Cổ phiếu chứng khoán tạo sóng từ kỳ vọng kết quả quý II

(ĐTCK) Gần đây, nhiều cổ phiếu chứng khoán đồng loạt bứt phá như SSI, HCM, SHS, VCI, MBS, SBS, VND, BVS, VDS, VIG…
Ảnh: Dũng Minh Ảnh: Dũng Minh

Giá và thanh khoản tăng vọt

Trong quý II, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng vọt, không ít phiên giao dịch đạt 7.000 - 8.000 tỷ đồng, là tín hiệu tích cực để dự báo trước kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn rất nhiều so với quý I của khối công ty chứng khoán.

Điều này đã được dòng tiền đầu tư nhanh nhạy đón đầu cơ hội, khiến nhiều cổ phiếu chứng khoán tăng giá mạnh. Biểu hiện rõ ràng nhất là trong tuần qua và đầu tuần này, các mã SSI, HCM, SHS, VCI, MBS, SBS, VND, BVS, VDS, VIG… đồng loạt bứt phá.

Chẳng hạn, cổ phiếu SSI của Công ty Chứng khoán SSI phiên 23/6 có hơn 14 triệu đơn vị được khớp lệnh tại mức giá 16.100 đồng/cổ phiếu, thanh khoản lập kỷ lục, còn giá cao nhất trong 5 tháng. Tính từ đầu quý II đến nay (23/6), giá cổ phiếu này tăng khoảng 60%.

Tương tự, cổ phiếu HCM của Công ty Chứng khoán TP.HCM cũng có giá và thanh khoản tăng vọt, phiên 23/6 đóng cửa tại mức giá 20.400 đồng/cổ phiếu, tăng 5,2% so với phiên trước đó, với hơn 5,2 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tính từ đầu quý II đến nay, giá cổ phiếu HCM tăng trên 70%.

Trong cùng khoản thời gian, cổ phiếu SHS của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội có đà tăng giá mạnh mẽ, tăng 135%, từ 5.700 đồng/cổ phiếu lên 13.400 đồng/cổ phiếu, cao nhất 2 năm gần đây.

Các mã chứng khoán khác như VCI của Công ty Chứng khoán Bản Việt ghi nhận mức tăng 39%, MBS của Công ty Chứng khoán MB tăng 34%, BVS của Công ty Chứng khoán Bảo Việt tăng 29%, VND của Công ty Chứng khoán VNDIRECT tăng 20%...

Mức tăng giá mạnh của nhóm chứng khoán dễ dàng được thị trường lý giải khi mà ngay từ đầu quý II, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự hồi phục tốt, cả về thanh khoản và điểm số.

Dự phóng kết quả kinh doanh quý II

Trong quý đầu năm, kết quả kinh doanh của khối công ty chứng khoán ảm đạm bởi chỉ số chứng khoán và thanh khoản thị trường lao dốc (VN-Index giảm khoảng 30%, từ trên 990 điểm xuống 662 điểm), kéo theo nhu cầu giao dịch ký quỹ (margin) ở mức thấp, khiến hai nguồn thu chính của nhiều công ty bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với sự phục hồi mạnh mẽ của của thị trường chứng khoán trong quý II, không ít phiên đạt giá trị giao dịch 7.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên đạt 23.000 tỷ đồng với giao dịch thoả thuận “khủng” của cổ phiếu VHM, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự phóng, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường có thể đạt 332.000 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.

Dư nợ margin tại các công ty chứng khoán cũng tăng; mức tăng bình quân tại một số công ty khoảng 20% so với quý I. Theo đó, thu nhập từ phí, lãi margin dự kiến tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index hiện có mức tăng trên 30% so với cuối quý I, từ 662 điểm lên 860 điểm vào phiên 24/6 (phiên 9 - 10/6 còn đạt trên 900 điểm), dự kiến mang lại kết quả khả quan cho danh mục tự doanh.

Thời điểm cuối quý I, điểm số thị trường giảm mạnh đã tác động lớn đến danh mục tự doanh của khối công ty chứng khoán, không ít công ty buộc phải bán cắt lỗ hoặc trích lập dự phòng hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng.

Một số công ty có danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (PVTPL) lớn thời điểm cuối quý I là SSI, SHS, VND, VCI…

Nhưng trong quý II, hầu hết các cổ phiếu trên thị trường đều hồi phục từ 20 - 40%, có những mã tăng giá 50 - 100%. Theo đó, các công ty chứng khoán giữ được danh mục dự kiến sẽ được hoàn nhập dự phòng lớn.

Chẳng hạn, trong danh mục quý I của SSI có cổ phiếu HPG, TCB, VNM, VPB và giá các mã này hồi phục mạnh trong quý II.

Cụ thể, HPG tăng từ 17.000 đồng/cổ phiếu ngày 1/4 lên 27.000 đồng/cổ phiếu ngày 24/6, tương ứng tăng gần 60%.

Tương tự, TCB tăng 36%, VNM hơn 28%, VPB tăng hơn 31%. Trên thị trường đang có thông tin đồn đoán rằng, SSI có thể lãi gần 700 tỷ đồng trong quý II, nhưng phía Công ty chưa đưa ra ước tính về kết quả kinh doanh trong kỳ.

Với HCM, trong 6 tháng đầu năm, Công ty ước lãi trước thuế 310 tỷ đồng (quý I lãi 127 tỷ đồng, quý II lãi 180 tỷ đồng), đạt trên 50% kế hoạch năm.

Về hoạt động tự doanh, tại Đại hội đồng cổ đông 2020 tổ chức ngày 23/6, lãnh đạo Công ty chia sẻ, HCM chỉ giao dịch ở các cổ phiếu lớn nhất và thường mua bán chỉ số, nhằm tránh nguy cơ tranh mua, tranh bán với khách hàng.

Mua bán chỉ số rất dễ và không làm biến động thị trường, không ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Cuối quý I, danh mục cổ phiếu của Công ty bằng 0. Trong quý II, Công ty mua bán chỉ số, giá trị giao dịch cả ngàn tỷ đồng, nhưng vị thế ròng là 0.

Mục tiêu mảng tự doanh năm 2020 của HCM là đạt doanh thu 309 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2019, chủ yếu tăng trưởng hoạt động đầu tư vào trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục