Bấp bênh sức nóng nhóm cổ phiếu chứng khoán

(ĐTCK) Kể từ ngày 1/4 tới ngày 10/4, các cổ phiếu như SSI bật tăng 34%, HCM bật tăng 37,95%, VCSC tăng 23,94% và VND giảm 3,5% so với mức tăng của VN-Index là 15,15%, cho thấy sự hồi phục của nhóm cổ phiếu đầu ngành chứng khoán mạnh hơn, đặc biệt trong các phiên tăng xuất hiện dư mua trần tại các mã SSI, HCM và VCSC.
Bấp bênh sức nóng nhóm cổ phiếu chứng khoán

Thống kê giao dịch của VN-Index cho thấy khối lượng khớp lệnh quý I/2020 là 13.263,1 triệu cổ phiếu, trong khi quý I/2019 là 8.521,1 triệu cổ phiếu, tức tăng tới 55,65% so với cùng kỳ.

Do hiện tượng bán tháo liên tục xuất hiện, đặc biệt là các tuần cuối của tháng 3/2020 đã đẩy thanh khoản  tăng mạnh.

Hiện tượng bán tháo ngắn hạn là cơ sở cho thấy giá trị giao dịch tăng đáng kể so với quý I/2019, giúp nhóm chứng khoán có doanh thu từ margin và phí giao dịch cao hơn cùng kỳ.

Bên cạnh đó, đặc điểm nhóm cổ phiếu chứng khoán có tài sản chủ yếu là tài sản ngắn hạn như dư nợ vay margin, doanh mục đầu tư tài chính, vì vậy giá trị tài sản theo sát giá thị trường so với nhiều ngành nghề khác.

Sau khi hồi phục mạnh, thị giá nhóm chứng khoán vẫn thấp hơn giá trị sổ sách như SSI thị giá 13.450 đồng/CP, thấp hơn giá trị sổ sách 18.504 đồng/CP; VCSC thị giá 17.600 đồng/CP, trong khi giá trị sổ sách là 24.652 đồng/CP; VND thị giá 14.200 đồng/CP, trong khi giá trị sổ sách là 15.576 đồng/CP; HSC thị giá 15.200 đồng/CP, trong khi giá trị sổ sách là 18.504 đồng/CP…

Chính vì vậy, mỗi khi thị trường hồi phục, thanh khoản cải thiện là cơ sở cho giới đầu tư kỳ vọng nhóm cổ phiếu chứng khoán hưởng lợi ngay lập tức.

Bên cạnh đó, yếu tố thị giá cổ phiếu nằm dưới giá trị sổ sách cũng thôi thúc dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này, khi dòng tiền có dấu hiệu lan rộng ra các cổ phiếu cơ bản, giảm mạnh và dưới giá trị tài sản.

Bấp bênh sức nóng nhóm cổ phiếu chứng khoán ảnh 1

Tuy nhiên, do áp lực giảm mạnh của VN-Index, những công ty có giá trị tự doanh cao cũng có thể sẽ bị phản ảnh tiêu cực trong báo cáo.

Tính tới 31/12/2019, trước khi thị trường giảm sâu, giá trị tự doanh của nhóm chứng khoán lần lượt là SSI có 4.315,2 tỷ đồng giá trị khoản mục tài sản tài chính  ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), trong đó có nắm giữ các cổ phiếu tiêu biểu như HPG, GEX, FPT, MBB, PLX… và một số cổ phiếu khác và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) là 760 tỷ đồng.

Chứng khoán VNDIRECT mặc dù không công bố danh mục cổ phiếu cụ thể trong báo cáo quý IV/2019 nhưng đang nắm giữ 680,7 tỷ đồng tài sản AFS và tài sản tài chính FVTPL là 1.494,9 tỷ đồng.

Chứng khoán VCSC có tài sản tài chính FVTPL là 794,9 tỷ đồng với các cổ phiếu như KDH, HPG, ACB, VNM, VIC… và một số chứng khoán chưa niêm yết.

Trong khi đó, tài sản tài chính AFS là 1.731 tỷ đồng với các cổ phiếu MSN, VPB, PC1, MWG, POW, TCB… và một vài cổ phiếu chưa niêm yết.

Như vậy, nhóm nhóm tự doanh nếu không năng động rút bớt có thể tác động tiêu cực tới báo cáo quý IV/2020 của các công ty chứng khoán.

Ngoài yếu tố cạnh tranh trong ngành, nhóm chứng khoán còn đang phải đối mặt với thách thức từ triển vọng nền kinh tế.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán được phân vào nhóm cổ phiếu chu kỳ, có độ nhạy cao với chu kỳ kinh tế. Chính vì vậy, mỗi giai đoạn nền kinh tế mở rộng, ngay lập tức nhóm này hưởng lợi và ngược lại.

Không phải tới khi xuất hiện dịch Covid-19 thì nhóm chứng khoán mới gặp khó khăn. Ngay từ tháng 4/2018, khi xuất hiện dấu hiệu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhóm này đã bắt đầu có kết quả kinh doanh đi xuống và đỉnh điểm là năm 2019, kết quả kinh doanh giảm mạnh tại hầu hết các doanh nghiệp trong ngành.

Tới khi dịch Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng thêm lần nữa về chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, cũng như các ngành dịch vụ, xuất khẩu bị ảnh hưởng trầm trọng, một lần nữa giá cổ phiếu nhóm chu kỳ này lại có dấu hiệu giảm mạnh hơn thị trường.

Như vậy, có thể thấy, không những kết quả kinh doanh có độ nhạy với diễn biến thị trường mà giá chứng khoán nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng rất nhạy với thị trường.

Ðiểm tích cực nhà đầu tư kỳ vọng đến từ thanh khoản, dư nợ margin và giá cổ phiếu giảm sâu dưới giá trị sổ sách.

Tuy nhiên, mảng tự doanh do áp lực giảm giá đang là thách thức với báo cáo quý I/2020 nếu như công ty chứng khoán không năng động hạ tỷ trọng sớm.

Trong dài hạn, nhóm chứng khoán cần nhất là triển vọng kinh tế tích cực, còn trong ngắn hạn, nhóm này tăng, giảm theo kỳ vọng và nỗi lo về kết quả quý I/2020 sẽ công bố chậm nhất vào ngày 20/4 tới.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục