Bước tiến lớn năm 2020
Các loại tài sản đầu tư bền vững, hoặc được quản lý dưới các chiến lược đầu tư bền vững đang duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực và nhận động lực từ những biến động lớn trên thị trường toàn cầu thời gian qua.
Theo kết quả khảo sát độc lập của US SIF Foundation vừa được công bố vào tháng 11/2020, các loại tài sản đầu tư bền vững đã tăng 42% lên mức 17.100 tỷ USD so với mức 12.000 tỷ USD năm 2018. Con số này tương đương 1/3 giá trị tài sản nằm dưới sự quản lý tại Mỹ.
Trong số đó, 16.600 tỷ USD đang được quản lý bởi các quỹ đầu tư, nhà quản lý tài sản cá nhân, nhà đầu tư tổ chức, các tổ chức đầu tư cộng đồng… sử dụng yếu tố ESG như là một trong các thành phần quan trọng khi phân tích và đưa ra quyết định đầu tư. Số tài sản còn lại được nắm giữ bởi các tổ chức đề cao ESG và cân nhắc sử dụng yếu tố này trước khi nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp đại chúng.
Hiện tại, đa phần các tài sản đầu tư ESG đang thuộc về các nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư chuyên nghiệp, tuy nhiên, mức độ quan tâm của nhà đầu tư cá nhân ngày càng gia tăng.
Một khảo sát gần đây của Morgan Stanley cũng cho thấy, 85% các nhà đầu tư cá nhân Mỹ quan tâm tới đầu tư bền vững, tăng 10% so với năm 2017. Với diễn biến này, các chuyên gia đánh giá, dòng vốn chảy vào các quỹ tập trung ESG, cũng như vốn rót vào các doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững sẽ duy trì đà leo dốc tích cực.
Đáng chú ý, US SIF cho biết, qua phỏng vấn người đứng đầu các văn phòng quản lý tài sản gia đình, công ty quản lý tài sản cho những người giàu có, có một khối lượng lớn các loại tài sản được đầu tư theo chiến lược bền vững nhưng không xuất hiện trong các báo cáo. Theo đó, những con số kể trên tuy ấn tượng, nhưng không phản ánh trọn vẹn nhất dòng chảy vốn đầu tư coi trọng yếu tố ESG và theo đuổi chính sách phát triển bền vững.
Bên cạnh vấn đề ESG, cuộc khảo sát của US SIF cho thấy, các tổ chức quản lý tài sản, các nhà đầu tư giàu có quan tâm bậc nhất tới câu chuyện môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu, phát thải carbon, công nghệ sạch và ít nhất 4,8 tỷ USD của các công ty quản lý tài sản gia đình đang tập trung đầu tư vào các dự án thuộc nhóm này.
Mới đây nhất, vào ngày 16/11/2020, Jeff Bezos, người sáng lập Amazon công bố vòng góp vốn đầu tiên cho Earth Fund - quỹ đầu tư cam kết sẽ dành nguồn lực 10 tỷ USD cho các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu. Trong lượt giải ngân đầu, 16 tổ chức đã nhận tổng số tiền 791 triệu USD. Với Earth Fund, Bezos đã trở thành nhà hỗ trợ hoạt động chống biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới.
Một số liệu đáng chú ý khác là tại Anh, trong số 277 quỹ đầu tư trái phiếu và cổ phiếu được thành lập kể từ đầu năm 2020 tới ngày 17/11/2020, có 101 quỹ theo đuổi chiến lược đầu tư bền vững và có hoạt động đầu tư ESG, chiếm 36% số quỹ mới thành lập. Đây được xem là một bước chuyển mình mạnh so với cách đây vài năm, khi số lượng quỹ ESG là rất khiêm tốn. Trước đó, năm 2019, chỉ 19% số quỹ ETF, quỹ cổ phiếu và khoảng 12% quỹ tương hộ tại Anh có chiến lược đầu tư bền vững.
Nhà đầu tư săn doanh nghiệp bền vững
“ESG là một phần trong bộ công cụ và quá trình ra quyết định đầu tư của chúng tôi. Các doanh nghiệp quản trị tài chính tốt thường có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo các yếu tố tăng trưởng bền vững và có trách nhiệm”, Tom Galvin, Giám đốc quỹ Columbia Select Large Cap Growth cho biết.
Theo báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 10/2020 của SSI Research đã cho biết, các quỹ đầu tư có yếu tố ESG tiếp tục thu hút vốn đầu tư. Cụ thể, các quỹ đầu tư kết hợp các yếu tố ESG đã hút vốn ròng 40/42 tuần gần đây, tổng cộng đã có 120 tỷ USD đổ vào kể từ đầu năm đến nay.
Cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 và các hiện tượng thiên nhiên ngày càng cực đoan đã khiến gia tăng tầm quan trọng của việc ứng phó với các vấn đề liên quan đến ESG.
Các thành viên thị trường nhận diện, danh mục đầu tư ESG sở hữu ít rủi ro hơn trước các biến động môi trường - xã hội, trong khi mang lại lợi suất tốt trong dài hạn, nhất là khi các vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng.
“Tôi nghĩ rằng, đã không còn gì phải bàn cãi về việc áp dụng các nguyên tắc đầu tư ESG vào danh mục đầu tư để giúp quản trị rủi ro tốt hơn”, David Wong, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư tại Alliance Bernstein cho biết.
Trong báo cáo “Thế hệ tiếp theo tại Việt Nam” (Next Generation Vietnam) do Hội đồng Anh công bố tháng 8/2020, một khảo sát cho thấy 40% người dân Việt Nam trong độ tuổi 16 - 30 có kế hoạch tự khởi sự kinh doanh. Các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, trong đó có hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA)… phần nào tạo động lực cho yếu tố kinh doanh chú trọng tới ESG tại Việt Nam.
Cụ thể, Vietnam Holding cho rằng, Quỹ sẽ tập trung rót vốn vào các doanh nghiệp chú trọng tới yếu tố ESG. Chẳng hạn, Quỹ đã bổ sung thêm cổ phiếu VNM (Vinamilk), bởi đánh giá cao yếu tố quản trị và chiến lược tăng trưởng bền vững của hãng. Bên cạnh đó, FPT - khoản đầu tư đang giữ tỷ trọng lớn cũng duy trì vị thế trong danh mục của quỹ này vì áp dụng các thông lệ quản trị tốt.
Vietnam Holding tích cực đưa các tiêu chí ESG vào quá trình phê duyệt và rà soát đầu tư. Tất cả các công ty trong danh mục đầu tư của Quỹ được theo dõi dựa trên các chỉ số về hiệu quả hoạt động quan trọng và đội ngũ đầu tư đánh giá các chiến lược của doanh nghiệp dựa trên hiệu quả cải thiện các hoạt động liên quan đến ESG. Trường hợp công ty vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về ESG, Quỹ tìm kiếm để nâng cao nhận thức quản lý cho các vấn đề có liên quan. Trong quá trình đầu tư, Vietnam Holding đề cập đến thông lệ quốc tế tốt nhất và khuyến khích áp dụng các giải pháp quản lý có thể được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam.
Là quỹ ngoại lớn tại thị trường Việt Nam, Dragon Capital từng chia sẻ, Quỹ chấp nhận mất khoảng 20% cơ hội đầu tư khi lập thêm bộ câu hỏi chấm điểm ESG, đưa thêm những quy trình, tiêu chí về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vào trong các lựa chọn và đầu tư của mình.
Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital cho rằng, trong tiêu chí ESG để đánh giá mức độ phát triển bền vững ở một doanh nghiệp, người ta chỉ mới chú ý vấn đề quản trị (Governance) và cộng đồng xã hội (Social), còn môi trường (Environmental) lại ít được lưu tâm, trong khi đây lại là yếu tố quan trọng.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (IPCC), ngay cả khi con người cố gắng hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vốn là mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015, băng vĩnh cửu sẽ vẫn tan chảy và giảm 25% diện tích vào năm 2100.
Trong khi đó, Tundra Sustainable Frontier là quỹ đầu tư tập trung vào yếu tố ESG ngay từ khi thành lập và có hoạt động đầu tư gắn bó với thị trường Việt Nam trong những năm qua. Ở góc nhìn người trong cuộc, Jennie C Ahrén, người đứng đầu bộ phận ESG của Tundra cho biết: “Dù Việt Nam đối diện nhiều thử thách ở cả 3 mảng môi trường, xã hội, quản trị, nhưng tiềm năng để thay đổi tích cực là hiện hữu. So với các quốc gia có cùng yếu tố xã hội và điều kiện kinh tế, các hoạt động giáo dục tại Việt Nam nổi trội hơn hẳn. Nhu cầu từ nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo định hướng và củng cố thêm các điều kiện về môi trường, lao động, minh bạch”.
Chiến lược đầu tư của Tundra là tìm kiếm doanh nghiệp tăng trưởng, nhưng sự phát triển này phải bền vững; từ chối đầu tư vào các doanh nghiệp có hoạt động xung đột với thông lệ tốt về môi trường, quyền lợi của người lao động.