Nếu không có gì thay đổi thì vào Kỳ họp thứ 7 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Luật Đầu tư công. Thưa ông, cho đến tận thời điểm này vẫn còn ý kiến băn khoăn là chỉ nên sửa đổi, bổ sung một số điều, hay sửa đổi toàn diện luật này?
Những người có quan điểm chỉ nên sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công lập luận, luật này mới chỉ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015, đến nay chưa được 5 năm, nên chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung vướng mắc phát sinh trong thực tế, còn những nội dung chỉ vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thì chưa nên sửa.
Nếu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, thì phải đánh giá kỹ tác động, tránh trường hợp luật mới đi vào thực hiện đã phát sinh vướng mắc hoặc cứ vướng mắc lại đem luật ra sửa, trong khi chỉ sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật là có thể giải quyết được vấn đề.
Tôi cho rằng, về tổng thể, thì quan điểm này không sai, nhưng với Luật Đầu tư công vì những lý do kể trên mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, thay vì “đập đi xây lại” thì chưa đúng.
Những người cho rằng, chỉ cần sửa đổi, bổ sung một số điều sẽ đáp ứng được yêu cầu vì họ mới tiếp xúc với Luật Đầu tư công, chỉ nhìn thấy những mặt tích cực mà luật này đem lại như siết chặt được kỷ cương, kỷ luật tài chính trong việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án gắn với thẩm định nguồn và khả năng cân đối nguồn vốn, thu hút vốn từ các thành phần kinh tế khác, đảm bảo cân đối vĩ mô, an toàn nợ công, chống được đầu tư giàn trải, lãng phí…, mà chưa nhìn thấy những hạn chế của luật.
Không thể phủ nhận những hiệu quả mà luật đem lại, tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai, Luật Đầu tư công đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó, hạn chế lớn nhất là không năm nào hoàn thành được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc giải ngân nguồn vốn này.
Vậy, ông ủng hộ quan điểm thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều?
Luật Đầu tư công là luật hoàn toàn mới, xóa bỏ toàn bộ tư duy cũ, cách làm cũ, quy trình, thủ tục cũ về đầu tư công, sau hơn 4 năm thực hiện, nhiều người đã thấy quen dần nên ngại sửa đổi toàn diện. Suy nghĩ này cũng giống như ngày xưa đi xe đạp quen rồi, khi có xe máy thấy lạ, nhưng khi đã quen với việc sử dụng xe máy mà bắt chuyển sang đi ô tô thì không muốn do đi ô tô anh phải chấp hành nghiêm túc luật giao thông, sai là bị phạt, thậm chí còn bị tước bằng lái xe, chứ không có chuyện “châm chước”, “thông cảm” như khi đi xe máy.
Đầu tư công trước đây ví như đi xe đạp, Luật Đầu tư công cũng ví như việc đi xe máy với một hành lang pháp lý, quy trình, thủ tục đầy đủ, đồng bộ, nên các cấp, các ngành đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và cân đối nguồn lực, phân bổ vốn để triển khai thực hiện…
Còn Luật Đầu tư công sửa đổi ví như việc đi ô tô, theo đó tiếp tục nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tăng cường hoạt động giám sát, đảm bảo công khai và minh bạch hơn; chấm dứt quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn.
Vì vậy, tôi nghiêng về quan điểm phải sửa Luật Đầu tư công và mong Quốc hội sớm thông qua luật này vì theo lộ trình, vào Kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội sẽ thông qua Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026.
Nhưng cũng cần phải có lý do thuyết phục để thấy rằng, sửa đổi Luật Đầu tư công hợp lý hơn, thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, thưa ông?
Luật Đầu tư công chỉ có 106 điều, nhưng đã phải sửa đổi tới 69 điều và bãi bỏ 6 điều. Như vậy, về hình thức thì luật này đã được sửa đổi gần như toàn bộ do các điều được giữ lại cũng phải thay đổi thứ tự.
Còn về nội dung, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 đã sửa nhiều nội dung về khái niệm, giải thích từ ngữ; phân loại nguồn vốn đầu tư công…
Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với từng loại nguồn vốn, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước; sửa đổi, bổ sung các tiêu chí phân loại dự án; điều chỉnh tiêu chí dự án; đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định nguồn vốn, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án.
Dự thảo còn luật hóa cụ thể thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư công, phân bổ dự phòng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn; thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; quy định về thời hạn giải ngân; thời hạn trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn... Vì vậy, nhất thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư công, thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều. Quan điểm này cũng nhận được đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương.
Một trong những thành công nhất của Luật Đầu tư công là chống đầu tư dàn trải. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ có 9.620 dự án, giảm 50% so với giai đoạn trước. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn tới phải cắt giảm dự án đầu tư công mạnh hơn nữa. Quan điểm của ông thế nào?
Có ý kiến cho rằng, phải cắt giảm số lượng dự án đầu tư công mạnh hơn nữa, vì ở các nước phát triển, mỗi giai đoạn chỉ triển khai vài ba chục dự án, còn Việt Nam có tới hơn 9.600 dự án đầu tư công là quá nhiều.
Theo tôi, so sánh này là khập khiễng, vì Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, hạ tầng kinh tế - xã hội vừa thiếu, vừa yếu; khu vực tư nhân chưa đủ mạnh để đầu tư vào các dự án đầu tư công cần vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu dài và hiệu quả đầu tư vào các công trình, dự án công cũng không cao bằng đầu tư vào lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, thu nhập của người dân còn thấp, nên không thể chi trả tất cả các khoản dịch vụ công do tư nhân đầu tư. Vì vậy, Nhà nước vẫn phải bỏ tiền ra để xây dựng công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội chưa thể xã hội hóa được, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân.
Khi nào đời sống của người dân tương đương với các nước ASEAN nhóm trên, thì số lượng dự án đầu tư công của Việt Nam cũng giảm tương đương như họ. Trong tương lai xa, khi thu nhập của người dân, trình độ phát triển kinh tế, hạ tầng kinh tế - xã hội của Việt Nam tương đương với các nước OECD, thì số lượng đầu tư công sẽ giảm mạnh, thay vì phải đầu tư hơn 9.600 dự án như hiện nay.