Khẩu vị của các quỹ đầu tư năm 2020

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) 2020 không phải một năm dễ dàng với các quỹ đầu tư trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, nhưng không phải là không có cơ hội để lựa chọn với đối tượng nhà đầu tư này.

Ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu ưa thích của các quỹ đầu tư. Ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu ưa thích của các quỹ đầu tư.

Quỹ cổ phiếu chọn ngân hàng

Trong cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ lớn, nhóm ngân hàng được nhận định có triển vọng tích cực bậc nhất và cũng là nhóm đóng vai trò quan trọng đưa các quỹ đầu tư tăng trưởng dương trở lại.

Trong giai đoạn đại dịch, Vietnam Holding đã gia tăng tỷ trọng nắm giữ nhóm ngân hàng, với nhận định đây là nhóm đang có giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo đó, Quỹ lần lượt gia tăng tỷ trọng nắm giữ các cổ phiếu như VCB, CTG, MBB…, đưa nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong danh mục các cổ phiếu được nắm giữ nhiều nhất.

Ông Craig Martin, Giám đốc danh mục đầu tư của Vietnam Holding, Chủ tịch Dynam Capital (đơn vị chủ quản quỹ Vietnam Holding) trả lời phỏng vấn Proactive cho rằng, ngành ngân hàng nổi bật tại Việt Nam, không giống với tình hình tại nhiều quốc gia phát triển khác.

Ngành ngân hàng Việt Nam chịu sự quản lý gắt gao và phải áp dụng các tiêu chuẩn tốt nhất. Điều này thúc đẩy các nhà băng duy trì bảng cân đối khoẻ mạnh hơn và có khả năng phục hồi hoạt động tốt hơn…

“Tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực ngân hàng Việt Nam là khổng lồ, bất chấp việc quốc gia này đã tăng trưởng nhanh chóng trong 20 năm qua, nhất là khi chưa tới 40% dân số có tài khoản ngân hàng. Chúng tôi tin rằng, năm 2021 sẽ chứng kiến sự trở lại của các nhà băng khi nền kinh tế phục hồi, với mức tăng trưởng GDP dự báo từ 7 - 8%”, ông Craig Martin cho biết.

Nếu như vào đầu năm 2020, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng 11% trong danh mục đầu tư của Vietnam Holding thì tới cuối tháng 10/2020, đã tăng gấp đôi lên 22%.

Cùng chung quan điểm, ông Petri Deryng, Giám đốc PYN Elite cho biết, PYN Elite đã tiến hành nâng tỷ trọng nhóm cổ phiếu ngân hàng từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, khi mà hiệu quả kinh doanh của nhiều ngân hàng đã cải thiện, nhưng màn biểu diễn của cổ phiếu vẫn thấp hơn so với đà tăng của VN-Index.

“Những năm gần đây, nhóm cổ phiếu nhà băng trong danh mục của chúng tôi ghi nhận kỷ lục tăng trưởng trung bình doanh thu và lợi nhuận từ 30 - 40%/năm. Năm 2020 sẽ không có nhiều khác biệt nếu như đại dịch không xuất hiện. Dẫu vậy, các nhà băng này vẫn được dự báo tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20% và P/E quanh mức 5,6 lần trong năm nay”, ông Petri Deryng cho biết.

Tính tới cuối tháng 10/2020, trong Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của PYN Elite, nhóm ngân hàng xuất hiện hàng loạt tên tuổi gồm VietinBank (9,56%), HDBank (9,3%), TPBank (8,72%), MB (4,83%), Viet Capital Bank (3,4%) và LienVietPostBank (2,62%).

Trong khi đó, vào cuối tháng 1/2020, chỉ có 3 nhà băng xuất hiện trong Top 10 khoản đầu tư của Quỹ là TPBank, HDBank và VietinBank.

Quỹ đầu tư có quy mô lớn nhất thị trường Việt Nam là VEIL cũng tiến hành nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua.

Các ngân hàng ACB, VCB, MBB tiếp tục duy trì vị trí là các khoản đầu tư chủ đạo của VEIL tính tới ngày 12/11/2020 với tỷ trọng trong danh mục đầu tư lần lượt là 9,75%, 8,26%, 3,4%.

Đáng chú ý, tính tới ngày 12/11/2020, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 24,91% danh mục đầu tư.

