FTSE Russell - nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu vừa công bố báo cáo ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện và phát triển thị trường vốn, đồng thời cho biết sẽ xem xét việc nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2020.
Như vậy, câu chuyện nâng hạng sẽ cần thêm thời gian, với việc một số tiêu chí được nhà đầu tư ngoại đánh giá chưa đạt hoặc hạn chế, cần phải cải thiện mới có thể kỳ vọng 1 năm nữa, TTCK Việt Nam bước sang “cấp bậc” cao hơn.
Trước đó, 21 tiêu chí Tổ chức FTSE Russell xem xét, đánh giá các TTCK trong mỗi kỳ nâng hạng đã được “đội đặc nhiệm” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ngồi lại, cùng rà soát với các chuyên gia của FTSE trong chuyến công tác tháng 7/2019.
Nhiều vướng mắc từ phía nhà đầu tư, tổ chức xếp hạng đã được giải đáp, thậm chí, thiện chí của FTSE thời điểm đó khiến nhiều người kỳ vọng vào khả năng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng ngay trong tháng 9.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy, các đánh giá từ nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn những gì chúng ta kỳ vọng.
Họ muốn nhìn thấy những sự thay đổi, tiến bộ rõ ràng của Việt Nam trong môi trường đầu tư, trong các tiêu chí đánh giá mới ra quyết định nâng hạng thị trường.
Quý IV, trong khi câu chuyện thị trường hay nền tảng công nghệ chưa có điểm gì để kỳ vọng đột phá thì điểm được chờ đợi nhất chính là câu chuyện sửa Luật.
Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm 2019, sẽ làm mới nền tảng pháp lý điều tiết nhiều hoạt động của thị trường, đồng thời quyết định mô hình vận hành TTCK Việt Nam.
Nếu như trước đây, câu chuyện nhà đầu tư quan tâm nhất là khả năng Luật quy định mới về room thì nay vấn đề dư luận quan tâm là TTCK sẽ được tổ chức vận hành bởi 1 Sở, 2 Sở hay 3 Sở GDCK?
Hiện tại, dự thảo Luật Chứng khoán nghiêng về quy định mô hình tổ chức TTCK Việt Nam chỉ có 1 Sở, nhưng mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo thành lập Sở GDCK Việt Nam với mô hình 1 Sở mẹ và 2 Sở hiện hữu (HOSE và HNX) sẽ là 2 Sở con (!).
Những chuyển động vĩ mô có thể không nhận được sự quan tâm sát sao của nhà đầu tư cá nhân, nhưng lại là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Thông điệp chính sách trong phát triển TTCK Việt Nam, đặc biệt là nới room, tổ chức thị trường và hành lang pháp lý điều tiết việc gọi vốn của các doanh nghiệp, nếu không xuyên suốt và thống nhất, có thể sẽ là những điểm hạn chế mới trên con đường nâng hạng TTCK Việt Nam.
TTCK Việt Nam bước sang quý IV với kỳ vọng các nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ thông tin, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp, dệt may, cảng biển… sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực trong bối cảnh môi trường kinh doanh chung ngày càng biến động, khó lường.
Dự báo triển vọng TTCK quý này, dù là chuyên gia non nghề hay gạo cội, đều không ai “nói mạnh”, bởi thị trường đủ nhạy cảm và luôn biến động theo các diễn biến khách quan.
Tuy nhiên, Luật Chứng khoán lại là câu chuyện khác. Cơ hội sửa Luật, làm mới Luật nhiều năm mới có một lần, nên dư luận chờ đợi sẽ được đón nhận một nền tảng pháp lý mới, với tầm nhìn nhất quán và dài hạn.
Liên quan đến câu chuyện về tỷ lệ đầu tư tối đa của người nước ngoài trên TTCK, dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung không có điểm mới, nhưng dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi lại mở ra những không gian mới cho dòng vốn ngoại khi quy định công ty cổ phần được phát hành nhiều loại cổ phiếu ưu đãi, đồng thời quy định cụ thể về sản phẩm NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết).
Thực tế, trên TTCK có một bộ phận nhà đầu tư không quan tâm đến quyền bỏ phiếu tại đại hội đồng cổ đông, mà chỉ quan tâm đến việc giao dịch cổ phiếu để có được các lợi ích kinh tế.
Vì vậy, nếu các dự án Luật tạo nền tảng pháp lý thống nhất để các chủ thể có thể tiếp tục giao dịch cổ phiếu ngay cả khi giới hạn sở hữu nước ngoài đã chạm trần, sẽ là điểm cộng cho TTCK Việt Nam trên con đường nâng hạng.