Tuổi 20, chứng khoán trên đường băng nâng hạng

(ĐTCK) 21 tiêu chí Tổ chức FTSE Russell xem xét, đánh giá các TTCK trong mỗi kỳ nâng hạng đã được “đội đặc nhiệm” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ngồi lại, cùng rà soát với các chuyên gia của FTSE trong chuyến công tác tháng 7/2019. 
Đại sứ Việt Nam tại Anh quốc và Đại sứ Anh quốc tại Việt Nam đón Đoàn công tác từ Việt Nam tại LSE. Chuyến thăm để thu hút đầu tư và học hỏi kinh nghiệm phát triển thị trường Việt Nam Đại sứ Việt Nam tại Anh quốc và Đại sứ Anh quốc tại Việt Nam đón Đoàn công tác từ Việt Nam tại LSE. Chuyến thăm để thu hút đầu tư và học hỏi kinh nghiệm phát triển thị trường Việt Nam

Chia sẻ các nhà đầu tư quốc tế tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại London, ông Lê Hải Trà, phụ trách điều hành HĐQT Sở GDCK TP.HCM cho rằng, tháng 9/2019, TTCK có nhiều hy vọng được xem xét nâng hạng.

Gỡ vướng trên đường băng “nâng hạng”

Tháng 3/2019, Ủy ban Tư vấn phân hạng thị trường quốc gia FTSE công bố kết quả xem xét các TTCK, trong đó Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai, tức là không có sự thay đổi so với thời điểm tháng 9/2018, khi tổ chức này đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng.

Trong kỳ xem xét này, FTSE  đã công bố công khai 3 trong 4 tiêu chí của Việt Nam bị đánh giá tiêu cực hơn so với kỳ rà soát lần trước, đó là “Thanh toán - tỷ lệ các giao dịch thất bại hiếm” - được đánh giá từ “đạt” sang “N/A”.

Thứ hai, tiêu chí “Cho phép giao dịch ngoại hối” - bị hạ bậc từ “hạn chế” xuống “không đạt”.

Thứ ba, tiêu chí “Lưu ký - quản lý tài khoản tách biệt có sẵn cho nhà đầu tư quốc tế” bị hạ bậc từ “đạt” xuống “hạn chế”. Riêng tiêu chí “Thị trường phái sinh” được FTSE nâng bậc từ “không đạt” lên “hạn chế”. Kết quả “lệch” về điểm trừ này đã khiến nhà quản lý TTCK không khỏi lo lắng, trong mong muốn chung làm cách nào để TTCK bước lên hạng cao hơn.

Cuộc làm việc của các chuyên gia từ Việt Nam với FTSE, như chia sẻ của bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, phía Việt Nam đã lắng nghe và giải đáp các “điểm trừ” khi tổ chức này đánh giá về TTCK Việt Nam. Kết quả là nhiều vấn đề đã sáng tỏ, việc bị chấm điểm trừ chủ yếu do nhà đầu tư quốc tế chưa hiểu rõ quy định pháp lý tại Việt Nam.

Tất nhiên, Việt Nam cũng phải chỉnh sửa một số quy định hiện hành cho phù hợp với thông lệ quốc tế, chẳng hạn quy định về giao dịch cổ phiếu ngoài sàn, để bên đánh giá và bên được đánh giá đồng thuận cao hơn trong thang điểm, từ đó TTCK Việt Nam có cơ hội nâng hạng rõ ràng hơn.

Theo dự kiến, trước thềm FTSE Russell công bố kết quả nâng hạng vào tháng 9 tới, tháng 8, nhóm chuyên gia các bên sẽ ngồi lại cùng rà soát lần cuối 21 tiêu chí xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam.

Tin vui có thể sẽ đến ngay trong tháng 9/2019 hoặc muộn hơn một chút, nhưng hình ảnh về TTCK Việt Nam đã khác rất nhiều trong mắt các nhà đầu tư Anh và châu Âu sau hoạt động xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì vừa qua.

Dấn bước đến sàn chứng khoán toàn cầu

Về độ lớn và bề dày hoạt động thì TTCK Việt Nam còn nhỏ so với TTCK London (LSE), nhưng câu chuyện về kết nối 2 TTCK trở nên thân thiện ngay từ phút đầu tiên khi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward và Tổng giám đốc LSE đón Đoàn công tác Việt Nam đến thăm Sở.

Ông Gareth Ward mở lời giới thiệu bằng tiếng Việt và nói rằng, đây là lần đầu tiên thủ phủ của nền tài chính Anh được đón Đoàn công tác của ngành tài chính Việt Nam và ông tin “thỏi nam châm” thu hút đầu tư quốc tế - LSE sẽ giúp được Việt Nam, giúp các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong quá trình gọi vốn và quảng bá thương hiệu ra toàn cầu.

