DBC, DPM, DNM đạt kết quả vượt trội
CTCP Tập đoàn Dabaco (Dabaco - DBC) dẫn đầu các doanh nghiệp có tăng trưởng hiệu quả đột biến so với cùng kỳ, khi ghi nhận lãi ròng 401 tỷ đồng. Kết quả này góp phần đưa lãi lũy kế 6 tháng của DBC lên hơn 750 tỷ đồng, gấp 27 lần so với 6 tháng năm 2019 và hoàn thành 64% kế hoạch năm. Mức lãi này cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của DBC.
Kết quả đột biến tại BDC đến từ việc hưởng lợi giá thịt lợn tăng cao trong nửa đầu năm, trong khi cùng kỳ, mảng kinh doanh này lại chịu diễn biến giá xuống thấp do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Mặt khác, một số dự án hoàn thành được DBC đưa vào sản xuất trong quý II như Nhà máy dầu thực vật Dabaco, Nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, Khu chăn nuôi gà giống đã đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung. Bám sát hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, cổ phiếu DBC trong nửa đầu năm nay tăng giá 115%.
Tuy nhiên, tương lai DBC lại không được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực. Theo dự báo của một số công ty chứng khoán, trong đó BSC, DBC khó duy trì được kết quả kinh doanh ở mức cao trong nửa cuối năm 2020, do nguồn cung thịt lợn đang tăng lên nhờ việc tái đàn trong dân.
Cùng với đó nhu cầu tích trữ thực phẩm của người dân đã dịu bớt, sẽ góp phần bình ổn giá thịt lợn.
Dịch tả lợn châu Phi cũng có thể bùng phát trở lại nếu không được kiểm soát tốt. BSC dự báo, sang năm 2021, giá thịt lợn có thể giảm về ngưỡng 50.000 đồng/kg, qua đó làm giảm biên lãi gộp của DBC.
Về tài chính, BSC cho rằng, khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho của DBC đang có dấu hiệu tăng lên, là điểm nhà đầu tư cần lưu ý, khi tiếp tục đua tiền vào mã này.
Tổng CTCP Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) cũng là cái tên có tăng trưởng đột biến với doanh thu thuần quý II đạt 2.178 tỷ đồng, tăng 12,8%; lợi nhuận gộp đạt 570 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 308,3 tỷ đồng, cao gấp 8,5 lần cùng kỳ; trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 303 tỷ đồng.
Nhà máy của DPM có công suất thiết kế 540.000 tấn NH3/năm; 800.000 tấn phân đạm/năm và 250.000 tấn phân NPK/năm. Thị phần DPM đang chiếm khoảng 40% nhu cầu phân đạm trên toàn quốc năm 2019.
Có được kết quả trên, đại diện Ðạm Phú Mỹ cho biết, lý do là sản lượng hàng bán phân urê tăng đến 46% so với cùng kỳ, giúp doanh thu tăng. Ngoài ra, giá khí là nguyên liệu đầu vào chính của sản phẩm Ðạm Phú Mỹ, đã giảm so với cùng kỳ, cũng làm cho giá thành sản phẩm của công ty thấp hơn.
Ðánh giá về mã DPM, ông Ðinh Minh Trí, nhà phân tích của Mirae Asset cho rằng, gần đây, nhà đầu tư chú ý đến mã này vì kỳ vọng vào thông tin phân bón sẽ được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), qua đó giúp các doanh nghiệp trong ngành được khấu trừ thuế đầu ra và giảm chi phí. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu lại thông tin trên thì nhiều khả năng việc sửa đổi thuế VAT chưa được trình Quốc hội sửa đổi trong kỳ họp lần này.
Một cái tên mới mẻ - Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (DNM) - cũng là doanh nghiệp đang có mức tăng trưởng ấn tưởng. DNM đạt doanh thu quý II tăng 383%, lên 239 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17,4 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ năm trước. DNM chuyên sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế, sản phẩm thiết yếu trong thời buổi chống dịch Covid-19, đây là một trong những nguyên nhân giúp kết quả quý II của DNM tăng trưởng mạnh.
Nhóm bất động sản khu công nghiệp lãi tốt
Ðúng như dự báo của nhiều nhà đầu tư, nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang cho thấy kết quả quý II/2020 ấn tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp như SZC, D2D, IDV…
Ðây cũng là nhóm cổ phiếu được giới đầu tư lựa chọn cho năm 2020 với kỳ vọng các doanh nghiệp ngành này được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư, sản xuất từ quốc tế vào Việt Nam.
Với đặc thù là có nguồn thu ổn định từ các hợp đồng dài hạn và lượng tiền mặt hiện hữu cao, nhóm bất động sản công nghiệp nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền đầu tư trong thời gian vừa qua.
Tại CTCP Sonazedi Châu Ðức (SZC), quý II, doanh thu đạt 153 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế 71,5 tỷ đồng, gấp 2,34 lần. Lũy kế 6 tháng, SZC lãi 125 tỷ đồng, vượt 8,5% kế hoạch cả năm.
Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này lãi tốt đến từ việc tăng mạnh doanh thu cho thuê đất và phí quản lý tại CTCP Phát triển công nghiệp số 2 (D2D), quý II/2020, doanh thu đạt 68 tỷ đồng, tăng 12%, doanh thu tài chính tăng đáng kể (chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay), gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 87 tỷ đồng đã khiến cho lợi nhuận thuần từ của Công ty tăng cao, đạt 126 tỷ đồng. Kết quả, lãi sau thuế tăng 130%, đạt 101,5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của D2D là 2.067 tỷ đồng, hơn 50% là tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng, tăng 17% so với đầu kỳ. D2D có 375 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn và không có nợ vay tài chính.
Trong hàng tồn kho, công trình Khu dân cư Lộc An - Long Thành đang chiếm tỷ trọng lớn nhất hơn 87%, đạt 167 tỷ đồng và Dự án xây dựng Văn phòng Công ty chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn, với 24 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của D2D sau 6 tháng đầu năm nay ghi nhận âm 80 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 586 tỷ đồng.
Tại CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), quý II/2020, doanh thu thuần giảm nhẹ xuống 274 tỷ đồng, nhưng giá vốn giảm sâu 27% nên lợi nhuận gộp đạt 88 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.
Ðặc biệt, PHR có khoản lợi nhuận khác tăng vọt lên 314 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ. Nhờ đó, Công ty lãi sau thuế đột biến 345 tỷ đồng, gấp 5,2 lần cùng kỳ.
Kết quả tăng trưởng này nhờ lợi nhuận từ cho thuê đất khu công nghiệp tăng lên, lãi tiền gửi ngân hàng và khoản tiền đền bù đất cho dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng với giá trị 300 tỷ đồng.
Ngày 30/7/2020 là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố kết quả quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2020.
Trong bối cảnh TTCK đang suy giảm khá sâu do nhà đầu tư chịu áp lực tâm lý từ thị trường quốc tế cũng như lo lắng dịch Covid-19 manh nha trở lại, kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp công bố kết quả tích cực, để đỡ đà rơi của giá cổ phiếu.