Nâng hạng thị trường cần nỗ lực nhiều hơn

(ĐTCK) Thông tin về việc Morgan Stanley Capital International (MSCI) chưa đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường chứng khoán trong kỳ phân loại thị trường định kỳ vừa qua không khiến nhà đầu tư bất ngờ.
Nâng hạng thị trường cần nỗ lực nhiều hơn

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng bởi tâm lý không ít nhà đầu tư đang có phần chán nản bởi diễn biến giao dịch lình xình và các yếu tố ngoại biên có phần tiêu cực nhiều hơn tích cực.

Trong các yếu tố ngoại biên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được nhận định sẽ không kết thúc dễ dàng và cũng không thể trong một sớm một chiều. Việt Nam cũng như các nền kinh tế toàn cầu phải thích nghi với môi trường kinh doanh mới là bất ổn thường trực do căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn. Vì thế, để có thể cạnh tranh hơn, các nền kinh tế phải tự tái cơ cấu, đổi mới để trở nên hiệu quả và hấp dẫn hơn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa để cải cách đổi mới và những gì cần đổi mới đã được nhận diện. Cuối năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng chia sẻ: "Nếu gặp chuyên gia của MSCI, tôi sẽ hỏi rằng, tổ chức còn chờ gì nữa mà không nâng hạng cho thị trường Việt Nam, bởi vì các chỉ tiêu về định lượng đã đạt và thậm chí một số còn vượt xa".

Nhưng đến giờ, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng. Nhìn thị trường Kuwait vừa được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi với nhiều vấn đề được cải thiện, thậm chí giới hạn sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng cũng không còn, giới đầu tư tại Việt Nam cảm nhận rằng, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam dù đã có mục tiêu là đến năm 2020 nhưng có thể kéo dài lâu hơn nữa, nếu không có quyết tâm chính trị mạnh mẽ.

Lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam vẫn đang ở mức kiến nghị nâng sở hữu khối ngoại từ 30% lên 49%. Sở hữu nước ngoài ở các doanh nghiệp vẫn đang là rào cản lớn nhất trong việc nâng hạng thị trường.

Yếu tố thứ hai là sự hài lòng của nhà đầu tư chuyên nghiệp với thị trường Việt Nam, vì việc nâng hạng không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi quốc gia, mà còn phụ thuộc vào lá phiếu của các nhà đầu tư đã và đang tham gia đầu tư ở Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa thuyết phục nhà đầu tư thực sự hài lòng, mà chỉ ở mức vừa phải, thậm chí buộc phải chấp nhận “nhập gia tùy tục”.

Chia sẻ với báo giới trong cuộc gặp mới đây, ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết: “Gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư hỏi tôi, môi trường ở Việt Nam thế nào? Tôi trả lời, không dễ đâu, nhưng có thể thành công nếu cố gắng”. Theo ông Bennett, thành công của Sabeco chính là thành công của Việt Nam.

Tất nhiên, một nhà đầu tư đã bỏ ra 5 tỷ USD vào Việt Nam thì không còn con đường nào khác là phải cố gắng, nhưng với nhiều nhà đầu tư ngoại khác, họ muốn được đáp ứng hơn là phải cố gắng. Do đó, Việt Nam cần thêm những lá phiếu từ các nhà đầu tư này.

Làm sao để câu trả lời về môi trường kinh doanh ở Việt Nam thuyết phục hơn khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư cần đến Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn, tránh bão chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục