Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Nhiều nút thắt

(ĐTCK) Nhà đầu tư, giới chuyên gia trong và ngoài nước đang có cái nhìn lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng từ hạng cận biên lên mới nổi, nhờ nhiều yếu tố trợ lực.
Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Nhiều nút thắt

Nhiều yếu tố tiếp sức

Khoảng 200 chuyên gia, nhà đầu tư thuộc giới tài chính, đầu tư, thương mại trong nước và quốc tế đã tham gia AOA Forum Vietnam 2019 - Hội nghị thượng đỉnh đầu tư quốc tế khu vực châu Á lần thứ 5, lần đầu tiên được Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) hợp tác với Hiệp hội Ðầu tư quốc tế châu Á (AOA) tổ chức diễn ra cuối tuần qua.

Một điểm đáng chú ý là nhiều chuyên gia có cùng góc nhìn, đặt trong mối tương quan so sánh với nhiều nước ở châu Á, nền kinh tế để thấy rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sức hấp dẫn đáng kể trong cạnh tranh thu hút các dòng vốn đầu tư trên toàn cầu.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao, xoay quanh khoảng trên dưới 7%/năm. Mức tăng trưởng này tạo ra hấp lực ngay cả trong mối tương quan so sánh với các nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc, Ấn Ðộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt của Việt Nam đang được duy trì trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vận động theo chiều hướng tích cực.

Là chuyên gia có nhiều năm hoạt động ở thị trường vốn quốc tế, ông Gauraw Srivastava, Trưởng phòng quản lý tài sản, Ngân hàng VPBank nhìn nhận, trong góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, các thị trường ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ đội ngũ lao động trẻ, có kỹ năng làm việc tốt; lực lượng doanh nghiệp trẻ, còn nhiều tiềm năng phát triển. Ngoài ra, tỷ lệ sinh lời với nhiều ngành kinh doanh ở Việt Nam hiện khá hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực... Ðiều này giải thích tại sao nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam.

Những yếu tố trên không chỉ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng thu hút thêm vốn ngoại, mà dòng vốn trong nước cũng còn nhiều tiềm năng. Theo ông Kenneth Camilleri, Giám đốc bộ phận thuế của Công ty luật Chetcuti Cauchi, tương tự như nhiều quốc gia, số lượng người giàu ở Việt Nam đang tăng nhanh và dự kiến trong những năm tới sẽ gấp 2 - 3 lần so với hiện tại. Ðối tượng này có nhu cầu trong việc tìm kiếm các kênh đầu tư để phân bổ tài sản sao cho hiệu quả.

“Trong vòng một thập kỷ qua, số lượng người giàu ở Việt Nam tăng khoảng 200%. Ðây là khách hàng rất tiềm năng đối với ngành quản lý quỹ, mang lại triển vọng tạo ra dòng vốn mới chảy vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới”, ông Gauraw Srivastava dự báo. 

Thị trường chứng khoán sẽ sớm lên hạng

“Cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn khả quan, định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại khá hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực như: Philippines, Malaysia..., nên đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Ðiều này tiếp sức tốt cho nỗ lực nâng hạng thị trường. Không lâu nữa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thành công trong việc nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Trên thực tế, tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi để nâng từ hạng thị trường cận biên lên hạng mới nổi”, ông Gauraw Srivastava chia sẻ.

Tuy nhiên, để thành công trong việc nâng hạng, theo ý kiến từ phía chuyên gia, Việt Nam cần có giải pháp để giải quyết hiệu quả một số vấn đề. Ðầu tiên là tình trạng biến động thái quá của thị trường chứng khoán mỗi khi thị trường đi xuống. Ðiều này tác động tiêu cực đến thành quả hoạt động của các quỹ đầu tư, nên sẽ ảnh hưởng không tích cực đến đánh giá, nhận xét của họ về thị trường, trong khi đây đang là một trong những yếu tố “làm khó” cho nỗ lực nâng hạng.

Việc bảo vệ nhà đầu tư cần phải được cải thiện bằng cách phát triển nhiều công cụ để không chỉ đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư mà cả thị trường.   

Thêm vào đó, cùng với nỗ lực cải thiện chất lượng minh bạch thông tin, giới đầu tư ngoại trông đợi Việt Nam sớm có lời giải khả thi cho bài toán cho phép nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp đang niêm yết (nới room).

Ngoài ra, tình trạng “bó cứng” của quy định pháp lý khiến cho các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường chứng khoán Việt Nam yếu kém cả về lượng và chất. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên thị trường đang gặp khó khăn trong việc sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nên chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng, phức tạp của nhà đầu tư.

Cách nào bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư cũng là mối quan tâm của chuyên gia, giới đầu tư trong và ngoài nước. Ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAFI nhìn nhận, việc bảo vệ nhà đầu tư cần phải được cải thiện bằng cách phát triển nhiều công cụ, để không chỉ đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư mà cả thị trường.

“Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy hợp tác với các bên có liên quan, học hỏi kinh nghiệm từ Mỹ, Ðài Loan, Hồng Kông... để bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Qua đó giúp nhà đầu tư không trở thành nạn nhân của tình trạng thông tin bất minh, bị đối xử không công bằng trên thị trường.

Tuy nhiên, cái khó là chúng tôi thiếu cơ chế đại diện cho nhà đầu tư trong đàm phán và giải quyết các tranh chấp liên quan đến pháp lý, nên cần sự hợp tác của các cơ quan quản lý. Một khi hiệu quả bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán được cải thiện rõ rệt, thì sẽ giúp cho việc bảo vệ nhà đầu tư trở nên chuyên nghiệp, thu hút thêm dòng vốn gia nhập thị trường”, ông Tuấn nói.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục