PYN Elite tăng mua cổ phiếu VHM
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi liên tiếp tăng điểm trong nửa đầu tháng 1/2021 đã có một số phiên lao dốc bởi động thái bán ra chốt lời diễn ra mạnh mẽ kéo theo áp lực giải chấp khi lượng vay giao dịch ký quỹ (margin) ở mức cao. Theo đó, chỉ số VN-Index trong tháng đầu năm giảm 4,28%.
PYN Elite, quỹ Phần Lan quản lý khối tài sản 572 triệu USD chứng kiến tài sản ròng (NAV) trên mỗi chứng chỉ quỹ giảm 5,39% trong tháng 1, chủ yếu bởi cổ phiếu VEA, CTG và POW giảm giá. Đây là tháng có thành tích kém nhất của PYN Elite kể từ năm 2017.
Nhận định về diễn biến thị trường, trong thư gửi nhà đầu tư vào tháng 2/2021, ông Petri Deryng, người đứng đầu Quỹ PYN Elite cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm 2021 một cách “hốt hoảng”, nhưng triển vọng cả năm vẫn rất tích cực.
Nguồn cơn khiến thị trường có những phiên rung lắc mạnh xuất phát từ đà tăng nhanh trước đó của VN-Index, từ 900 điểm lên gần 1.200 điểm trong chưa tới 10 tuần. Thực tế, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng và định giá cổ phiếu vẫn ở mức hấp dẫn là các yếu tố để kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến tích cực trong năm nay.
Mức đỉnh gần nhất mà thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được là 1.200 điểm vào tháng 4/2018, sau một năm 2017 nhiều thành công. Năm 2021, lợi nhuận của các doanh nghiệp ước tính cao hơn 40% so với năm 2017. Nếu VN-Index giao dịch quanh mức 1.200 điểm, điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đang mua cổ phiếu với mức chiết khấu 40% so với tháng 4/2018.
Đáng chú ý, ngay trong thời điểm đầy biến động đầu năm 2021, PYN Elite đã dồn lực mua cổ phiếu VHM, đưa cổ phiếu này trở thành khoản đầu tư lớn nhất danh mục. Theo đó, trong 3 tháng tính tới tháng 1/2021, từ việc không nằm trong Top 10 khoản đầu tư lớn nhất, cổ phiếu VHM đã được nâng lên chiếm 9,82% danh mục đầu tư, trị giá 56,2 triệu Euro (tương đương 1.500 tỷ đồng).
PYN Elite cho biết, VHM và ETF VFMVN Diamond là hai khoản đầu tư có đóng góp tích cực nhất cho hoạt động của Quỹ trong tháng 1 vừa qua.
AFC Vietnam Fund chỉ nắm giữ 0,2% tiền mặt
Một quỹ đầu tư khác là AFC Vietnam Fund có hiệu suất đầu tư âm 1,9% trong tháng 1/2021.
AFC Vietnam Fund nhận định, bất ổn gia tăng và điều chỉnh mạnh là một phần của “cuộc chơi” trên thị trường chứng khoán, nhưng việc VN-Index tiến gần mức đỉnh cao nhất từ trước tới nay ở 1.200 điểm rõ ràng đã tạo nên sức hấp dẫn lớn, thúc đẩy dòng tiền mới chảy mạnh vào thị trường. Sau khi chỉ số tăng hơn 20% trong quý IV/2020 và tăng thêm 8% trong 7 phiên giao dịch đầu năm 2021, thị trường giảm điểm mạnh là một diễn biến “lành mạnh”.
Nhiều quỹ đầu tư giảm tỷ trọng sở hữu tiền mặt, tăng mua cổ phiếu.
Việc đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam phần nào được thể hiện ở việc quỹ này gần như “tất tay” vào cổ phiếu khi chỉ nắm giữ 0,2% tiền mặt tính tới cuối tháng 1/2021.
5 khoản đầu tư lớn nhất của AFC Vietnam Fund bao gồm ABI (8,1%), LBP, DVP, VND và PTB. Tính tới cuối tháng 1/2021, Quỹ rót tiền nhiều nhất vào lĩnh vực tài chính (35% danh mục đầu tư) và công nghiệp (23,5%).
Thực tế, trong giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh vừa qua, các quỹ đầu tư duy trì đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của thị trường nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, một trong những biểu hiện “chân thật” nhất là giảm tỷ trọng sở hữu tiền mặt, đặt cược nhiều hơn vào cổ phiếu.
VOF giảm tỷ trọng cổ phiếu ngoài sàn
VOF, quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý, đầu tư mạnh vào lĩnh vực vốn cổ phần tư nhân, nhưng trước sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán đã giảm tỷ trọng các cổ phiếu ngoài sàn. Tính tới cuối tháng 1/2021, tỷ trọng đầu tư vốn cổ phần tư nhân và cổ phiếu chưa niêm yết của VOF lần lượt là 15,5% và 10,6%, trong khi từng chiếm tới 26,9% và 13,3% vào tháng 3/2020.
VOF đang quản lý khối tài sản trị giá 959,6 triệu USD. Trước đó, kết thúc năm 2020, giá trị tài sản ròng của Quỹ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2019.
VinaCapital cho rằng, thị trường điều chỉnh và các cổ phiếu bị bán tháo tạo cơ hội tốt để mua vào. Góc nhìn này được củng cố bởi các cuộc trò chuyện với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tại các lĩnh vực khác nhau. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của hầu hết các công ty mà VinaCapital gặp gỡ đều duy trì sự tích cực và bền vững.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài đang dần trở lại trạng thái mua ròng. Kể từ tháng 1/2020 tới tháng 10/2020, khối ngoại liên tiếp bán ròng cổ phiếu tại khu vực các thị trường cận biên và mới nổi châu Á, chỉ mới quay trở lại mua ròng trong 3 tháng qua. Hiện tại, khoảng một nửa số tiền bị rút ra quay trở lại các thị trường này. VinaCapital tin rằng, dòng tiền ngoại đang “chờ thời điểm” sẽ trở thành động lực đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên nấc thang mới trong năm 2021.
VEIL tập trung vào cổ phiếu ngân hàng và bất động sản
Giữ ngôi vị quỹ đầu tư lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị tài sản ròng hơn 1,7 tỷ USD, Quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý cũng tăng trưởng âm trong tháng 1/2021. Cụ thể, hiệu suất đầu tư của Quỹ âm 3,61% trong tháng đầu năm.
Tính tới cuối tháng 1/2021, VEIL đầu tư lớn nhất vào nhóm cổ phiếu ngân hàng (27,13% giá trị đầu tư), tiếp theo là bất động sản (26,43%), thực phẩm, đồ uống (10,17%)… Tuy nhiên, trong tháng 1, tất cả các lĩnh vực đầu tư đều mang lại hiệu suất âm, mức giảm mạnh nhất thuộc về nhóm ngân hàng và bất động sản.
Dragon Capital cho biết, gần đây, Quỹ đã cải tổ quá trình đầu tư, với số lượng cổ phiếu mục tiêu giảm còn 28 - 32 mã, so với mức 35 - 40 mã trước đây.