Theo ông Gareth Ward, 90% vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất là một diễn biến rất tốt, nhưng bước tiếp theo, Việt Nam cần mở rộng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, để chuyển dần sang nền kinh tế carbon thấp.

Tuổi 20, chứng khoán trên đường băng nâng hạng ảnh 1

Lãnh đạo Sở GDCK London đón Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đến thăm Sở, nhân chuyến công tác xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, tháng 7/2019

Chuyên gia của Tổ chức FTSE Russsel cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ tại LSE và chia sẻ đánh giá khả quan về triển vọng được xem xét nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Theo chuyên gia này, họ đã hiểu rõ hơn câu chuyện về TTCK Việt Nam nên chắc chắn sẽ có đánh giá xác thực hơn trong kỳ xem xét 21 tiêu chí xem xét nâng hạng thị trường sắp tới.

Tại LSE, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đưa cổ phiếu lên niêm yết, nhưng có 2 quỹ đầu tư, 1 của Dragon Capital và 1 của VinaCapital đã IPO và niêm yết trên TTCK London.

Theo thời gian, cả 2 quỹ đều đạt được kết quả tích cực, quy mô vốn huy động cũng như giá chứng chỉ quỹ đều tăng. Đặc biệt, Quỹ VEIL của Dragon Capital đã thu hút được 80 nhà đầu tư tổ chức kể từ sau khi niêm yết trên LSE, so với trước đây mới có 20 nhà đầu tư tổ chức.

Thực tế này khiến ông Dominic Scriven chia sẻ, ông rất mong các doanh nghiệp Việt Nam mạnh mẽ dấn bước, hướng đến các tiêu chuẩn quản trị quốc tế để tiếp cận với thị trường vốn toàn cầu.

“Đặc sản” của LSE chính là việc giúp các doanh nghiệp toàn cầu huy động vốn. Năm 2018, LSE giúp 79 doanh nghiệp trên toàn cầu huy động trên 9 tỷ Euro vốn thông qua IPO, giữ vị trí thị trường số 1 châu Âu về huy động vốn. 6 tháng đầu năm 2019, LSE giúp các doanh nghiệp huy động thêm 6 tỷ Euro, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018.

Điểm đặc biệt của LSE là tỷ lệ các doanh nghiệp quốc tế tham gia IPO, niêm yết đến từ các nền kinh tế khác nhau lớn hơn bất kỳ TTCK nào trên thế giới. Cách đây không lâu, LSE đã kết nối với Sở GDCK Thượng  Hải. Ngay sau đó, Huatai - một công ty Trung Quốc đã huy động được 1,4 tỷ Euro tại LSE và sau đó, cổ phiếu của Huatai vẫn được giao dịch tại nước sở tại.

Lãnh đạo LSE cho rằng, khi các doanh nghiệp ở những thị trường anh em với Việt Nam kết nối gọi vốn hiệu quả trên LSE, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ thấy LSE gần gũi hơn và khả năng hợp tác giữa LSE với TTCK cũng như các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rộng mở. Chuyên gia LSE chia sẻ, họ mong muốn sẽ sớm có doanh nghiệp Việt Nam chọn LSE như “ngôi nhà của mình”, bước chân lên sàn London để “thế giới nhìn thấy doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn”.

LSE hy vọng là các doanh nghiệp Việt Nam hãy “kể câu chuyện của mình về nhu cầu vốn và kế hoạch tăng trưởng”, nhất là các doanh nghiệp nhà nước lớn đang cần cổ phần hóa, hay các doanh nghiệp tư nhân đang cần gọi thêm nguồn lực để vươn ra toàn cầu.

Tất nhiên, gọi vốn trên sàn chứng khoán London không phải là việc dễ dàng khi doanh nghiệp Việt Nam đa số chưa công bố thông tin bằng tiếng Anh, chưa từng phải tuân thủ chuẩn mực cũng như kỷ luật minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế...

Tuy nhiên, cũng như con người, chặng đường trưởng thành và vươn xa của mỗi doanh nghiệp, mỗi thị trường đều phải đi từng bước. Nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng sẽ không chỉ giúp thị trường thu hút thêm được hàng trăm triệu USD vốn thụ động từ các quỹ đầu tư nước ngoài, mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam thêm tự tin dấn bước ra thị trường quốc tế. Ở ngoài Việt Nam, thị trường vốn toàn cầu rất rộng lớn và có nhiều không gian đáng trải nghiệm, đáng hướng đến.                                 

Tường Vi
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục