Sáng nay (3/6), Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Trước đó, sáng 28/5, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự ánLuật Đầu tư công (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về các nội dung dự án Luật này.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có bố cục gồm 6 chương, 101 điều quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật này thay thế cho Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.
Đa số tán thành giữ tiêu chí phân loại loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C như hiện hành
Về vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành. Chính phủ và một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, đây là nội dung còn ý kiến khác nhau và mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 phương án và căn cứ lựa chọn như sau:
Kết quả lấy ý kiến đối với quy định về tiêu chí phân loại loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C
Phương án 1: Giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành vì: Điều 11 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định;
Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc; ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án; Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV chỉ có 02 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội. Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, xin giữ quy định của Luật hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án A, B, C.
Phương án 2: Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành vì: Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án lên cho phù hợp với thực tiễn biến động giá cả và quy mô dự án; mức vốn 10.000 tỷ đồng để xác định dự án quan trọng quốc gia được áp dụng từ năm 1997 theo Nghị quyết 05/NQ-1997-QH10 và được quy định tại Luật đầu tư công (năm 2014) là 10.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần. Tuy nhiên, để bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ áp dụng phù hợp trong dài hạn, cần điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng.
Biểu quyết bằng hệ thống điện tử, đã có 367/429 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với phương án 1 (chiếm 75,83% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 57/429 đại biểu tham gia biểu quyết không tán thành với phương án 1 (chiếm 11,78% tổng số đại biểu Quốc hội).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội.
Tán thành quy định Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định Kế hoạch ĐTCTH tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới
Về ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thay đổi thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) để bảo đảm tính hợp lý, khả thi, UBTVQH xin ý kiến ĐBQH theo 02 phương án và xin báo cáo những thuận lợi, khó khăn của mỗi phương án như sau:
Kết quả lấy ý kiến đối với quy định Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định Kế hoạch ĐTCTH tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới
Phương án 1: Quy định Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định Kế hoạch ĐTCTH tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới. Theo phương án này, Quốc hội khóa trước chuẩn bị Kế hoạch ĐTCTH để cho Quốc hội khóa mới quyết định mục tiêu, định hướng, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn, nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, tổng mức vốn của từng bộ, ngành, địa phương, danh mục cụ thể các dự án trong Kế hoạch ĐTCTH tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ.
Phương án này sẽ có thuận lợi sau: Việc quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH trong năm đầu tiên giai đoạn mới sẽ bảo đảm việc quyết định sau khi có Nghị quyết đại hội Đảng về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Quốc hội khóa mới sẽ quyết định mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm, trên cơ sở đó xây dựng Kế hoạch ĐTCTH; Quốc hội khóa mới có thẩm quyền quyết định phân bổ nguồn lực đầu tư cho nhiệm kỳ Quốc hội đó.
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này sẽ có những hạn chế sau: Sẽ phải sửa đổi quy định tại nhiều văn bản pháp luật về việc lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn; Năm đầu tiên của giai đoạn mới sẽ chưa có Kế hoạch ĐTCTH để triển khai thực hiện; Nếu thực hiện phương án này sẽ cần thay đổi quy trình xây dựng, phê duyệt kế hoạch.
Phương án 2: Giữ như quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, theo đó, Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH của giai đoạn sau tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 05 Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn trước. Theo phương án này, Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH của giai đoạn sau tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 05 Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn trước.
Quy định như vậy sẽ có những thuận lợi sau: Thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch ĐTCTH thống nhất với quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công về quy trình xây dựng Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm; Việc giữ như quy định hiện hành nhằm bảo đảm tính liên tục giữa các giai đoạn Kế hoạch ĐTCTH. Nếu để đến đầu nhiệm kỳ sau mới xem xét, thông qua Kế hoạch ĐTCTH thì năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới sẽ không có kế hoạch trung hạn (như đã xảy ra trong năm 2016, dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện, không phát huy hiệu quả kịp thời của nguồn lực đầu tư công).
Mặt khác, quy trình xây dựng Kế hoạch ĐTCTH theo Luật hiện hành đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai, trên thực tế không có vướng mắc, dần đi vào nề nếp, ổn định; việc chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo cũng đang thực hiện theo quy định của Luật hiện hành. Phương án này bảo đảm việc quyết định Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn sau gắn việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn trước.
Tuy nhiên, nếu quy định theo phương án này, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, cũng có hạn chế khi việc quyết định Kế hoạch ĐTCTH diễn ra trước thời điểm Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc về kinh tế - xã hội, chưa có căn cứ để xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cho 05 năm, chưa xác định được Kế hoạch tài chính 5 năm và số vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho 05 năm, là cơ sở cho xây dựng Kế hoạch ĐTCTH và trên thực tế, Quốc hội khóa XIV đã quyết định Kế hoạch tài chính 05 năm và Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn 2016-2020, quá trình thực hiện trên thực tế không có vướng mắc.
Biểu quyết bằng hệ thống điện tử đối với nội dung này, đã có 318/429 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 65,70% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 108/429 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 22,31% tổng số đại biểu Quốc hội).
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội
Chưa quyết định thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch ĐTCTH
Liên quan đến thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch ĐTCTH, UBTVQH xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo 02 phương án:
Kết quả lấy ý kiến đối Phương án 1 (trên) và Phương án 2 (dưới) về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch ĐTCTH
Phương án I: UBTVQH và đa số ĐBQH đề nghị quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Phương án II: Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo Kế hoạch ĐTCTH được Quốc hội thông qua vì quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án sẽ dẫn tới mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.
Mặt khác, danh mục dự án cần qua nhiều bước để xác định thông tin nên cần có thời gian, nếu có thay đổi sẽ phải thực hiện các thủ tục báo cáo Quốc hội tại kỳ họp; tính linh hoạt trong điều hành Kế hoạch ĐTCTH sẽ hạn chế. Vì vậy, để tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính đề nghị giao Chính phủ thẩm quyền quyết định danh mục dự án, bảo đảm linh hoạt, sát thực tế trong điều hành Kế hoạch ĐTCTH.
Biểu quyết bằng hệ thống điện tử đối với phương án 1, đã có 234/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 48,35% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 174/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 35,95% tổng số đại biểu Quốc hội).
Với phương án 2, đã có 206/423 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 42,56% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 204/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 42,15% tổng số đại biểu Quốc hội).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, kết quả biểu quyết cho thấy cả 2 phương án đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.