Với tổng giá trị tài sản ròng đạt 1.774,95 triệu USD, ước tính Quỹ VEIL đang rót hơn 442 triệu USD vào nhóm ngân hàng.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư cũng quan tâm nhiều hơn tới nhóm doanh nghiệp tăng trưởng, chia cổ tức đều đặn với lựa chọn là cổ phiếu vốn hóa lớn, có ảnh hưởng đến chỉ số, chẳng hạn nhóm cổ phiếu Vingroup (VIC, VHM, VRE), hay SAB.

Quy mô tài sản quản lý lớn nên các quỹ đầu tư thường tìm tới cổ phiếu nhóm này để trong trường hợp xấu xảy ra, hiệu suất đầu tư sẽ không chênh lệch lớn so với chỉ số.

Quỹ PE ưa nhóm y tế, năng lượng

Theo số liệu từ Grant Thorton, mặc cho tình hình khó khăn với việc hạn chế di chuyển, đóng cửa biên giới ở một số quốc gia, số lượng các giao dịch của quỹ đầu tư tư nhân (quỹ PE) trong 6 tháng đầu năm 2020 không hề thuyên giảm, mà vẫn đạt trên 50% tổng số lượng giao dịch của năm 2019 (55 giao dịch trong 6 tháng 2020 so với 107 giao dịch trong cả năm 2019).

Hơn nữa, giá trị các giao dịch trong 6 tháng 2020 đã vượt xa, hơn gấp đôi con số tổng giao dịch của năm 2019.

Trong đó, các quỹ đầu tư tư nhân quan tâm tới một số nhóm ngành tiêu biểu gồm năng lượng, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, công nghệ và truyền thông, dịch vụ tài chính và sản xuất.

Cụ thể, nhóm ngành năng lượng tái tạo tăng trưởng ấn tượng nhất với mức 2.394% dù chỉ với 1 thương vụ. Tiếp theo là các nhóm bất động sản, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, dịch vụ tài chính với mức tăng trưởng lần lượt là 1.444%, 1.138% và 318%.

Trong khi một số quỹ PE mở mới đang hoạt động sôi động tại thị trường Việt Nam, một số quỹ khác cũng chuyển từ trọng tâm đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết sang đầu tư như các quỹ PE, chẳng hạn Quỹ đầu tư Vietnam Oppoturnity (VOF) của VinaCapital, hay một số quỹ mới huy động của Mekong Capital.

Tiếp tục chiến lược đầu tư vốn cổ phần tư nhân và định hướng tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, VOF đã thông báo đầu tư 26,7 triệu USD vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc.

Ðây là khoản đầu tư thứ 3 vào ngành y tế với kỳ vọng đưa VOF thành một trong những tay chơi hàng đầu lĩnh vực này tại Việt Nam.

Trước đó, VOF cũng đã nắm cổ phần tại chuỗi Bệnh viện Y khoa Tâm Trí (22 triệu USD) và Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa (19 triệu USD).

Ðịnh hướng đầu tư trong 12 - 18 tháng tới, VOF xác định một thực tế mới đối với hoạt động của Quỹ.

Ðó là thị trường tiêu dùng yếu đi, nhiều doanh nghiệp chịu áp lực dòng tiền, đà tăng của giá cổ phiếu hạn chế, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tới Việt Nam ít hơn do các lệnh hạn chế đi lại và một số lĩnh vực sẽ ở tình trạng tệ hơn so với các bộ phận khác.

Ðây là lý do VOF xác định chiến lược đầu tư tránh xa khỏi lĩnh vực chi tiêu không thiết yếu và bán lẻ (như trung tâm thương mại, chuỗi nhà hàng, bán lẻ), tập trung vào các khoản đầu tư có thể mang lại tỷ lệ hoàn vốn nội bộ tốt, đảm bảo lợi tức; quan tâm nhiều hơn tới phân khúc bất động sản, ngân hàng/tài chính, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin.

Cũng rót vốn vào ngành y tế - chăm sóc sức khoẻ, Quỹ Mekong Enterprise Fund III lựa chọn chuỗi nhà thuốc Pharmacity để đầu tư.

Chuỗi Pharmacity được thành lập từ tháng 11/2011 và hiện là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất cả nước với 469 cửa hàng. Tháng 5/2019, chuỗi này cho biết, đã được Mekong Capital rót vốn và đến tháng 2/2020 gọi thêm được 32 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ, tương đương 730 tỷ đồng.

Theo đánh giá của BMI, bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam là thị trường tiềm năng có quy mô lên tới hơn 3 tỷ USD và chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia.

Trịnh Hằng
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