nên tìm cách làm thay vai trò của thị trường. Quy luật của thị trường là giá cả, cung cầu và cạnh tranh. Để đạt được điều này, vai trò đầu tiên và cốt lõi của Nhà nước là bảo vệ quyền tài sản và quyền hợp đồng một cách toàn vẹn và lâu dài. Nhưng, có vẻ những vấn đề cốt lõi này đang bị lãng quên, thay vào đó là những biện pháp hành chính cứng nhắc và phản thị trường.

Luật sư Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục